Rộn ràng giờ học hạnh phúc của các thầy giáo dạy trẻ mầm non
(Dân trí) - Nơi xã rẻo cao của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có ba "chàng ngự lâm" vẫn hàng ngày hăng say, nhiệt huyết với nghề "gõ đầu trẻ". Họ là số ít trong những người làm "mẹ hiền" của lũ trẻ nơi này.
Làm thầy giáo mầm non vì yêu trẻ
Khi nhắc đến giáo viên mầm non, nhiều người thường nghĩ đến những cô giáo. Nhưng, cũng có những "mẹ hiền" lại là những người thầy tràn đầy nhiệt huyết với nghề.
Nơi xã vùng cao Thành Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), người dân rất đỗi quen thuộc với những các thầy giáo Trịnh Hồng Quân, Ngân Văn Tùng và Bùi Văn Bông. Họ là ba thầy giáo trong số 20 cán bộ giáo viên của Trường mầm non Thành Sơn.
Từ nhỏ vốn thích ca hát, đàn sáo, khi thi đại học, thầy Trịnh Hồng Quân đã quyết định đăng ký nguyện vọng vào ngành sư phạm mầm non.
"Trong quá trình học tập, ban đầu cũng có những bỡ ngỡ vì trong môi trường có đến 99% là chị em học, chỉ có một mình là nam. Sau đó, bản thân tôi cũng đã cố gắng, bắt nhịp, làm quen và hòa đồng hơn với môi trường học tập mới", thầy Quân chia sẻ.
Tốt nghiệp Khoa sư phạm mầm non, Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), năm 2006, thầy Trịnh Hồng Quân bắt đầu vào nghề ở trường mầm non xã Lương Ngoại (huyện Bá Thước). Đến nay, thầy quân cũng đã có 15 năm thâm niên làm "mẹ hiền". Hiện thầy Quân là Hiệu trưởng của Trường mầm non Thành Sơn.
Suốt từng ấy năm gắn bó với nghề, đi nhiều nơi, ở nhiều trường, thầy Quân đã ươm mầm biết bao thế hệ học trò nơi vùng cao Thanh Hóa. Thầy kể: "Đến với nghề giáo viên mầm non như một cơ duyên, cũng như bao người thầy khác, chúng tôi chọn nghề bởi một tình yêu thương với lũ trẻ. Khi đi làm hòa đồng với môi trường, cảm thấy bản thân không hối hận khi chọn vào ngành mầm non đến thời điểm bây giờ. Được cùng lũ trẻ vui đùa, học tập, đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi".
Cũng như thầy Quân, thầy Ngân Văn Tùng sinh ra và lớn lên ở xã Thành Sơn. Bản làng nơi anh sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, cuộc sống quanh năm vất vả, thiếu thốn đủ bề.
"Sự học đối với quê hương tôi lúc bấy giờ là một điều vô cùng gian nan. Cuộc sống nghèo đói quanh năm và kéo dài qua nhiều thế hệ nên trẻ em lớn lên gần như không biết đến con chữ. Mãi đến thế hệ của chúng tôi sau này, tuy có đỡ hơn nhưng để có được con chữ cũng trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả", thầy Tùng tâm sự.
Ngày ấy, nhìn lũ trẻ lấm lem bùn đất, quanh năm thiếu cái ăn, thầy Tùng đã ấp ủ mơ ước trở thành thầy giáo để có thể chăm sóc, dạy dỗ các em khôn lớn nên người. Và rồi ước mơ ấy của thầy Tùng đã trở thành hiện thực. Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên, thầy Tùng về chính quê hương mình để công tác.
"Tôi yêu trẻ, yêu sự hồn nhiên của tuổi ấu thơ. Những đứa trẻ ở quê tôi sinh ra đã thiếu thốn đủ bề. Tôi chọn nghề mầm non với mong muốn được cùng lũ trẻ có một tuổi ấu thơ đẹp, một cuộc sống và một tương lai sáng hơn. Được chăm sóc và nhìn chúng vui đùa là tôi hạnh phúc lắm rồi", người thầy trẻ chia sẻ.
Từng bị đuổi khỏi phòng thi vì là con trai
Để đứng trên lớp như bây giờ, thầy Quân đã trải qua vô số câu chuyện bi hài. Thầy Quân còn nhớ mãi quãng thời gian là sinh viên của lớp mầm non, Trường đại học Hồng Đức. Lớp có khoảng 40 sinh viên nhưng thầy Quân là sinh viên nam duy nhất.
Thời gian đầu, chàng sinh viên bị bạn bè cười nhạo vì chọn nghề được cho là của phái nữ. Thậm chí, ngay cả người nhà cũng không tin khi thầy Quân chọn nghề giáo viên mầm non.
"Ngày trước đi thi, khi bước vào phòng thi giám thị hành lang, bảo vệ hỏi anh đi đâu, còn muốn đuổi ra ngoài. Sau khi tôi lấy thẻ dự thi ra thì họ mới tin thật sự", thầy Quân nhớ lại ngày đi thi đại học.
Công việc của giáo viên mầm non không chỉ giảng dạy mà còn đảm nhiệm những trọng trách như "mẹ hiền" ở nhà. Ngoài những giờ học bài, họ còn chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, hay thậm chí vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Trường Mầm non Thành Sơn hiện có 10 nhóm lớp, với 1 điểm chính, 4 điểm lẻ. Điểm lẻ xa nhất cách điểm chính chừng 12 km, vào các giờ trưa, thầy cô giáo tại trường phải thay nhau đưa cơm vào điểm lẻ cho các em.
Nhắc đến những khó khăn vất vả trong nghề, thầy Quân chia sẻ: "Nếu nói về khó khăn thì vô vàn lắm, ở đây điều kiện kinh tế khó khăn nên ngoài dạy học còn phải động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh của các em. Nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Việc khó nhất là dạy múa cho các em mà chúng tôi còn làm được thì không có gì phải bận tâm cả".
Theo thầy Quân, những năm bắt đầu vào nghề rất khó khăn, có thời điểm đi làm không lương, một số trường hợp chỉ được hỗ trợ mỗi tháng 300 nghìn đồng. Cũng vì đam mê, yêu nghề mà nhiều thầy cô mới gắn bó được.
"Như trường hợp của thầy Ngân Văn Tùng, từ năm 2007 đến năm 2014 đi dạy theo hình thức hợp đồng không lương. Nếu không có nhiệt huyết và tình yêu với lũ trẻ thì chắc chắn không có như ngày hôm nay", thầy Quân cho biết thêm.
Vốn khó khăn, vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ, những người làm nghề giáo viên mầm non như thầy Tùng, thầy Quân cảm thấy chạnh lòng với nghề. Đối với họ, được nhìn lũ trẻ hồn nhiên vui đùa, khỏe mạnh là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong nghề.