Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không thực hiện việc nâng chất lượng theo hướng cào bằng
(Dân trí) - Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có chuyến thăm TPHCM đầu tiên kể từ khi ở cương vị lãnh đạo của ngành giáo dục. Bộ trưởng đánh giá cao thành tích mà trường THPT Lê Quý Đôn, một trong những ngôi trường cổ nhất khu vực Đông Nam Á đã đạt được thời gian qua.
Cô Đỗ Thị Bích Duyên- quyền hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn cho biết trường ra đời cách đây 143 năm và là một trong những ngôi trường cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2006, trường được chọn xây dựng mô hình tiên tiến chuẩn quốc tế.
Sau 10 năm đổi mới, trường xây dựng trên các tiêu chí cơ bản theo chương trình của Bộ GD-ĐT, ngoài mức học phí đã được quy đinh của trường tiên tiến, nhà trường không thu thêm bất kỳ khoản tiền nào, không tổ chức học thêm, dạy thêm. Bên cạnh đó, nhà trường cố gắng giảng dạy theo hướng phát huy cao nhất kỹ năng của học sinh và đến nay khẳng định vị trí ở trong nước lẫn quốc tế.
Ngoài chương trình tiếng anh của Bộ GD-ĐT, trường còn dạy tăng thêm 3-5 tiết/tuần. Vì vậy, nhiều học sinh sau một năm học có thể nói chuyện và trao đổi với người ngoại quốc, các đoàn khách quốc tế, không cần phiên dịch. Đa số học sinh ban A trường khi tốt nghiệp lớp 12 đều có chứng chỉ IELTS từ 4.5-5.5. Học sinh ban D có chứng chỉ IELTS từ 5.5 đến 6.5.…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết rất phấn khởi khi nghe nhà trường báo cáo. Theo Bộ trưởng, trong hoàn cảnh khó khăn của chung của đất nước, so với các địa phương khác TPHCM tuy có điều kiện thuận lợi hơn nhưng vẫn chịu nhiều áp lực trước nhu cầu học tập và đảm bảo chất lượng của người dân.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng hiện nay chương trình và bộ sách giáo khoa mới của chúng ta đang chuyển từ phương thức đào tạo truyền thụ sang phương thức đào tạo phát huy năng lực của học sinh. Vì vậy, những mô hình ưu việt như trường là cần nhân rộng. Tuy nhiên nhà trường đã có sự chủ động, sáng tạo, tạo ra bản sắc, chuẩn quốc tế nhưng vẫn phù hợp, vẫn rất đúng khuôn khổ. Điều đó được minh chứng ở kết quả đào tạo, chất lượng nhân lực mà trường đã có
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tham quan thư viện của trường theo mô hình tiên tiến của TPHCM
Đặc biệt, Bộ trưởng cũng đề nghị phải chăm lo tâm lý học đường và giáo dục đạo đức lối sống học sinh. Dù còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng nhà trường đã xây dựng được phòng riêng tư vấn tâm lý học đường, là nơi học sinh chia sẻ được tâm tư, tình cảm cũng như những thay đổi trong tâm sinh lý. “Đẩy mạnh xây dựng mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường là mục tiêu chúng ta đang xây dựng, hướng đến. Trường THPT Lê Quý Đôn có phòng tư vấn chuyên nghiệp, tôi đánh gía cao. Đây là mô hình tốt nên tôi đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo nhân rộng ra trong phạm vi toàn thành phố.
Bởi theo Bộ trưởng, hiện nay tâm lý học đường là một trong những vấn đề rất cấp bách. Rất nhiều vấn đề bạo lực học đường, hay chuyện học sinh bị trầm cảm, cũng như đạo đực lối sống của học sinh trong giai đoạn phát triển. Nếu thiếu sự hướng dẫn từ nhà trường thì dễ dẫn đến những hệ quả đáng tiếc. Chúng ta có được mô hình phòng tham vấn tâm lý trong trường học sẽ giúp các em học sinh được tiếp cận với dịch vụ, được GV hỗ trợ tháo gỡ các vấn đề về tâm lý. Việc này là rất cần thiết”, bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng đặc biệt ấn tượng với phương thức đầu tư có trọng điểm, không dàn trải của ngành giáo dục TPHCM. Bởi theo ông cách làm ấy không chỉ tập trung được nguồn lực, phát huy thế mạnh nội tại mà còn giúp TPHCM nhanh chóng thúc đẩy giáo dục đi lên. “Chúng ta có các tầng lớp khác nhau về giáo dục, chúng ta khuyến khích các tầng giáo dục có điều kiện tiếp cận với các chương trình tiên tiến cần được thúc đẩy, như thế mới thúc đẩy được sự phát triển của giáo dục TPHCM. Chúng ta đã có phân tầng chất lượng để đầu tư, chú trọng nhóm khó khăn để nâng lên, không thực hiện việc nâng chất lượng theo hướng cào bằng. Đây là hướng đi tốt, TPHCM cần tiếp tục phát huy”-Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng để đạt được những mục tiêu đặt ra, nhà trường cần phải tăng cường công tác bồi dưỡng GV, thúc đẩy sự chủ động học tập của lực lượng nòng cốt này. Nâng cao trình độ, đáp ứng chuẩn mới cho GV để phát triển năng lực cho học sinh là điều kiện tiên quyết, Sở, lãnh đạo nhà trường cần phải hỗ trợ, giúp đỡ GV nhiều hơn.
Dịp này, trường THPT Lê Quý Đôn cũng báo cáo công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2016 sắp tới nơi trường có 32 phòng thi trong đó có 1 phòng dự phòng. Hiện tại, trường đã hoàn tất mọi khâu về cơ sở vật chất để phục vụ thí sinh dự thi, bên cạnh đó là công tác phòng cháy chữa cháy, điện nước, an ninh trường thi…. Lãnh đạo trường cho biết bố trí làm 3 dãy, đảm bảo 30 thí sinh/phòng, niêm phong các phòng không sử dụng thi; các phòng thi có bố trí máy nước nóng, lạnh cho giám thị ; phòng thi bố trí xa khu dân cư… Về chuẩn bị kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý thêm” Trước khi thi các giáo viên nên phổ biến cho học sinh nội dung quy chế thi; trong thi làm sao coi thi hết sức nghiêm túc, tránh tình trạng tiêu cực phổ biến trong các kỳ thi như phao, nhìn bài hoặc thiết bị gian lận tinh vi. Sau kỳ thi, trọng tâm đối với các giáo viên chấm thi phải thể hiện trách nhiệm, khách quan, công tâm để cho thấy kết quả khách quan của học sinh. |
Lê Phương