Sinh viên hoang mang vì thông tin Khoa thay đổi “đối tác”

(Dân trí) - Rất đông sinh viên của khoa Quốc tế- ĐH Quốc gia HN tỏ ra hoang mang trước thông tin “Chương trình đào tạo cử nhân Kế toán và Tài chính liên kết với ĐH HELP và ĐH East London không thể tiếp tục vì gặp những lý do bất khả kháng”

Trong thư phản ánh về báo Dân trí, một số sinh viên cho hay: “Hiện tại một số khóa học của hệ đào tạo bằng tiếng Anh vẫn chưa được vào học theo đúng chương trình”. Một số em khác viết: “Khoa Quốc tế có ý định thay đổi các trường đối tác nước ngoài. Vì vậy sinh viên của Khoa đang theo học hiện tại phải tạm ngừng chương trình học một cách bất đắc dĩ”

Bên cạnh đó một số bạn cũng cho hay, ngay sau khi nghe tin, không ít sinh viên của Khoa quốc tế cảm thấy rất lo lắng không biết mình có thể tiếp tục học để lấy bằng trường đối tác nước ngoài như đã đăng ký khi nhập học hay không.

Sự cố bất khả kháng!

Trao đổi với Dân trí chiều ngày 23/3, GS.TSKH Nguyễn Trọng Do- Chủ nhiệm khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia HN cho hay: “Đây là một sự cố bất khả kháng”.

Theo G.S Do, chương trình đào tạo cử nhân Kế toán và Tài chính liên kết với ĐH HELP (Malaysia) và ĐH East London (Anh) được triển khai theo phương thức: học 3 năm đầu theo chương trình của ĐH HELP, năm cuối sinh viên có thể lựa chọn học theo chương trình của ĐH HELP và nhận bằng của ĐH HELP hoặc theo chương trình của ĐH East London (UEL) và nhận bằng của UEL, hoặc của cả hai trường.
 
Sinh viên hoang mang vì thông tin Khoa thay đổi “đối tác” - 1

Không ít sinh viên khoa Quốc tế ĐH Quốc cảm thấy hoang mang và dao động trước thông tin Khoa đổi đối tác

Tuy nhiên, để vào học năm thứ 3 theo chương trình của ĐH East London, sinh viên phải trả xong tất cả các môn học của năm thứ 2. Do kết quả thi của các em không tốt, số lượng sinh viên đủ điều kiện để vào học năm cuối chương trình của UEL quá ít. Cụ thể: khóa I chỉ có 09/30 sinh viên đủ điều kiện, khóa II hiện tại chỉ có 12/42 sinh viên đủ điều kiện. Trong khi đó theo quy định của UEL, để tổ chức năm thứ 3 tại Việt Nam thì một lớp học phải có ít nhất 30 sinh viên.

Để đảm bảo quyền lợi cho các em, Khoa Quốc tế quyết định mời phân hiệu của East London tại ĐH HELP Malaysia đến tổ chức lớp học tại Hà Nội.

“Để làm rõ những vấn đề này với các em sinh viên và gia đình, chúng tôi có có hoãn ngày khai giảng học kỳ mới khoảng 2 tuần so với chương trình. Rất có thể đây là lý do gây hiểu nhầm”, giáo sư Do chia sẻ.

Cũng theo GS Do thì về lâu dài thì Khoa sẽ không gia hạn hợp đồng với ĐH East London, lý do là trường UEL đang ở giai đoạn khủng hoảng bộ máy lãnh đạo và chính sách đào tạo, hợp tác quốc tế. Cụ thể, Ban giám hiệu nhà trường đã thay đổi hai lần và cho đến nay vẫn chưa có hiệu trưởng chính thức mới; thứ hạng của ĐH UEL trước đây xếp ở vị trí 45 thì hiện nay đã tụt xuống vị trí thứ 119.

"Chương chương trình đào tạo cử nhân Kế toán và Tài chính liên kết với ĐH HELP và ĐH East London vẫn tiếp tục, nhưng sẽ kết thúc sau khi các em thuộc hai khoá đầu tiên (đang học tại Khoa) ra trường", GS Do nhấn mạnh.

Quyền lợi sinh viên sẽ được đảm bảo tối đa

"Quyền lời của sinh viên hai khóa đầu sẽ được đảm bảo tối đa. Nhà trường sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí phát sinh do sự cố này, sinh viên vẫn chỉ phải đóng mức học phí theo như thông báo ban đầu (nghĩa là 2.800 USD)", GS Do cho hay cách giải quyết đối với 21 sinh viên theo học chương trình của UEL.
 
Cũng theo GS Do, đối với các sinh viên khóa sau mà đăng ký học để nhận bằng UEL (bắt đầu từ năm 2007 trở lại đây), hiện đang trong quá trình học tiếng Anh và một số môn cơ sở, hoặc mới bắt đầu học khóa dự bị của HELP, thì sự cố này không làm ảnh hưởng đến các em. Nhà trường đang vận động để các em tiếp tục học nhận bằng của HELP hoặc của trường ĐH Keuka (Hoa Kỳ) (một đối tác vừa được ký kết năm 2009-PV).
 
Sinh viên hoang mang vì thông tin Khoa thay đổi “đối tác” - 2

"Quyền lợi sinh viên sẽ được đảm bảo tối đa"- GS.TSKH Nguyễn Trọng Do

Theo số liệu thống kê từ Phòng quản lý đào tạo của Khoa thì số sinh viên đang theo học từ năm 2007 trở lại đây là có khoảng 417 thì hiện tại đã có 117 sinh viên đăng ký chuyển sang chương trình đào tạo của ĐH Keuka, số sinh viên còn lại thì vẫn tiếp tục đăng ký học chương trình của HELP.

“Tuy nhiên tôi biết không ít sinh viên vẫn muốn học và nhận bằng của Anh. Chính vì thế, Khoa đang tích cực đàm phán với các ĐH Northumbria (Vương quốc Anh) để triển khai các chương trình liên kết đào tạo. Nếu quá trình đàm phán thành công và được Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép thì các em theo học chương trình của HELP vẫn có cơ hội nhận bằng cử nhân chính quy của Anh khi đăng ký theo học hai chương trình trên”, GS Do cho biết thêm.  
 
Trước tin đồn ĐH HELP sẽ cắt hợp kết với Khoa Quốc tế sau 3 khóa tuyển sinh, GS Do khẳng định: "ĐH HELP luôn coi khoa Quốc tế là một đối tác chiến lược. Khoa Quốc tế hiện là đối tác quốc tế lớn thứ hai của ĐH HELP. Chính vì thế việc hợp tác ở đây là lâu dài và bền vững. Tôi khẳng định không bao giờ có chuyện ngừng liên kết”.

Nguyễn Hùng