Sẽ cải tiến phương thức thi tuyển…
Ban Điều hành đề án Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (Đề án 322) cho biết sau năm năm triển khai giai đoạn 1, đề án đã tuyển chọn và đưa được 2329 lưu học sinh đi đào tạo ở nước ngoài.
Trong đó có 1581 lưu học sinh (LHS) đào tạo sau ĐH và 811 LHS đào tạo trình độ ĐH. LHS được cử đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách chiếm tỉ lệ cao nhất là các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, quản lý kinh tế…
Có tới 57,3% LHS là cán bộ các trường ĐH, 20,2% là cán bộ các viện nghiên cứu. Đến thời điểm này đã có 532 người tốt nghiệp, đa số đã trở về cơ quan cũ công tác.
Theo Ban điều hành đề án, từ năm 2006 trở đi, hàng năm sẽ có khoảng 350-400 LHS hoàn thành chương trình đào tạo trở về nước làm việc, bổ sung vào nguồn nhân lực trình độ cao cho các ngành kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.
Sau khi kết thúc giai đoạn 1, đề án sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 từ 2006 và kết thúc vào năm 2014. Trong đó, đề án sẽ cơ bản kết thúc tuyển sinh từ năm 2010.
Trong giai đoạn 2, mỗi năm đề án dự kiến sẽ cấp 400 học bổng. Trong đó, 50% để đào tạo tiến sĩ, 25% đào tạo thạc sĩ, 15% là học bổng dành cho bậc ĐH và 10% dành cho thực tập sinh khoa học. Dự kiến mỗi năm ngân sách sẽ dành cho đề án 260 tỉ đồng để thực hiện chương trình học bổng trên. Trong đó, riêng năm 2006, đề án đã được phê duyệt khoản kinh phí là 290 tỉ đồng.
Theo Ban Điều hành đề án, trong giai đoạn 2, đề án 322 sẽ cải tiến phương thức thi tuyển nhằm chọn được nguồn đào tạo chất lượng cao hơn, có chính sách hỗ trợ cho các bộ các khu vực khó khăn.
Đề án cũng dự kiến sẽ tăng dần chỉ tiêu đào tạo tại các chương trình đào tạo phối hợp (một nửa thời gian đào tạo trong nước tại các chương trình liên kết với nước ngoài, một nửa thời gian đào tạo ở các cơ sở đối tác nước ngoài) nhằm tiết kiệm ngân sách Nhà nước và tạo điều kiện cho các trường ĐH Việt Nam tiếp cận với công nghệ đào tạo của nước ngoài.
Cũng theo Ban điều hành đề án 322, cho đến nay đề án vẫn gặp khó khăn trong việc đào tạo một số ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên như vật liệu mới, công nghệ Nano, công nghệ cao… vì số ứng viên đăng ký dự tuyển còn hạn chế.
Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ