Sắp tới nhiều trường đại học không thuộc quản lý của Bộ

(Dân trí) - Phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm TPHCM chiều ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Sắp tới, về vấn đề tự chủ Bộ GD&ĐT sẽ làm mạnh, tiến tới sẽ có nhiều trường đại học không còn trực thuộc sự quản lý của Bộ, ngành nào nữa. Đây là hướng đi, xu thế chung của các đại học trên thế giới”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với cán bộ, giáo viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với cán bộ, giáo viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM

Quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học

Tại buổi làm việc, trao đổi với các giảng viên về mục tiêu đổi mới giáo dục của toàn Ngành trong giai đoạn tới, Bộ trưởng chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm mà toàn Ngành cần quyết liệt thực hiện trong thời gian tới để đổi mới giáo dục.

Nhiệm vụ đầu tiên, chính là tổ chức quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học. Theo Bộ trưởng, đây là việc phải gấp rút thực hiện. Vì suốt một thời gian dài trước đó, số lượng trường đại học được thành lập quá nhiều, sau một thời gian hoạt động đã bộc lộ những hạn chế, chất lượng đào tạo không cao.

Do đó cần phải sớm rà soát quy hoạch lại, Trường nào đủ điều kiện, đáp ứng chất lượng đào tạo thì tiếp tục hoạt động; trường nào yếu kém, èo uột, hoạt động tuyển sinh không hiệu quả, chất lượng yếu thì sáp nhập, trở thành phân hiệu của trường khác hoặc giải thể.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xác định: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tiến trình tiến hành đổi mới giáo dục. Cả nước hiện có trên 1,3 triệu giáo viên, cán bộ quản lý. Trong đó phần nhiều cán bộ quản lý đi lên từ giáo viên (kinh nghiệm), không trải qua các lớp đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng quản lý và quản trị nhà trường nên công tác quản lý bộc lộ nhiều yếu kém.

“Việc nâng cao năng lực đội ngũ GV, cán bộ quản lý là điều bắt buộc phải làm. Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một bộ chuẩn chức năng, vị trí quản lý thông qua đó bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý chuẩn kỹ năng, phù hợp với vị trí quản lý của mình. Có như thế công tác quản lý mới đổi mới và nâng cao hiệu quả” - Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với cán bộ, GV Trường Đại học Sư phạm TPHCM việc xây dựng Luật Nhà giáo trong tương lai. Bởi theo ông, không thể để GV thiệt thòi mãi được.

“Tôi đang chỉ đạo các bộ phận nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất Bộ GD&ĐT sẽ có được Luật Nhà giáo dành riêng cho mình. Từ đó các chế độ đãi ngộ, chính sách, vị thế của Nhà giáo sẽ được cải thiện và nâng lên. Chứ cứ như hiện nay, áp dụng theo Luật Viên chức, nhiều nhà giáo của chúng ta đến khi về hưu thiệt thòi quá” - Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngành Giáo dục cần hướng đến chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đây là nhiệm vụ then chốt trong tiến trình hội nhập.

Bởi chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao, được thừa nhận trên bản đồ thị trường lao động quốc tế, có cơ hội cạnh tranh, trao đổi nguồn nhân lực qua lại giữa các quốc gia trong khối kinh tế ASEAN hay các nước phát triển, chúng ta mới thúc đẩy được cán cân kinh tế phát triển.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy - học, quản lý

Các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng đã xác định cho con đường đổi mới giáo dục của toàn Ngành không ngoài mục tiêu tiến đến con đường hội nhập quốc tế. Tăng cường giảng dạy tiếng Anh ở tất cả các cấp học, bậc học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý.

Việc tăng cường năng lực tiếng Anh cho học sinh, GV cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy chính là tiền đề giúp các trường, cơ sở giáo dục nói riêng, ngành Giáo dục nói chung tiến tới hội nhập quốc tế.

“Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 về tăng cường năng lực sử dụng ngoại ngữ cho học sinh từ bậc mầm non cho đến THPT và đại học không chỉ giúp phân tầng trình độ tiếng Anh học sinh qua từng giai đoạn, nó còn giúp cho trình độ và năng lực ngoại ngữ của học sinh - sinh viên sau khi ra trường đảm bảo được việc giao tiếp theo chuẩn, đáp ứng yêu cầu hội nhập của nguồn nhân lực” - Bộ trưởng phân tích.

Để thực hiện được những mục tiêu lớn ấy thì nhiệm vụ trọng tâm về công tác phân luồng học sinh sau THCS phải được thực hiện tốt, bền vững và đồng bộ giữa các địa phương.

Có một thực tế trong bức tranh phân luồng hiện nay của chúng ta là học sinh học xong bậc THCS không sang học nghề mà chỉ chăm chăm học lên bậc THPT, hay ĐH-CĐ dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực của chúng ta thừa kiến thức, thiếu tay nghề.

“Con số hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp thôi thúc chúng ta cần phải làm thật mạnh mẽ, thật hiệu quả công tác phân luồng này. Với trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ, đào tạo chúng ta buộc phải cùng nhau tháo gỡ nút thắt này”- Bộ trưởng nhắc nhở.

Thực hiện sớm việc giao tự chủ cho các trường đại học

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình đổi mới chính là trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Đây là nhiệm vụ buộc phải làm và làm càng sớm càng tốt. Bởi tự chủ vốn dĩ là nhu cầu tự thân của mỗi trường đại học.Thực hiện sớm việc giao tự chủ cho các trường đại học

Bộ trưởng phân tích: Giao quyền tự chủ cho các trường đại học không phải là để giảm gánh nặng ngân sách, cho các trường cơ hội mở rộng quy mô đào tạo, mà là cho các trường được tự chủ toàn diện trong mọi hoạt động của mình.

“Sắp tới, về vấn đề tự chủ Bộ GD&ĐT sẽ làm mạnh, tiến tới sẽ có nhiều trường đại học không còn trực thuộc sự quản lý của Bộ, ngành nào nữa. Đây là hướng đi, xu thế chung của các đại học trên thế giới.

Bộ GD&ĐT sẽ là Bộ tiên phong trong việc thực hiện vấn đề này. Tất nhiên tự chủ phải gắn với giám sát chứ không phải tiến tới tự trị” - Bộ trưởng khẳng định.

Chúng ta đã bước chân vào quốc tế hóa giáo dục, với khuynh hướng hội nhập của nền giáo dục sâu như hiện nay, chúng ta không thể "đi” với một tâm thế, một hướng khác với các nước.

Chúng ta có thể khác về văn hóa, trình độ, nhưng khung thước để so sánh, đánh giá trình độ chất lượng của ta với nước bạn là không thể khác được nếu muốn hội nhập thành công.

PV – GDTĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm