Sinh nhật Đoàn và giờ chào cờ đặc biệt
(Dân trí) - Giờ chào cờ với chủ đề kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn (26/3/1931- 26/3/2014) đầu tuần này với học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) là một giờ chào cờ đặc biệt.
Giờ chào cờ không chỉ có những trang lịch sử hình thành và phát triển của Đoàn; mà còn có những trang sử về một thế hệ thanh niên sẵn sàng quên mình vì Tổ quốc được chính các học sinh trong trường viết lại qua những chuyến thăm gia đình các liệt sĩ ở Đà Nẵng đã hy sinh trong trận chiến ngày 14/3/1988 ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
“Là con trai út trong một gia đình cách mạng, dù được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng anh vẫn quyết cùng bạn bè cùng trang lứa mười tám, đôi mươi lên đường vì với anh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là vinh dự và tự hào. Dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh anh với cây đàn ghi ta hát vang những ca khúc cách mạng vẫn sống mãi trong lòng gia đình và bạn bè. Nhớ về anh, con tim của những ai còn sống vẫn nhói đau khi nghĩ lại ngày 14/3 năm ấy” - Đó là những dòng ghi lại sau chuyến thăm gia đình liệt sĩ Trần Tài - một trong 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến không cân sức bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) năm 1988 - của chi đoàn lớp 11/2, Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Những dòng sẻ chia xúc động cùng với trang sử bi hùng của dân tộc tái hiện qua chính những gì được nghe, được thấy khi đến thăm gia đình các liệt sĩ khiến sân trường lặng im giữa giờ chào cờ.
Và rồi, cả trường nghe các học sinh chi đoàn 11/1 đã đến thăm gia đình liệt sĩ Trương Quốc Hùng chia sẻ: “Anh ra đi khi mái tóc vẫn còn xanh, ra đi mang theo tuổi hai mươi phơi phới tràn đầy nhiệt huyết, ra đi khi chưa có một mối tình vắt vai… Chúng tôi khâm phục anh, khâm phục một thế hệ thanh niên của nước nhà trong trang sử bi hùng của dân tộc. Anh và đồng đội đã sẵn sàng hy sinh, bỏ lại sau lưng tất cả những hạnh phúc riêng tư, bỏ lại ước mơ giảng đường đại học để lên đường xây dựng và bảo vệ biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Chúng tôi thử nghĩ lại, tuổi 17 của cũng tôi hôm nay cũng cùng trang lứa các anh ngày ấy, chúng tôi đã làm được gì cho đất nước? Suy nghĩ ấy cứ thôi thúc chúng tôi cố gắng học tập, để có thể góp một phần công sức mình dựng xây tương lai đất nước”.
Trong 64 liệt sỹ đã hy sinh ở Gạc Ma năm 1988, có 9 liệt sĩ quê hương ở Đà Nẵng. Trong hai đợt Tết nguyên đán và đợt ngày 14/3 vừa quan, 9 chi đoàn khối 11 của Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã đến thăm gia đình 9 liệt sĩ. Trò chuyện với PV, thầy Phan Văn Tánh - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám nói: "Đoàn có vai trò không nhỏ trong giáo dục, rèn luyện đạo đức, lý tưởng sống cho học sinh. Mỗi trường có một cách triển khai các hoạt động Đoàn riêng. Ở trường chúng tôi lồng ghép hoạt động Đoàn thông qua các buổi chào cờ theo chủ đề từng tuần, từng tháng. Như tháng ba là tháng Thanh Niên, chúng tôi cho học sinh sinh hoạt Đoàn theo chủ đề thanh niên với biển đảo".
Được biết, tuần trước, nhà trường đã mời các chiến sĩ hải quân về giao lưu với các em học sinh. Tuần này, nhà trường lại để các em học sinh đã đến thăm các gia đình liệt sỹ kể lại những gì các em được nghe, được thấy. Qua những bài viết, các em chia sẻ những dòng cảm nghĩ rất sâu sắc. Và những câu chuyện lịch sử được nghe kể từ chính những nhân chứng của lịch sử thật sự sinh động và khắc sâu trong tâm trí hơn cả.
Trước đó, vào dịp Tết, các em được Đoàn trường hướng dẫn đến thăm gia đình của các liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma. Hôm 14/3 vừa rồi, tròn 26 năm kể từ ngày lịch sử ấy, các em lại tự động tìm về thăm các cụ là cha, mẹ của các liệt sỹ với tấm lòng “về nguồn” chân thành khi các em thấm thía nỗi đau của những người tóc bạc đã từng tiễn người đầu xanh. Được nghe những câu chuyện "về nguồn" dưới cờ trong ngày đầu tuần, em Hoàng thị Thúy Hằng (lớp 10, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) chia sẻ: "Chúng em cũng hiểu về một thế hệ trẻ của dân tộc, những người mười tám đôi mươi tuổi cũng đã sống sôi nổi, cũng có bao ước mơ, nhưng đã gạt hết những tình riêng, lên đường và đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Từ đó, chúng em thêm tự hào về quê hương, đất nước; và cũng biết quý tuổi trẻ của chính mình, sống có lý tưởng, có ý nghĩa hơn".
Khánh Hiền