Chơi nhiều, học ít - cử nhân thất nghiệp

Hiện tượng sinh viên ngồi trong giảng đường chỉ ngủ gật, chơi game, lướt mạng không còn là điều lạ lẫm. Thay vì lắng nghe, ghi bài, sinh viên thời nay chỉ việc giương điện thoại lên chụp lại các slide giáo án. Học đại học bây giờ xem ra còn đơn giản hơn học phổ thông.

“Đốt” thời gian vào những việc vô bổ.
“Đốt” thời gian vào những việc vô bổ.

Vào được đại học là “xả hơi”

Một giảng viên lần đầu đứng trên bục giảng của giảng đường đại học kể lại, chị thực sự bất ngờ khi ngày nay công nghệ thông tin đã thay thế toàn bộ cách học theo hình thức ghi chép truyền thống. Phía trên thầy cứ thao thao nói, trong khi các sinh viên rất trật tự, chăm chú nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại cá nhân. Đối mặt với sự chăm chú đó, giảng viên này cảm thấy lạc lõng khi một mình độc thoại với bài giảng của mình. “Chỉ khi tôi bắt đầu trình chiếu lên bảng, các bạn sinh viên mới ngẩng đầu lên và sử dụng các loại điện thoại chụp lại nội dung trên màn hình máy chiếu.

Vậy là mọi kiến thức tôi chắt lọc được các bạn ấy gói gọn trong mấy file ảnh. Sau này các bạn sinh viên tâm sự, chụp ảnh thuận tiện hơn nhiều so với chép vào vở. Vừa dễ chia sẻ với nhau trên mạng, vừa dễ quản lý bài, lại thuận tiện mở ra đọc chép khi làm bài thi…” - giảng viên này cho biết.

Sức hút từ mạng xã hội, từ game online, rồi các mối quan hệ cá nhân khiến sinh viên ngày nay bị chi phối không ít trong quá trình học tập. Đấy là chưa kể nhu cầu làm thêm cũng “ngốn” khá nhiều thời gian khi sinh viên muốn sớm “va chạm” để lấy kinh nghiệm thực tế và đỡ đần chi tiêu cá nhân.

Kết quả là việc học tập chỉ chiếm một phần rất ít trong quỹ thời gian của một bộ phận lớn sinh viên hiện nay. “Không học tập trung, không ở ký túc xá, mỗi người một công việc, ít mối liên hệ ràng buộc giữa thầy và trò, giữa bạn bè với nhau, đó là thực tế đang diễn ra trong các trường đại học. Thông tin chỉ chủ yếu qua mạng, điện thoại nên dĩ nhiên việc học tập chỉ phụ thuộc vào ý thức mỗi cá nhân và thường chiếm vai trò thứ yếu trong cuộc sống khá phong phú, tự do của nhiều sinh viên xa gia đình” - Nguyễn Ngọc Minh, sinh viên khoa Báo chí, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội chia sẻ.

Thoát khỏi sự bao bọc, kiểm soát của gia đình, nhiều sinh viên cảm thấy học đại học nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với học ở phổ thông. Thay vì phải liên tục kiểm tra, thi thử, thi thật, học thêm ở năm cuối THPT thì nay mục đích vào đại học đã đạt được khiến các sinh viên tự cho mình “xả hơi”. “Các em chỉ biết là mình đã vào được đại học, còn vào đây học gì, làm gì thì còn là câu chuyện dài của 4 năm sau này nên không việc gì phải vội vã, vất vả học hành. Sự thụ động, học cho xong, cốt chỉ lấy điểm tránh trượt là thực trạng của không ít sinh viên hiện nay, tuy nhiên lỗi không phải chỉ ở bản thân các em” - TS Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.

Thụ động ở cả nhà trường lẫn sinh viên

“Không thể yêu cầu các em sau khi học phổ thông vào đại học lại tích cực, chủ động học tập ngay được. Trong môi trường đại học, những bạn nào đã tích cực từ phổ thông thì vào đại học vẫn tiếp tục phát huy. Vấn đề là bản thân nhà trường cũng chưa có những tác động phù hợp để sinh viên vượt qua được những chướng ngại từ bản thân lẫn môi trường xung quanh” - TS Chu Cẩm Thơ nhận xét.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao sinh viên chơi nhiều như thế vẫn có thể nhận được bằng cử nhân thậm chí còn xếp loại khá, loại giỏi? Vấn đề ở đây được các giảng viên phân tích về độ vênh giữa tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra của sinh viên với việc đo lường, định lượng kết quả học tập của sinh viên trong thực tế. “Tình trạng đã đến lúc báo động về chất lượng học tập, đào tạo ở bậc đại học nếu cứ theo cách giám sát, đánh giá hiện nay”-  một giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định.

Một doanh nghiệp đã từng đưa ra nhận xét rất đau lòng rằng: “Cử nhân đại học xin vào công ty tôi để làm công nhân khá nhiều, nhưng chúng tôi không nhận. Vì thực tế các bạn này làm lao động chân tay không bằng lao động phổ thông”. Việc lựa chọn không đúng nghề nghiệp, học tập không đến nơi đến chốn khiến nhiều cử nhân thất nghiệp vì không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo mà còn vì không thể nhận được cả những công việc đơn giản.

Theo Duy Anh

An Ninh Thủ Đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm