Sinh viên gian lận trong học tập sẽ bị buộc thôi học

(Dân trí) - Trước tình trạng gian lận trong thi cử bằng các hình thức sử dụng tài liệu, quay cóp, mua điểm, xin điểm, sao chép luận văn, thi hộ thi kèm... ngày càng gia tăng, nhiều trường ĐH đã phải sử dụng đến hình thức buộc thôi học đối với những sinh viên viên gian lận tái phạm nhiều lần.

Thông điệp mà lãnh đạo của hơn 100 trường ĐH gửi đến sinh viên của họ vào những ngày đầu năm mới 2007 là: “Hãy dè chừng trước khi có ý định gian lận!”

 

Theo TS Nguyễn Văn Yến, Trưởng ban Thanh tra ĐH Đà Nẵng thì tại một trường ĐH có trên 6 vạn sinh viên như ĐH Đà Nẵng lại đào tạo nhiều hệ, nhiều cấp đào tạo, nhiều địa điểm đào tạo trên một diện rộng nên việc quản lý các hoạt động thi cử, làm luận văn, luận án tại ĐH Đà Nẵng là rất phức tạp. 

 

Tuy nhiên, các trường hợp gian lận chủ yếu tại ĐH Đà Nẵng chỉ là hình thức thí sinh hỏi bài người ngồi bên cạnh, đặc biệt có cả trường hợp giám thị trao đổi với thí sinh.

 

Cũng theo TS Yến thì ĐH Đà Nẵng đã áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất đối với những cá nhân đã gian lận trong thi cử, làm luận văn luận án. Những giáo viên, cán bộ quản lý gian lận đã bị buộc thôi việc. Đối với sinh viên có hành vi gian lận trong thi cử, làm luận văn, luận án sẽ bị loại khỏi đội ngũ sinh viên để làm gương cho những sinh viên khác thấy để không dám sai phạm.

 

Đối với trường ĐH Quy Nhơn thì tất cả sinh viên vi phạm quy chế thi ngoài việc xử lý kết quả điểm 0 cho từng học phần của môn học thì sinh viên đó còn phải xếp loại kết quả rèn luyện loại yếu. Nếu mức độ vi phạm từ 2 lần trở lên, nhà trường xử lý đình chỉ học tập một năm hoặc buộc thôi học và trả về địa phương. 

 

TS Phan Văn Cảnh, Trưởng phòng Thanh tra ĐH Quy Nhơn cho biết: “Xét về các khoá học thì số lượng sinh viên vi phạm nhiều nhất là sinh viên khóa mới vào trường nhập học (sinh viên năm thứ nhất)” chiếm trên 40%. Sinh viên nhóm ngành Kỹ thuật và Công nghệ vi phạm nhiều nhất với 9,4% trong tổng số sinhviên vi phạm của khóa, tiếp đó là sinh viên khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh với 9,1%”.

 

Về nguyên nhân của gian lận thi cử, qua kết quả điều tra tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa ra một kết luận khá đau lòng là, 15% sinh viên phải gian lận trong thi cử do không có thời gian học vì phải đi làm thêm. Dù vậy, trong vòng hai năm qua, nhà trường vẫn phải xử lý nghiêm 57 trường hợp sinh viên vi phạm kỷ luật bằng hình thức lưu ban và buộc thôi học.

 

Đối với sinh viên thi lại lần hai, những hình thức thắt chặt quy chế còn quyết liệt hơn gấp bội phần. Chính vì thế, kết quả thi học phần và điểm số của sinh viên ĐH Bách khoa thường khá thấp.

 

Kết luận về các giải pháp chống gian lận trong các trường ĐH, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã đưa ra 14 nhóm giải pháp gồm giáo dục ý thức học tập đúng đắn cho người học, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dạy và cán bộ quản lý giáo dục, tuyên truyền trong xã hội, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đào tạo, siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, hoàn thiện việc phân công, phân cấp quản lý giáo dục...

 

Đặc biệt, Thanh tra Bộ cũng lưu ý cho các trường được toàn quyền trong việc đề ra các “khung hình phạt” cho xử lý gian lận. Trên tinh thần của cuộc vận động “Hai không...” và chủ đề của năm học 2007-2008 là đổi mới chất lượng dạy và học trong bậc đại học thi việc siết chặt các hành vi gian lận trong môi trường ĐH đang được các trường đặt ra cấp bách và chú trong giải quyết hơn bao giờ hết.  

 

P.V