Sai phạm trong kỳ thi HS giỏi quốc gia: Bộ GD&ĐT nói gì?

(Dân trí) - Trước kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT về những sai phạm trong kì thi học sinh giỏi quốc gia, ngày 22/1, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã có phản hồi.

Theo đơn vị này, kì thi đã được rút kinh nghiệm và hoàn thiện trong vài ba năm trở lại đây.

Cụ thể, trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia, dự thi Olympic khu vực quốc tế được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện với nhiều đổi mới theo hướng ngày càng thực chất, nghiêm túc, khách quan hơn, được sự đồng thuận hỗ trợ và đánh giá cao.

Các kỳ thi chọn HSG quốc gia hàng năm làm tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Trong 5 năm liên tục từ 2014 - 2018, các đoàn HSG Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng cũng thừa nhận, trong tổ chức thi vẫn còn có hạn chế. Một số đơn vị mời các thầy cô giáo hoặc đưa HS trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi, gây ra thắc mắc hoặc băn khoăn, nghi ngại trong dư luận về tính khách quan, công bằng của công tác tổ chức thi và kết quả thi. 

Thi THPT quoc gia 2018

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ năm 2017 đến nay, kì thi HS giỏi quốc gia đã được khắc phục một số sai sót. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà). 

Nhận thấy những bất cập này, Bộ GD&ĐT đã thực hiện các giải pháp đổi mới trong tổ chức thi nhiều năm qua, nhất là ở các năm 2017, 2018, 2019 bằng cách tăng cường huy động các cán bộ trẻ, được đào tạo ở nước ngoài, ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tại các vùng miền khác nhau trên cả nước tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi.

Hạn chế đến mức tối đa việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề đề xuất và tham gia các Hội đồng ra đề thi, chấm thi; đồng thời quán triệt nguyên tắc không cử những người dạy cho các đội tuyển dự thi chọn HSG quốc gia của các địa phương năm tổ chức thi tham gia để dần khắc phục tình trạng các địa phương tập trung về Hà Nội hoặc tìm mời các chuyên gia ôn tập, luyện thi gây ảnh hưởng xấu trong dư luận về tính khách quan, công bằng của kỳ thi.

Về sai sót trong ra đề thi của những năm trước, năm 2019, Bộ không mời người dạy cho các đội tuyển dự thi năm nay tham gia ra đề thi, mở rộng thành phần ra đề đề xuất: mời các chuyên gia trên phạm vi cả nước, các giáo viên của các trường THPT chuyên giới thiệu đề đề xuất.

Đề đề xuất do chuyên gia, giáo viên giới thiệu niêm phong gửi đến được bảo quản theo chế độ “mật” tại thùng sắt niêm phong ở Cục Quản lý chất lượng và được bàn giao cho Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách ly tuyệt đối còn nguyên niêm phong.

Huy động giáo viên THPT chuyên giỏi, các giáo viên có HS đoạt giải tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế giới thiệu đề đề xuất và tham gia phản biện đề thi tại khu vực cách ly của Hội đồng ra đề thi.

Khâu soạn thảo đề thi và sử dụng đề đề xuất liên tục được cải tiến để đảm bảo khách quan, công bằng; các đề đề xuất được sử dụng không tập trung vào một số cá nhân.

Công tác coi thi được thực hiện theo nguyên tắc huy động cán bộ, giáo viên từ ít nhất 2 địa phương khác về làm nhiệm vụ tại Hội đồng coi thi của mỗi địa phương, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng coi thi.

Thi ThPT quoc gia 2018

Bộ GD&ĐT đang đổi mới để kỳ thi HS giỏi quốc gia chất lượng hơn. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà)

 

Các khâu làm phách, chấm thi, nhập điểm và xét giải được thực hiện theo hướng tách bạch với sự phân công phân nhiệm cụ thể giữa cán bộ tham gia làm phách và cán bộ phụ trách chấm thi.

Về chấm thi, đơn vị này cho biết, đã thực hiện nghiêm ngặt theo Quy chế thi thi. Tổ trưởng chấm thi của mỗi môn điều hành chấm bài thi đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập.

Phiếu chấm cá nhân các lần đều được gửi đến bộ phận thư ký photocopy niêm phong lưu giữ để xử lý khi có nghi vấn bất thường. Các tổ chấm thi thực hiện việc chấm chung ít nhất 20 bài có điểm cao nhất của mỗi ngày thi để đảm bảo độ chính xác, khách quan của kết quả chấm thi.

Tổ chấm trực tiếp nhập điểm vào phần mềm máy tính với sự giám sát của thanh tra. Sau đó, Thư ký Hội đồng chấm thi xong chiết xuất từ phần mền, in phiếu điểm bài thi đã nhập để tổ chấm thi rà soát, ký xác nhận và thực hiện việc xét giải theo quy chế thi, lập biên bản đề nghị xét giải và các biên bản đề nghị số thí sinh được triệu tập tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia theo số phách với các môn thi quốc tế, khu vực (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học).

Cũng theo Cục quản lý chất lượng, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai nghiên cứu, xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn HSG để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn HSG cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mỹ Hà