199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Do quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực
(Dân trí) - Thông tin người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ thất nghiệp tiếp tục tăng lên đến 199.400 người trong quý 2/2015 lại khiến nhiều người sửng sốt, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Càng học cao, càng thất nghiệp
Thông tin mà Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2015 ngày 30/10 lại tiếp tục gây sửng sốt với nhiều người bởi tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm nhưng số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng cao là hơn 199.400 người (tăng 22.000 người so với quý đầu).
Theo số liệu thống kê lao động đã qua đào tạo cho thấy ngoại trừ nhóm trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý 1/2015 (từ 7,13% xuống còn 6,56%), thì tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng. Cụ thể: Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,92% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tỷ lệ lao động trình độ đại học thấp nghiệp tăng là do quy mô tuyển sinh đại học quá cao so với nhu cầu lao động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lao động có chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là trình độ đại học gia tăng.
3 nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân vì sao tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng có 3 lý do:
Thứ nhất, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường;
Thứ hai, Chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu, thực tế nhiều doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tuyển được.
Thứ ba, quy hoạch nhân lực đào tạo không phải chỉ là số lượng mà còn phải đảm bảo hợp lý về cơ cấu vùng miền, ngành nghề, trình độ, chất lượng. Có thể thấy, lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong khi nhiều vùng sâu vùng xa thiếu người có trình độ lại không tuyển được.
“Nếu ta đào tạo theo đúng quy hoạch thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng đào tạo thừa nguồn nhân lực, dẫn tới tình trạng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp nhiều đến vậy” – GS Thi nhấn mạnh.
Theo GS Đào Trọng Thi, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước trong định hướng phát triển giáo dục nói chung, các trường đại học, cao đẳng nói riêng là quy hoạch nguồn nhân lực cho đúng, quản lý các trường thực hiện đúng theo quy hoạch. Trong đó, Nhà nước phải quy hoạch nguồn nhân lực dựa trên cơ sở dự báo đúng thị trường lao động. Dự báo này phải có tính dài hạn, ít nhất 5-10 năm. Quản lý hoạt động của các trường theo đúng quy hoạch cũng quan trọng không kém, nghĩa là phải quản lý làm sao để các trường không thể cứ thấy ngành nghề nào đang “hot” là lao vào mở ngành, mở lớp dẫn đến đào tạo thừa, trong khi những ngành nghề khác lại thiếu.
Bộ GD-ĐT ngừng đào tạo nhiều ngành học
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2014-2015 quy mô đào tạo đã giữ tương đối ổn định, cả nước có 219 trường đại học, 217 trường cao đẳng (không tính các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng, quốc tế), trong đó có 60 trường đại học và 28 trường cao đẳng ngoài công lập;
Quy mô sinh viên (SV) đại học 1.824.328, SV cao đẳng là 539.614, trong đó, SV chính quy đại học là 1.348.937, SV chính quy cao đẳng là 519.722; SV VLVH đại học là 339.301, SV VLVH cao đẳng là 19.892; quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ là 92.349 học viên cao học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, Bộ đang dự thảo thông tư thay thế Thông tư 57 về xác định chỉ tiêu theo hướng giữ ổn định qui mô đào tạo đại học, tập trung nâng cao chất lượng và cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Cụ thể, kiên quyết không cấp phép mở các ngành không đủ điều kiện theo quy định, đồng thời tạm dừng mở một số ngành đã có nguy cơ dư thừa và thực hiện cảnh báo xã hội để giảm quy mô đào tạo các ngành này như Nhóm ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng trình độ đại học ở khu vực Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo mở một số ngành mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực trong xã hội như ngành Hộ sinh (trình độ cao đẳng); Năng lượng nguyên tử; Thương mại điện tử; An ninh mạng, quản lý thủy sản;…
Theo thứ trưởng Ga, năm qua bộ đã thực hiện cắt giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học và chỉ tiêu hệ liên thông; dừng đào tạo theo hình thức từ xa đối với các ngành đào tạo giáo viên và hình thức vừa học vừa làm đối với một số ngành thuộc khối ngành Khoa học sức khỏe trình độ đại học. Đặc biệt là giảm dần tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học, tiến tới dừng đào tạo vào năm 2017 đối với trình độ trung cấp.
Hồng Hạnh