Sáu lý do dạy thêm, học thêm tràn lan

Do chương trình học nặng nên có đến 80% học sinh đòi hỏi phải được học thêm.

Sáng 21/1, Tổ đại biểu QH gồm Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, ông Huỳnh Thành Đạt và ông Nguyễn Phước Lộc đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về “lạm thu, dạy thêm, học thêm” trên địa bàn quận 5. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, cho biết do 100% học sinh (HS) trong quận đều được học hai buổi/ngày nên học thêm của HS không cao, nếu có thì chủ yếu do chương trình nặng, phụ huynh không có thời gian trông giữ con ở nhà.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, đúc kết lại có sáu nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan là: chương trình học nặng, phụ huynh nặng tâm lý muốn con thành tài, trường bị áp lực thi đua, tỉ lệ HS bán trú chưa cao, lương giáo viên quá thấp, sự phát triển của game online và tệ nạn xã hội.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Vĩnh Xuyên, nguyên giảng viên Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, do chương trình học nặng nên có đến 80% HS đòi hỏi phải được học thêm vì phụ huynh muốn con học giỏi, biết nhiều. Giáo viên thì lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Cả hai bên đều có nhu cầu dẫn đến dạy thêm, học thêm. “Mặc dù đã sửa đi đổi lại nhiều lần nhưng chương trình học của HS tiểu học vẫn quá nặng và dài, nhiều bài học không phù hợp với lứa tuổi các em. Có khi các em hỏi bài, phụ huynh cũng ngớ người vì vấn đề cao siêu quá. Trong khi khả năng tiếp thu của các em cao thấp khác nhau dẫn đến phải học thêm là điều tất yếu” - bà Võ Thị Lệ Thu, nguyên Phó phòng Giáo dục quận 5, bổ sung.

Về vấn đề lạm thu, ông Trần Xuân Nùng, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, cho rằng những khoản thu mang tên “tự nguyện” chính là nguyên nhân tạo nên nạn lạm thu trong nhà trường. Vì đóng hay không, đóng ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tâm lý, gây phiền lòng phụ huynh.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ những người trực tiếp làm công tác giáo dục, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng nếu dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh HS với mục đích giúp các cháu học tốt, thầy cô dạy tốt thì đó là một việc hợp lý. “Dạy thêm, học thêm gây bức xúc trong dư luận hiện nay chỉ là phần ngọn của giáo dục. Cái gốc là chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Muốn thực hiện điều đó thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn bạc, thảo luận thật kỹ” - ông Hải nhấn mạnh.
 
Theo Pháp luật TPHCM