Sinh viên gốc Á: Thà khó khăn ở trường top còn hơn xuất sắc ở trường thường
(Dân trí) - Một nghiên cứu của tạp chí học thuật nổi tiếng cho thấy, nhiều khả năng sinh viên châu Á chọn học trường đại học ưu tú dù gặp khó khăn hơn là xuất sắc ở một trường trung bình.
Tạp chí học thuật Khoa học Tâm lý Xã hội và Nhân cách đã tìm cách hiểu rõ hơn về vấn đề: Yếu tố tâm lý nào khiến một người chấp nhận trở thành một sinh viên trung bình tại Đại học Harvard hơn là một sinh viên thừa tiêu chuẩn tại Đại học Northeastern và tại sao có những người chọn điều ngược lại.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan, Mỹ, đã so sánh người Mỹ gốc Đông Á và người Mỹ gốc Âu dựa trên giả định rằng, bối cảnh văn hóa đóng một vai trò to lớn. Các phân tích của họ sau đó cho thấy: Người Mỹ gốc Đông Á có nhiều khả năng thích làm "con cá nhỏ trong ao lớn" hơn là người Mỹ gốc Âu.
Người châu Á được biết đến là những người có tinh thần tập thể cao hơn, coi trọng sự khiêm tốn và có xu hướng đưa ra quyết định dựa trên lợi ích chung hơn là lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó, những người da trắng được biết đến là những người theo chủ nghĩa cá nhân, luôn đề cao bản thân và đưa ra nhiều quyết định dựa trên tham vọng cá nhân.
Suy từ đó, người Đông Á có thể có nhiều khả năng đánh giá bản thân dựa trên nhóm xã hội lớn hơn mà họ là thành viên, trong khi người Mỹ gốc Âu có thể đánh giá bản thân nhiều hơn dựa trên cách họ so sánh với những người khác trong nhóm của họ.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người Đông Á mà họ khảo sát theo đuổi một hình thức tự đề cao khác đó là thanh thế.
Kaidi Wu, trưởng nhóm nghiên cứu và là nghiên cứu sinh về tâm lý xã hội tại Đại học Michigan, cho biết, các nền văn hóa Đông Á thường chú trọng tới tính tập thể.
Trong những nền văn hóa như vậy, việc bạn biết rằng mình đang làm tốt là không đủ mà người khác cũng nên biết rằng bạn làm tốt. Nói cách khác, những gì người khác nghĩ và biết về bạn cũng rất quan trọng.
Wu và các đồng tác giả của cô đã tiến hành một số nghiên cứu như một phần của phân tích này. Đầu tiên, họ chỉ đơn giản là hỏi các sinh viên Đại học Michigan xem các sinh viên muốn trở thành một con cá lớn trong một cái ao nhỏ hay ngược lại.
Trong khi khoảng 75% người Đông Á được hỏi (hầu hết sinh ra ở Mỹ hoặc di cư đến nước này khi còn trẻ) cho biết họ thích làm con cá nhỏ trong ao lớn hơn còn con số này với sinh viên Âu Mỹ là 59%.
Nghiên cứu thứ hai hỏi ý kiến những người trưởng thành ở Trung Quốc đại lục và người Mỹ gốc Âu rằng, họ thích học ở mức trung bình tại trường đại học Top 10 hay học tốt ở một trường đại học Top 100. Sau đó họ hỏi một câu hỏi tương tự nhưng thay "trường đại học" bằng "công ty" để đánh giá sở thích về nơi làm việc của người tham gia khảo sát.
Những người tham gia khảo sát tới từ Trung Quốc cho thấy họ có nhiều khả năng thích trở thành một con cá nhỏ trong chiếc ao lớn với 58% người được hỏi thích học trường đại học Top 10 dù chỉ học trung bình và 29% trong số họ thích làm trong công ty Top 10 toàn cầu. Con số này chỉ là 27% và 14% đối với người Mỹ gốc Âu.
Tất nhiên, những khảo sát này chỉ thực hiện trên nhóm khoảng 200 đến 300 sinh viên. Hơn nữa, gần như không thể xác định được mức độ mà nền tảng văn hóa của một người ảnh hưởng đến việc ra quyết định của người đó vì còn vô số yếu tố khác.
Tuy nhiên, Wu nhấn mạnh rằng nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên khám phá cách mà các nền văn hóa góp phần hình thành các quyết định giáo dục của mỗi người, lý do tại sao có người muốn làm con cá nhỏ trong chiếc ao lớn và ngược lại.
Trong nghiên cứu này, có thể thấy người Mỹ thường theo chủ nghĩa cá nhân còn người Đông Á theo chủ nghĩa tập thể.
Tất nhiên, bên cạnh những sinh viên châu Á theo chủ nghĩa tập thể thì vẫn có những sinh viên châu Á cực kỳ cạnh tranh. Xu hướng của nhiều người Đông Á hướng tới các thể chế tên tuổi dù bị người khác lấn át không phải vì họ có tính tập thể hơn, mà họ muốn duy trì sự hài hòa và dần phù hợp với thói quen là một phần của "cái ao lớn" hơn.
Nghiên cứu của Wu cho thấy điều đó có nhiều khả năng là do sinh viên gốc Á đang tìm kiếm uy tín và xác định thành công của họ dựa trên tên tuổi của trường học hơn là thành tích học tập của họ so với những người khác như thế nào.
Wu lập luận rằng trở thành "một con cá nhỏ trong một cái ao lớn" cũng có những điểm đáng khen, đặc biệt là khi nói đến học thuật.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng 10 trường đại học hàng đầu nước Mỹ tạo ra số lượng giáo sư theo nhiệm kỳ cao gần gấp ba lần so với các trường trong Top 20.
Wu, người lớn lên ở Thượng Hải, Trung Quốc và chuyển đến Mỹ sinh sống khi cô 16 tuổi, lưu ý rằng cô đã gặt hái được nhiều lợi ích của "một cái ao lớn" khi các đồng nghiệp và giáo sư của cô tại Đại học Michigan đóng vai trò là nguồn động lực to lớn cho cô.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng "ao lớn" có thể là lựa chọn thuận lợi hơn cho "cá nhỏ". Những sinh viên từ các gia đình bình thường có thể gia tăng nguồn lực và mối quan hệ khi được học trong các ngôi trường chọn lọc.
Trong thập kỷ qua, số lượng sinh viên quốc tế tới Mỹ du học đã tăng 85%, với phần lớn đến từ châu Á. Tuy nhiên, ở trong một cái "ao lớn" cũng có thể là con dao hai lưỡi.
Khi tranh giành vị trí vào trường top đầu hay còn gọi là "những cái ao lớn", nhiều người trở nên căng thẳng trước áp lực phải thành công đến mức bị bệnh tâm lý hoặc bị bắt quả tang gian lận.
Trong khi đó, tỷ lệ giám đốc điều hành cấp cao của Fortune 100 (bảng xếp hạng danh sách 100 công ty lớn nhất nước Mỹ) có bằng của 8 trường đại học nghiên cứu tư nhân danh giá nhất ở Đông Bắc Mỹ đã giảm đáng kể từ năm 1980, trong khi đó, tỷ lệ có bằng đại học công lập lại tăng lên.
Một cuộc thăm dò của Gallup, một công ty tư vấn và phân tích của Mỹ, thực hiện với gần 30.000 sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy rằng, việc theo học tại một trường đại học danh tiếng không ảnh hưởng đến hạnh phúc của một cá nhân trong cuộc sống và công việc.
Kaidi Wu, nghiên cứu sinh tiến sĩ, cho biết: "Cuối cùng thì có đáng để hy sinh quá nhiều, chọn "ao lớn" trong bối cảnh văn hóa nơi những "con cá lớn trong ao nhỏ" cũng có thể thành công hay không?".