Sao ngài Hiệu phó không mang đồ Tây?

(Dân trí) - “Khi đọc mấy bài báo về GS Trương Nguyện Thành, tôi nhớ chuyện tương tự từng xảy ra với mình. Tôi rất thích mang váy bút chì, loại váy công sở dài qua gối khi đi dạy”, Nguyễn Uyên Phượng - du học sinh Việt bậc thạc sĩ ngành Lãnh đạo Giáo dục tại ĐH Jyväskylä (Phần Lan) chia sẻ.


Hình ảnh GS Trương Nguyện Thành mặc quần soóc khi nói chuyện với sinh viên đang gây tranh cãi ngày 22/4 (ảnh facebook).

Hình ảnh GS Trương Nguyện Thành mặc quần soóc khi nói chuyện với sinh viên đang gây tranh cãi ngày 22/4 (ảnh facebook).

Lúc vào lớp, tôi đôi khi bắt đầu buổi học bằng việc "chọn" một anh chàng thật sành điệu, hoặc một cô sinh viên mặc chiếc áo bắt mắt: "Hôm nay thời tiết thật lạ, nên có người mang quần jeans rách te tua đi học!" Thế là cả lớp cười ồ lên và giờ học bắt đầu.

Tôi khuyến khích sinh viên mình ăn mặc thoải mái, tươm tất, vì điều đó cho các em những cảm hứng tích cực, và biết yêu quý bản thân mình nhiều hơn. Vậy là một hôm có cậu học trò mang quần short (quần đùi) đá bóng vào lớp. Bởi vì cậu phải đi đá bóng trên trường. Sinh viên mà! Ý tôi muốn nói: Đời sinh viên mà!

Tôi muốn nhìn nhận một góc độ khác. Học sinh Việt Nam mang đồng phục hết 12 năm, bàn ghế lớp học phải xếp ngay ngắn, móng tay phải cắt ngắn, tóc hạn chế nhuộm... Có lẽ đó là lý do tại sao khiến học sinh Việt Nam đa phần không nhìn sự việc, con người từ những ống kính khác nhau. Nói "Trường học đã giết đi sự sáng tạo của con trẻ" là có phần đúng.

Chính vì ai cũng giống nhau, nên bạn không được quyền khác tôi. Một dự án, một bài tập nhóm thành công quan trọng nhất ở đâu? Theo tôi nghĩ, không phải đoàn kết mà là sự sáng tạo - đa dạng. Một sản phẩm tổng hợp trên nhiều ý tưởng được hợp tác, là những sản phẩm tối ưu và độc đáo nhất.

Nếu bạn cũng giống tôi, hoặc chúng ta cứ làm theo ý tưởng của bạn trưởng nhóm, giám đốc, quản lý, thì chúng chỉ mãi lối mòn, hạn chế, thiếu đột phá.

Giống như một bộ phim Pixar, không duy nhất một thiên tài, mà là 250 nhà sáng tạo, cùng làm việc 4-5 năm. Đột phá là tác phẩm của tập hợp các nguồn sáng tạo! Đừng áp đặt người khác vì họ khác biệt.

Sự khuôn mẫu trong nhìn nhận, dẫn đến sự cực đoan trong thái độ. Bạn cho rằng mình hiểu người khác ư? Không thể nào. Một ngày 24 tiếng, một giờ 3.600 giây, bạn chỉ thấy một khoảnh khắc, bạn cho rằng bạn có thể đánh giá người đã sống mấy mươi năm. Nhìn xa chưa đủ, hãy nhìn lâu hơn.

Vài năm trước, tôi được yêu cầu thôi việc tại một chỗ dạy vì mình hay mang váy, thay vì mang quần tây, nói xa hơn, vì phong cách giảng dạy khác biệt và cởi mở.

Điều tôi chưa bao giờ hối tiếc là tôi nói với học sinh của mình hãy biết chăm sóc bản thân, sáng tạo và lao động không ngừng. Tôi cảm ơn GS Trương Nguyện Thành vì đã dũng cảm để trở thành một lãnh đạo tại một đại học ở Việt Nam, và là một lãnh đạo truyền cảm hứng. Vâng, sáng tạo đòi hỏi dũng cảm vì sự khác biệt. Và các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng sẽ để lại “di sản”!

Nguyễn Uyên Phượng

(Từ Jyväskylä – Phần Lan)