"Sinh viên bán dâm dù chỉ một lần đã không đủ tư cách đứng lớp"
(Dân trí) - TS Vũ Thị Thu Hương, chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Có tình trạng sinh viên bán mại dâm hiện nay, trước hết là do suy đồi đạo đức bởi quá lâu rồi, trong nhà trường và gia đình rất xem thường mảng giáo dục đạo đức.
Nhiều sinh viên sống buông thả
Dự thảo Thông tư ban hành quy chế HS-SV trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm đang gây xôn xao dư luận, khi nói đến việc "Sinh viên sư phạm bị đuổi học nếu hoạt động mại dâm lần thứ 4".
Ngay sau khi đăng tải và nhận được sự phản hồi của báo chí, Bộ GD&ĐT đã tạm rút thông tư trên cổng thông tin điện tử.
Mặc dù vậy, một số giáo viên, chuyên gia đánh giá, hiện một bộ phận sinh viên đang sống quá dễ dãi, buông thả, chạy theo cám dỗ vật chất nên xa rời nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, do chạy theo sự cám dỗ vật chất, một bộ phận sinh viên, nhất là sinh viên nữ hiện nay có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, trong đó có hoạt động mại dâm.
Cũng theo giáo viên này, hiện một bộ phận sinh viên thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, muốn thể hiện vai trò cá nhân và đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần.
Một số sinh viên có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đạo đức đến bản thân, gia đình, xã hội; xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc, có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, lười học tập, lười lao động.
Nếu các mặt xấu này không được ngăn chặn kịp thời thì ảnh hưởng tiêu cực của nó rất ghê gớm. Nó làm băng hoại đạo đức giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, kéo đất nước đi chậm lại.
Đánh giá về điều này, TS Vũ Thị Thu Hương, chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay có tình trạng sinh viên học sinh đua đòi, thích đặt vấn đề tiền bạc lên hàng đầu nhưng lười lao động.
“Chúng tôi vẫn thường hay nói với các em, ngày xưa chúng tôi yêu nhau, chỉ tặng nhau những món quà rất bé nhưng hiện nay, giới trẻ chỉ quan tâm đến vật chất: yêu đương đòi quà, trả quà, chưng diện… Đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ bước chân vào con đường sa ngã”, TS Hương nói.
Vi phạm một lần đã không đủ tư cách đứng lớp
Theo ông Trần Mạnh Tùng, nếu gõ từ khóa “sinh viên bán dâm”, trong 0,48 giây google cho 19.900.000 kết quả. Tiếp tục gõ từ khóa “sinh viên đánh nhau”, trong 0,44 giây google cho 87.000.000 kết quả.
“Do các hoạt động này rất phức tạp và tinh vi nên các cơ quan chức năng chưa có một thống kê nào chi tiết và đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều vụ việc hoạt động mại dâm bị cơ quan công an phát hiện, có sự tham gia của sinh viên đã dấy lên nhiều lo ngại về giá trị đạo đức trong giới trẻ”, ông Tùng cho hay.
Chính vì thế, ông Tùng cho rằng, hoạt động mại dâm bị cấm ở Việt Nam nên ngay khi vi phạm lần đầu, đã bị xử lí. Theo ông Tùng, Bộ GD&ĐT cần sớm sửa đổi và ban hành thông tư mới thay thế.
Còn theo TS Hương, có tình trạng sinh viên bán mại dâm hiện nay, trước hết là do suy đồi đạo đức bởi quá lâu rồi, trong nhà trường và gia đình rất xem thường mảng giáo dục đạo đức.
Những điều liên quan đến giá trị đạo đức trong cuộc sống thường bị bố mẹ bỏ qua. Vì thế không ít học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, vi phạm nội quy nhà trường.
Thứ hai, nhiều người lớn còn chưa làm gương cho trẻ con để các em noi theo. Điều nhỏ nhất và dễ thấy, đó là phạm luật giao thông. Bản thân người lớn chưa tuân thủ nghiêm túc, đó là tấm gương rất xấu cho học sinh nên ra đường, thường chúng ta sợ nhất là trẻ em vị thành niên chạy xe đạp điện “tung tóe”, không cần biết luật lệ.
“Các hành động như mại dâm hay uống rượu, thi hộ, học hộ… đều được xem là vi phạm pháp luật. Như vậy, nếu đã vi phạm một hay nhiều lần cũng là tội và không thể chấp nhận được, không chỉ với sinh viên Sư phạm mà cả với các ngành nghề khác cũng thế.
Đặc biệt, với sinh viên Sư phạm - họ là những người sẽ làm trong ngành giáo dục, một khi đã vi phạm, cho dù vi phạm pháp luật một lần hay nhiều lần, tôi nghĩ người đó đã không đủ tư cách để giáo dục người khác.
Vì thế theo tôi, những sinh viên cho dù vi phạm một lần cũng phải ra khỏi ngành, không cần đến vi phạm lần 2, lần 3, lần 4”, TS Hương nói.
Mỹ Hà