Sau Harvard, đến lượt ĐH Yale bị điều tra liên quan phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á

(Dân trí) - Đại học Yale (Mỹ) đang bị chính quyền liên bang điều tra với cáo buộc phân biệt đối xử với những thí sinh xin nhập học là người gốc Á.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành kiểm tra quá trình tuyển sinh tại Đại học Harvard cũng với cáo buộc tương tự. Phiên tòa về vụ việc này dự kiến sẽ diễn ra tại Boston ngày 15/10 tới.

Wall Street Journal và New York Times đều đưa tin về việc Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cuộc điều tra về quyền dân sự để xác định xem liệu Đại học Yale có phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á trong quá trình tuyển sinh hay không.

Đại học Yale, New Haven, Connecticut, Mỹ.
Đại học Yale, New Haven, Connecticut, Mỹ.

Trong một email gửi tới cộng đồng trong trường, Chủ tịch Peter Salovey khẳng định: “Những gì tôi viết ra đây nhằm khẳng định Yale không phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á hay bất kỳ nhóm chủng tộc hay thiểu số nào trong quá trình tuyển sinh.

Tôi viết nhằm chia sẻ thông tin về quá trình tuyển sinh đại học của chúng tôi và để tái khẳng định cam kết không thay đổi của chúng tôi về sự đa dạng – vốn là một trụ cột của nhà trường”.

Bà Kelly Laco – một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận về cuộc điều tra, chỉ tiết lộ rằng Bộ này “xem xét vô cùng nghiêm túc bất kỳ hành vi vi phạm hiến pháp về quyền cá nhân”.

Theo ông Salovey, trong 15 năm trở lại đây, số lượng sinh viên năm nhất gốc Á tại Đại học Yale đã tăng từ dưới 14% tới 21,7% . Con số 21,7% là số liệu của niên khóa kết thúc vào năm 2022.

Theo số liệu nhà trường, sinh viên gốc Á là nhóm tân sinh viên đông thứ 2 trong trường (gần 1.600 em), chỉ sau nhóm sinh viên da trắng (chiếm 53%). Tuy nhiên, chỉ 6,3% trong tổng số 35.308 đơn xin nhập học được chấp thuận.

Nhóm Asian American Coalition for Education thông báo trên website rằng, họ đã kiến nghị lên Bộ Tư pháp vào năm 2016 về quá trình tuyển sinh tại các Đại học Yale, Brown và Dartmouth.

Đại học Yale và Harvard đều đã lên tiếng bảo vệ tính minh bạch trong quá trình tuyển sinh của mình và khẳng định xem xét những yếu tố khác ngoài điểm thi trong quá trình đánh giá các thí sinh.

“Chúng tôi xem xét rất nhiều yếu tố bao gồm kết quả học tập, sở thích, khả năng lãnh đạo, nền tảng. Chúng tôi thu thập số liệu từ trường học và cộng đồng của thí sinh cũng như đánh giá tầm vóc những đóng góp các em có thể cống hiến cho cộng đồng Yale và thế giới”, ông Salovey cho biết.

Minh Hương

(Theo Bloomberg)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm