Sinh viên Kỹ thuật mang công nghệ vào nghệ thuật múa rối nước
(Dân trí) - Cách đây gần 4 năm, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã phát động cuộc thi thực hiện robot múa rối nước. Và đều đặn hàng năm, sinh viên trường đưa các kiến thức kỹ thuật của mình ứng dụng vào môn nghệ thuật truyền thống để tranh tài. Đó cũng là cách duy trì một nghệ thuật cổ trong lòng giới trẻ.
Đầu năm 2020, trước khi về quê nghỉ Tết, các nhóm sinh viên từng đạt giải tại cuộc thi chế tạo robot múa rối năm nay lại trình diễn tác phẩm của mình cho các học sinh, sinh viên xem. Với nhiều sinh viên, số lần trực tiếp xem biểu diễn múa rối nước truyền thống ước chưa đếm hết bàn tay. Vì vậy, người xem không khỏi bất ngờ pha lẫn háo hức với các tiết mục biểu diễn múa rối nước ấn tượng và kịch tính, do các nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hiện.
Nguyễn Đắc Đức, hiện là sinh viên năm thứ 4, ngành Cơ khí chế tạo máy chia sẻ về tác phẩm rối nước “Học trò thủy thần của thầy Chu Văn An”của nhóm mình đã làm.
“Chúng em thấy cuộc thi của trường đưa ra rất hay nên lập nhóm tham gia. Mỗi bạn chia nhau một phần, người làm cơ khí, người làm lập trình, người vẽ trang trí phông nền… Đa phần đều không am hiểu nhiều về nghệ thuật cổ truyền này nên chúng em phải tìm hiểu nhiều nguồn khác nhau để hoàn thành tác phẩm của mình”, Đức bộc bạch.
Và như thế, những câu chuyện lịch sử hay văn hóa đồng quê được sinh viên tái hiện lại. Chính tay các bạn trẻ này trực tiếp lên ý tưởng kịch bản, bắt tay vào mày mò thiết kế từ phần cứng cho đến phần mềm.
Để chuẩn bị một tiết mục biểu diễn, các sinh viên mất khá nhiều thời gian, công sức. Từ việc áp dụng kiến thức chuyên ngành đã học để lập trình, tạo code, chuyển động... cho tới những công việc thủ công như cắt dán, tạo hình nhân vật con rối sao cho sống động, chăm chút đến từng chi tiết âm thanh, lời bình… một cách sinh động và ý nghĩa.
Nhờ thế, các tiết mục như Chọi trâu, Sự tích dưa hấu, Sơn Tinh - Thủy tinh, Mục đồng thổi sáo, Cáo bắt vịt, Sự tích Hồ Gươm - trả gươm, múa lân, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng…trở nên lôi cuốn. Nhiều sinh viên chia sẻ, đây là sân chơi để họ được liên kết với môn học, vận dụng kiến thức được học vào thực tế gần nhất.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đánh giá đây là hoạt động bổ ích cho giới trẻ hiện nay. Sinh viên Nguyễn Hữu Nghị chia sẻ: “Môn nghệ thuật này cũng lâu đời rồi, bản thân sinh viên chúng em yêu Tổ quốc thì nên tìm hiểu và tiếp thu về các loại hình nghệ thuật cổ và đây là cách chia sẻ sang giới trẻ để các bạn hiểu văn hóa dân gian ta rộng lớn thế nào”.
Có thể nói, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là trường đầu tiên ứng dụng công nghệ vào môn nghệ thuật truyền thống thú vị này. Với việc robot múa rối tự động điều khiển từ xa được, các nghệ nhân không phải ngâm mình trong nước suốt màn biểu diễn nữa. Đây là một môi trường hấp dẫn và thú vị cho các sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, vừa rèn luyện vừa thư giãn và theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật của mình.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, khoa Kỹ thuật Chế tạo máy trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: “Chúng tôi đưa loại hình này dựa trên ý tưởng để các nghệ nhân múa rối nước đỡ vất vả hơn, để duy trì lâu hơn loại hình này. Để giúp các nghệ nhân cải tiến hay hỗ trợ được họ thì chúng ta đưa công nghệ ứng dụng vào. Ban đầu việc đầu tư này sẽ tốn kém, nhiều máy móc nhưng để đạt hiệu quả là quá trình triển khai lâu dài”
Giáo dục phải hướng đến sáng tạo và hội nhập. Chúng ta đam mê kỹ thuật, càng không được lãng quên cái đẹp trong dân gian. Có lẽ vì vậy mà trường cũng là nơi đầu tiên đầu tư hẳn sân khấu thủy đình để phục vụ lâu dài cho loại hình nghệ thuật dân gian đang có nguy cơ dần mai một này. Không chỉ tạo sân chơi bổ ích, được ứng dụng kiến thức vào thực tế mà còn giúp sinh viên yêu và bảo tồn văn hóa dân gian của dân tộc.
Lê Phương