Sinh viên các trường đại học hàng đầu ráo riết chuẩn bị cho cuộc đua khốc liệt trên đường đua số

(Dân trí) - Bất chấp thời tiết nắng hay mưa, khoảng cách xa hay gần, thời gian ngày hay đêm, sinh viên của các trường đại học hàng đầu Việt Nam đang ráo ráo riết tập luyện để chuẩn bị cho trận đấu cuối cùng của cuộc đua xe tự hành quốc tế - Cuộc đua số 2018 - 2019 diễn ra ngày 25/5 tới tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Tây Hồ (Hà Nội).

Bước vào Chung kết Cuộc đua số 2018 - 2019 (cuộc thi do Tập đoàn FPT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức), các đội thi sẽ phải sáng tạo và ứng dụng các công nghệ xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI) để lập trình cho xe tự định vị tìm đường đi ngắn nhất, di chuyển trên cung đường bất kỳ và vượt qua các chướng ngại vật với tốc độ cao nhất trong điều kiện ánh sáng thay đổi. Với những thách thức đó, mỗi sinh viên không chỉ có năng lực lập trình tốt mà còn phải nỗ lực gấp nhiều lần mới có thể thực hiện được yêu cầu này.

Nỗ lực vượt khó

Một tuần trước đêm thi Chung kết Cuộc đua số mùa 3, Dương Minh Công cùng các bạn trong đội DatehIT của Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM đã có ngày thứ 3 sang “ở nhờ” trường đại học Lạc Hồng. Bởi lẽ, trường của cậu chưa có được một sân tập tốt giống như sa hình mà Ban tổ chức cung cấp. Trong khi đó, trường Đại học Lạc Hồng với lợi thế tài chính của một trường tư thục đã không ngần ngại chi ra một khoản tiền lớn để lắp đặt sa hình giống như của Ban tổ chức để cho đội tuyển con cưng của mình tập luyện. Muốn tập trung tập luyện được tốt nhất, Công cùng các bạn buộc phải sang trường Lạc Hồng nhưng khoảng cách địa lý giữa hai trường cách nhau đến 30km nên ban đầu Công và các bạn gặp nhiều bất tiện. Tuy nhiên ngay sau đó, đội của Công đã được Đại học Lạc Hồng nhiệt tình hỗ trợ tạo điều kiện để có thể ở lại luôn để tập luyện. Cứ như thế, hàng ngày hai đội là đối thủ của nhau ở trận chung kết nhưng lại say mê cùng nhau tập luyện,chia sẻ những bài học, những thuật toán để xe chạy tốt nhất.

Sinh viên các trường đại học hàng đầu ráo riết chuẩn bị cho cuộc đua khốc liệt trên đường đua số - 1
Không khí đang ngày một nóng lên tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông

Giữa tháng 5, Hà Nội hứng chịu đợt nắng nóng cường độ cao. Nhiều ngày liền nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng 40 độ C. Tại sảnh tầng 5 của giảng đường trường Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, 8 chàng trai của hai đội Fast and Fiery và PTIT WORD.EXE hì hục chạy theo chiếc xe đua đang thực hiện các bài chạy thử. Với không gian chỉ vỏn vẹn 40m2, sa hình phải làm tối giản nhất có thể. Chỉ cần lơ là, chiếc xe đua có thể đâm ngay vào tường hoặc rơi xuống từ đường đua có độ cao 1m. Không khí hầm hập, mồ hôi ướt đẫm áo nhưng những cặp mắt vẫn chỉ tập trung vào những “bảo bối”- xe tự hành của đội mình.

Trong khi các đối thủ của mình đang ngày đêm luyện tập trên các sa hình thì nhà đương kim vô địch UET Fastest (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội) lại chọn cách chạy thử trên phần mềm giả lập. Không có điều kiện lắp đặt sa hình theo chuẩn của cuộc thi, đây là lựa chọn khả thi nhất mà đội có thể thực hiện. “Môi trường giả lập và ngoài thực tế có nhiều sự khách biệt là khó khăn lớn đối với đội em khi thử nghiệm những thuật toán mới. Tuy nhiên đây cũng là động lực để thúc đẩy bọn em phải đưa giải nhiều giải pháp hơn các đội bạn, và từ đó có thể ứng biến với nhiều tình huống khác nhau”, Nguyễn Văn Tùng tự tin nói.

Sẵn sàng thi đấu hết mình để làm nên một chung kết kịch tích, hấp dẫn

Tại thành phố biển Nha Trang, nơi hai đại diện khác của khu vực miền Nam là SQ26 (trường ĐH Thông tin liên lạc) và CDSNTU2 (Đại học Nha Trang) đang thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng cho trận đấu lớn tại Hà Nội. Là hai tân binh của cuộc thi, nhưng những sinh viên của mảnh đất miền Trung cho thấy mình không phải là những “tay mơ” về năng lực lập trình xe tự hành. Tự nhận thấy mình có nhiều bất lợi hơn so với những đối thủ nhiều kinh nghiệm đã kinh qua 2 mùa giải, SQ26 và CDSNTU2 bù đắp bằng sự quyết tâm cao và tinh thần không khuất phục.

Sinh viên các trường đại học hàng đầu ráo riết chuẩn bị cho cuộc đua khốc liệt trên đường đua số - 2
Nỗ lực và quyết tâm đã đưa hai đại diện của dải đất miền Trung vào thẳng trận chiến cuối cùng của Cuộc đua số

Chỉ 6 tháng trước, họ là những sinh viên không một chút kiến thức về lập trình, chưa hề xử dụng qua các thuật toán AI như Deep learning hay xử lý ảnh nhưng đã đánh liều lập team đăng ký dự thi Cuộc đua số. Tự mày mò học hỏi, họ lần lượt vượt qua vòng loại trường, rồi trở thành 2 trong 4 đội mạnh nhất khi vực phía Nam. “Chúng em đã vượt qua một hành trình không tưởng để giành vé ra Hà Nội. Và chúng em sẽ quyết tâm để tiếp tục làm điều không tưởng khác là vô địch cuộc thi này”, Võ Đình Quốc, thành viên đội SQ26, chia sẻ.

Đề thi Chung kết có quá nhiều bài toán cần giải quyết nên các đội thi đang phải để ra hàng loạt các phương án để thử nghiệm và tốc lực chạy thử xe. Chiếc xe của đội LHU The Walkers của ĐH Lạc Hồng hoạt động hết công xuất. Bộ điều khiển của xe quá tải đã hỏng đôi lần nhưng các thành viên của đội vẫn kiên trì sửa chữa để tiếp tục luyện tập. “Tụi em sẽ luyện tập liên tục cho đến khi ra Hà Nội để đạt được phong độ cao nhất cho vòng Chung kết”, Lại Xuân Thời, thành viên LHU The Walkers, bày tỏ.

Còn các thành viên PTIT WORD.EXE của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đang phảy chạy đua với thời gian để giải quyết các vấn đề mấu chốt khi đội mới đang chỉ hoàn thiện được khoảng 70%.

Sinh viên các trường đại học hàng đầu ráo riết chuẩn bị cho cuộc đua khốc liệt trên đường đua số - 3
Trong cuộc chiến khốc liệt và bất ngờ này, chiến thuật là tối quan trọng để làm nên chiến thắng

Với những sự nỗ lực và quyết tâm đó của các đội đua, trận chung kết cuộc đua xe tự hành quốc tế - Cuộc đua số hứa hẹn sẽ kịch tính, gay cấn, hấp dẫn cho khán giả. Đêm chung kết của cuộc đua này sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV2, đồng thời livestream trên Fanpage: https://www.facebook.com/cuocduaso/ và báo điện tử Vnexpress tối 25/5. Đây không chỉ là sân chơi công nghệ dành cho sinh viên Việt Nam thoả chí chứng tỏ bản lĩnh của mình mà còn là dịp để trí tuệ Việt tranh tài cùng trí tuệ trẻ thế giới trong lĩnh vực công nghệ tự hành – một trong những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay. Nhà vô địch của Cuộc đua số 2018-2019 sẽ nhận được tổng giá trị giải thưởng là 1,2 tỷ đồng (trong đó có 01 chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ tiên tiến hàng đầu tại Mỹ hoặc Nhật Bản trong thời gian 01 tuần, 15 triệu đồng tiền mặt và 01 suất học bổng Tiến sỹ về Ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc nhất).