Rơm rạ - “mỏ” Ka li và công bố quốc tế
(Dân trí) - Đề tài “Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh – giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cùng các cộng sự trong và ngoài nước vừa vinh dự được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016. Công trình này được công bố trên tạp chí Chemosphere năm 2015.
Công trình có tên “Release of potassium accompanying the dissolution of rice straw phytolith” (Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ) do PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh – giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cùng cộng sự và các chuyên gia nước ngoài đến từ Viện Khoa học đất Hannover (CHLB Đức) và Trường đại học Indiana (Hoa Kỳ) nghiên cứu được tiến hành trong thời gian từ năm 2011 - 2015.
Vậy, nghiên cứu này mang ý nghĩa và có thể ứng dụng thế nào vào đời sống, PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết, cây lúa trong quá trình sinh trưởng và phát triển có nhu cầu rất lớn về kali. Nguyên tố này được hút thu và tích lũy chủ yếu trong các mô bào thân cây và lá lúa. Sau khi thu hoạch kali nằm lại trong phần rơm rạ. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin nghiên cứu về dạng tồn tại cũng như khả năng tái sử dụng lượng kali này.
Nghiên cứu này được thực hiện để cung cấp thêm những thông tin chuyên sâu về thành phần và đặc tính của rơm rạ, là cơ sở khoa học cho các biện pháp quản lý và tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ nguồn “tài nguyên” rơm rạ vô cùng dồi dào ở nước ta, mặt khác cảnh tỉnh việc xuất khẩu rơm rạ (chứa lượng rất lớn kali và các chất dinh dưỡng khác) có thể gây tổn thất kinh tế cho người dân khi họ phải tái đầu tư một lượng phân bón nhiều hơn cho cây trồng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng gợi ý về khả năng tách chiết kali từ rơm rạ để sản xuất phân bón. Phân kali là loại phân bón chúng ta đang phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài vì vậy việc tách chiết và tái sử dụng sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho người dân.
Thưa PGS, lý do gì mà ông cùng các đồng sự thực hiện nghiên cứu này?
Trong những năm gần đây, tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng ở những khu vực ven đô gia tăng đáng kể. Việc đốt loại sinh khối “dư thừa” này đã và đang gây ra những vấn đề môi trường như gây khói bụi, lãng phí năng lượng và ảnh hưởng đến khu hệ vi sinh vật đất. Tuy nhiên, có nên dừng việc đốt rơm rạ hay không và liệu có giải pháp nào thay thế cho việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng hay không vẫn là một câu hỏi mở chưa có lời giải đáp.
Nguyên nhân của sự “lúng túng” trong việc tìm ra giải pháp xử lý rơm rạ là do chúng ta chưa hiểu hết đặc điểm, thành phần của rơm rạ và qua đó cũng chưa thấy được hết giá trị và ý nghĩa môi trường của loại phụ phẩm nông nghiệp này. Đây chính là động cơ thúc đẩy nhóm chúng tôi tiến hành nghiên cứu này.
Hình ảnh nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ
Hướng nghiên cứu mà nhóm nghiên cứu của PGS, quan tâm nhất hiện nay là gì?
Ngoài hướng nghiên cứu về đặc điểm của phytolith trong rơm rạ và chuyển hóa của phytolith trong môi trường đất, hiện nay tôi đang tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phytolith đến sự cố định cacbon trong môi trường đất.
Đây là một trong những hướng nghiên cứu mới, có tính toàn cầu và đang được cộng đồng khoa học thế giới quan tâm.
Tuy nhiên, với những trang thiết bị hiện có tại các phòng thí nghiệm trực thuộc Khoa Môi trường nơi tôi đang công tác thì việc triển nội dung nghiên cứu này là rất khó khăn. Có thể tôi sẽ tăng cường hợp tác với các bạn đồng nghiệp ở các phòng thí khác trong và ngoài trường, cũng như tận dụng mối quan hệ với các đồng nghiệp từ các nước phát triển (Đức, Anh và Hoa Kỳ) để phát triển hướng nghiên cứu này.
Các cơ sở đào tạo cần ưu tiên hàng đầu cho các công bố quốc tế
Là một nhà khoa học có nhiều công bố quốc tế, dưới góc nhìn của PGS., việc công bố quốc tế có ý nghĩa thế nào với nhà khoa học?
Công bố kết quả nghiên cứu khoa học vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của những người làm khoa học. Việc công bố kết quả nghiên cứu chính là để góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức của nhân loại, chuyển tải thông tin đến cộng đồng và để phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Công bố quốc tế hiện có thể coi là thước đo chuẩn mực cho nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, danh tiếng của các trường đại học, các viện nghiên cứu hay thậm chí là thước đo đánh giá trình độ khoa học kỹ thuật của một quốc gia. Do đó, công bố quốc tế nhất thiết phải được khuyến khích và là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong nước.
Ngoài ra, công bố quốc tế còn là một “thông số” phản ánh mức độ hội nhập của cộng đồng khoa học trong nước với cộng đồng khoa học quốc tế. Gia tăng số lượng công bố quốc tế chính là bước xác lập vị thế khoa học nước nhà trên trường quốc tế, đặt nền tảng tốt hơn cho các nhà khoa học trong nước tham gia vào các diễn đàn khoa học quốc tế đa phương và tham gia giải quyết những vấn đề có tính chất châu lục hay toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cùng cộng sự nước ngoài
Theo PGS, khó khăn nhất của nhà khoa học hiện nay là gì? Điều gì đang là lực cản cho việc nghiên cứu của nhà khoa học?
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì khó khăn nhất của các nhà khoa học hiện nay chính là sự thiếu gắn kết giữa các nhà khoa học.
Sự thiếu gắn kết trong nghiên cứu một mặt làm giảm sức mạnh tổng hợp về kiến thức cũng như kinh nghiệm của tập thể, mặt khác làm cho việc tận dụng trang thiết bị hay huy động các nguồn lực phục vụ nghiên cứu trở nên khó khăn hơn. Thiếu gắn kết thậm chí có thể dẫn đến những hiệu ứng tiêu cực, bài trừ và kìm hãm lẫn nhau trong nghiên cứu khoa học.
Trở ngại thứ hai liên quan đến vấn đề về trang thiết bị. Sự thiếu đồng bộ trong đầu tư thiết bị hoặc điều kiện bảo trì không đảm bảo làm cho hệ thống trang thiết bị thường nhanh chóng bị xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả.
Một số trở ngại khác có thể kể đến ví dụ như kinh phí nghiên cứu hạn hẹp, hay thiếu các hoạt động hỗ trợ phát triển chuyên môn như hội thảo khoa học, trao đổi đào tạo….
Trân trọng cảm ơn PGS!
Đỗ Ngọc Diệp (thực hiện)