Sinh viên “bị ép” chọn ngành học vì điểm số, vì gia đình

(Dân trí) - Không ít sinh viên hiện nay cho rằng, ngành đang học là theo nguyện vọng gia đình vì đã nhờ người xin việc; là bắt buộc phải chọn ngành học theo điểm thi đại học chứ không phải nghề yêu thích.

 

Sinh viên “bị ép” chọn ngành học vì điểm số, vì gia đình - 1

Hàng ngàn thí sinh đến nộp hồ sơ thi công chức Cục Thuế Hà Nội (Tổng Cục Thuế) năm 2014

Chọn nghề vì bố mẹ

Với nhiều sinh viên, được học ngành theo sở thích, nguyện vọng là một động lực to lớn để phấn đấu, rèn nghề trong suốt những năm học đại học. Nhưng bên cạnh đó, không ít sinh viên lại khá mơ hồ, chạy theo đám đông và theo điểm số vì cảm thấy với mức điểm của mình có thể nhiều cơ hội đỗ vào trường này, trường kia. Nhưng cũng không ít sinh viên được hỏi và trả lời “Chọn ngành vì sau này ra trường có người nhà lo việc” đang trở nên phổ biến.

Tại trường Đại học Thủy lợi, sinh viên năm nhất Vũ Văn Đức, khoa Công nghệ kỹ thuật - vật liệu xây dựng cho hay: “Thật sự thì em không thích học ngành này. Ước mơ sau này của em là trở thành nhà báo. Nhưng vì sau này ra trường có người lo việc cho em nên phải học ngành mà em không thích”.

Bạn Phạm Thị Thủy Tiên sinh viên năm nhất, Đại học Giao thông vận tải cũng cho biết: “Em học ngành này là do bố mẹ sắp xếp trước. Chỉ cần học xong, lấy bằng, công việc đã có bố mẹ lo. Hiện tại em không hề có đam mê, yêu thích ngành kỹ thuật”.

Không chỉ các bạn học sinh, sinh viên thụ động trong việc chọn ngành, chọn nghề của mình mà với nhiều bậc phụ huynh cũng “tự động sắp xếp”, “vẽ sẵn cuộc đời” của con cái sau này.

Bác Lê Phúc Anh (58 tuổi), là giáo viên tại trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ: “Con nhà bác sắp tới thi đại học. Bác đã định hướng sẵn cho em thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội rồi. Học sư phạm bác mới lo được công việc sau này. Vợ chồng bác cùng là giáo viên, vẫn thuận tiện xin việc hơn. Công việc lại ổn định, không kể nắng mưa”.

Ngược lại với các bạn trên, nhiều sinh viên hiện nay, đằng sau niềm đam mê, khát vọng đó là một nỗi lo lớn về công việc tương lai.

Bạn Vương Thị Linh, sinh viên năm 2 khoa Kế toán, trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Từ nhỏ mình đã thích học Toán, lớn lên mình chọn nghề kế toán luôn. Học thì rất thích nhưng sau này ra trường tìm việc làm mình rất lo vì phải cạnh tranh với nhiều bạn khác”.

Đồng quan điềm với Linh, bạn Nguyễn Thùy Dung, khoa Triết, Học viện Báo chí và tuyên truyền có cái nhìn lạc quan hơn về công việc sau này: “Học Triết là mình tự lựa chọn. Gia đình mình cũng chẳng có ai làm nghề liên quan đến ngành này cả. Sau này ra mình cũng không lo lắng lắm về công việc, vì có việc hay không là ở bản thân mình”.

Miễn cưỡng chọn ngành vì điểm số

Đổi mới trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2015 ảnh hưởng rất nhiều đến việc chọn trường, chọn nghề của nhiều phụ huynh, học sinh. Tâm lý chạy đua vào các ngành, trường căn cứ điểm số đã hoàn toàn lấn át tâm lý chọn trường, ngành theo sở trường của các học sinh.

Trong số những sinh viên được hỏi, rất đông các bạn đều trả lời rằng: “Trong những ngày cuối cùng đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học, cao đẳng em và gia đình đã phải lên trường rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng vì sợ điểm của mình không đủ để vào trường”.

Bạn Trần Ngọc Phúc, khóa 56, Đại học Giao thông vận tải tâm sự: “Vừa rồi mình chọn thi khối B, mình nộp nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội. Nhưng những ngày cuối cùng, sợ điểm không đủ để vào trường Y, nên mình rút hồ sơ, nộp vào khoa Công trình. Đây chưa phải là nghề mình yêu thích và đam mê. Sau hơn 2 tháng học tập ở trường, thực sự mình cũng chưa hiểu rõ về nghề mình theo học”.

Không may mắn như Phúc, Nguyễn Thị Thúy Nga, cựu học sinh THPT B Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) đã có những ngày “kinh hoàng” trong việc chạy rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng học.

Thúy Nga kể: “Trong kỳ thi Quốc gia vừa rồi em được 20,25 điểm. Với số điểm này em nộp hồ sơ vào trường Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội theo nguyện vọng của gia đình. Nhưng đến những ngày gần cuối thấy tình hình không khả quan, em và anh trai đã chạy lên trường xin rút hồ sơ nộp vào trường Đại học Hà Nội. Sáng hôm trước nộp xong, hôm sau lại từ quê lên rút nộp vào nộp vào Đại học Thương mại. Cuối cùng lại chẳng đỗ trường nào. Giờ em đang ôn lại để năm sau thi vào Đại học Hà Nội”.

Còn Bùi Thị Vân học Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Kỳ thi năm nay nhiều bạn điểm cao nên để đạt được đúng nguyện vọng là rất khó. Em thấy trường này có khả năng cao trúng tuyển, em nộp hồ sơ và đỗ. Kiếm một chỗ để học trước đã rồi sau này muốn thay đổi thì tính tiếp”.

Trái ngược với các bạn trên, từ cấp 2, Trương Ninh đã có ước mơ trở thành nhà báo, thích hình ảnh nhà báo vai đeo túi, tay cầm máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số. Cô quyết tâm học, theo đuổi đam mê và thi đỗ vào Học viện Báo chí. Nhưng khi học đến năm 3, sau những lần đi thực tế viết bài, cô mới nhận ra “Mình là mẫu người phụ nữ của gia đình” chứ không phải là cô phóng viên suốt ngày chạy xe, đeo túi, balo ngoài đường... Giờ đây, khi đã hoàn thành xong khóa học 4 năm tại trường, Ninh đã tìm được cho mình một công việc nhẹ nhàng và ổn định hơn.

Chắc chắn, tình trạng sinh viên không định hướng nghề nghiệp, tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường sẽ còn gia tăng với cách chọn trường, chọn nghề đại khái, theo phong trào của nhiều thí sinh. Một kỳ thi tuyển sinh đại học lại sắp bắt đầu. Hàng trăm cơ hội ngành nghề hấp dẫn để sỹ tử có thể lựa chọn đăng ký.

Lựa chọn ngành học phù hợp tránh theo phong trào, mốt và ý thức hướng nghiệp ngay của gia đình và nhà trường ngay từ năm đầu đại học sẽ tạo cho sinh viên hướng đi đúng đắn trong tương lai.

Hạ Vũ