Sín Chéng đẩy lùi đói nghèo bằng học tập

(Dân trí) - Ông Ly Páo Lềnh - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi quyết tâm đẩy lùi cái đói nghèo, lạc hậu bằng giáo dục. Vì vậy cho dù trong 10 cặp lồng của trẻ đi học 2 buổi/ngày, mà có đến 7 cặp lồng cơm với muối nhưng các em vẫn đi học đều”.

Mục tiêu “Phát triển giáo dục để xóa đói, giảm nghèo”

 

Xã Sín Chéng 100% đồng bào là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 92%, dân tộc Nùng chiếm 7%, dân tộc Thu Lao chiếm 1%. Toàn xã có 604 hộ với 3429 nhân khẩu, đời sống của nhân dân các dân tộc Sín Chéng rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm 38%.

 

Ông Ly Páo Lềnh tâm sự: “Cái đói nghèo còn bám chặt với người dân Sín Chéng chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí thấp, nhiều người dân chưa biết đọc, biết viết, người dân chỉ biết đi làm nương, trồng lúa, trồng ngô để có cái ăn khỏi chết đói. Một năm chỉ cấy trồng một vụ mùa, các tháng còn lại trong năm tổ chức các lễ hội như Lễ hội xuống đồng, Lễ hội say sán, Lễ cúng rừng, Lễ cơm mới. Do đó, các cháu học sinh đến tuổi đi học đều phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ”.

 

Được biết, cả xã Sín Chéng chỉ có một trường học gồm lớp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Do đời sống khó khăn nên người dân không chịu cho con em đi học. Để có học sinh tới lớp, giáo viên ngày nào cũng đến tận nhà vận động từng học sinh đi học. Nhiều hôm, các thầy cô giáo phải ngủ lại nhà dân, hôm sau dậy sớm đưa học sinh về trường để học - ông Lềnh cho biết.

 

Để cải thiện được cuộc sống của nhân dân xã Sín Chéng thì cần phải thay đổi trong nhận thức của từng người dân, Đảng ủy và Chính quyền xã đã đưa ra mục tiêu: “Phát triển giáo dục để xóa đói, giảm nghèo”.

 

Gia đình có con đi học đóng góp 30kg ngô + thóc

 

Ngay sau đó, Đảng ủy, chính quyền đã lấy ý kiến của nhân dân để xây dựng quy ước, hương ước chung tới từng thôn, bản, từng gia đình với quyết tâm: “Tất cả các gia đình đều phải cho con đi học”.

 

 Để giúp học sinh tiểu học có thể thực hiện học 2 buổi/ngày, Hội Khuyến học xã đã huy động mỗi hộ gia đình có 2 con đi học trở lên đóng góp 40kg ngô + thóc, gia đình có 1 con đi học thì đóng góp 30kg ngô + thóc, mỗi hộ gia đình không có con đi học đóng góp 20kg ngô + thóc; mỗi doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã ủng hộ 200.000 đồng/năm. Hương ước đã được thống nhất và mỗi hộ gia đình có 1 bản dán tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Vào ngày cúng rừng tháng 2 hàng năm là ngày họp kiểm điểm lại hương ước, quy ước.

 

Bên cạnh đó, từng cơ sở Đảng, từng cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm vận động học sinh ra lớp. Đồng thời, mỗi thôn bản thành lập một tổ vận động, trưởng thôn là tổ trưởng, ủy viên là những hội viên khuyến học kết hợp với nhà trường làm tốt công tác duy trì số lượng học sinh đến lớp...

 

Ngoài ra, xã còn vận động nhân dân góp công, góp sức, góp đất, vật liệu để làm phòng học, nhà ở cho học sinh dân tộc nội trú dân nuôi, xây dựng khuôn viên trường học, sân chơi, bãi tập... để các trường học đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, tổ chức Hội phụ huynh còn thay phiên nhau nấu ăn cho học sinh, để học sinh các cấp được học 2 buổi/ngày.

 

Trường học ở xã Sín Chéng đều đạt chuẩn quốc gia

 

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ly Páo Lềnh phấn khởi cho biết: “Đến bây giờ thì xã hoàn toàn không phải đi vận động học sinh đi học nữa, mà chúng tôi cùng nhà trường tập trung nâng cao chất lượng. Cán bộ và nhân dân xã Sín Chéng đã xác định xây dựng mô hình nội trú dân nuôi để nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, xã đã cấp cho nhà trường 10ha đất trồng cỏ voi, xây dựng truồng trại chăn nuôi.

 

Hiện nay nhà trường đã có 25 con bò, tận dụng chất thải của bò để xây dựng hệ thống bi-ô-ga làm chất đốt phục vụ cho bếp ăn của học sinh. Số học sinh  về học nội trú ngày càng đông  với 372 cháu”.

 

Được biết, để duy trì lớp nội trú dân nuôi, Hội Khuyến học xã đã ủng hộ mua nồi cơm điện, làm đường nước sạch, đường điện thắp sáng... may đồng phục cho học sinh với số tiền 23 triệu. Còn lương thực thì do nhân dân trong xã đã quyên góp như năm 2006 là 10,8 tấn và 10 triệu đồng. Năm 2007, dự kiến là 11 tấn và 12 triệu đồng.

 

Trong 4 năm qua, nhân dân đã đóng góp 18.500 công để làm nhà ở cho học sinh như 20 phòng học bằng gỗ cho trường Tiểu học, Trung học cơ sở và xây sân trường bằng bê tông, bồn hoa...

 

Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, Hội Khuyến học xã đã tuyên dương gần 600 gia đình hiếu học và khen thưởng cho gần 1.000 học sinh, giáo viên có thành tích tốt trong học tập và giảng dạy.

 

Để có tiền xây dựng 2 trường Tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, xã Sín Chéng đã tranh thủ các nguồn đầu tư từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ trên 300 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Ngoài ra, UBND xã ủng hộ 20 triệu; ông Lý Páo Lềnh - Chủ tịch Hội Khuyến học ủng hộ 1 triệu; ông Vàng Seo Vảng - Bí thư đảng ủy ủng hộ 500.000 đồng, mỗi cán bộ xã ủng hộ 200.000 đồng và nhiều giáo viên đã ủng hộ 1 tháng lương.

 

Với quyết tâm đó năm 2005, xã Sín Chéng đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

 

Với những nỗ lực cố gắng của nhân dân và Đảng bộ, Chính quyền xã Sín Chéng đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Bộ GD-ĐT biểu dương khen ngợi tại Lễ Tuyên dương các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có đóng góp xuất sắc cho ngành GD-ĐT vừa được tổ chức.

 

Hồng Hạnh