Rét "cắt da cắt thịt", giáo viên và học sinh miền núi chật vật chống chọi
(Dân trí) - Mưa tuyết kèm rét "cắt da cắt thịt" tưởng chừng là cảnh đẹp thích thú với các du khách nhưng lại là nỗi gian nan, vất vả chịu đựng của các học sinh, thầy cô nơi vùng cao tổ quốc.
Mưa tuyết mang đến cái rét thấu xương, thấu thịt khiến thầy và trò các tỉnh miền núi phía Bắc chật vật chống chọi thời tiết khắc nghiệt. Nhiều học sinh khó khăn không có quần áo đủ ấm và kể cả đủ quần áo thì quần áo nào cho lại được mùa đông tê tái nơi đây.
Trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Lương Phương - công tác tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú, TH&THCS Chế Cu Nha, Mùa Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho hay: Mưa tuyết đóng băng vào đúng hai ngày nghỉ cuối tuần của học sinh nên các em đều ở nhà còn ngày mai thì chưa biết tình hình ra sao. Dù thời tiết lạnh, cô Phương và các đồng nghiệp vẫn ngồi soạn bài để mai lên lớp.
"Vì mình dạy cấp 1, học sinh ở bán trú sáng mai phụ huynh mới đưa con em xuống. Thực phẩm thì không hiếm vì nhà trường đã hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ rồi, còn trường học thì không có thiết bị sưởi".
Huyện Mù Cang Chải, nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn vốn là quê hương của cô giáo Lương Phương. Cô Phương cho biết, dự báo là mai còn đóng băng nhiều hơn.
"Đặt chân một lần tới nơi này mới hiểu hết nỗi vất vả, gian nan, chịu đựng của học sinh, thầy cô và người dân nơi vùng cao", nữ giáo viên chia sẻ.
Một cô giáo khác công tác tại trường THPT Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho hay, hiện tại nơi đây là khoảng 8 độ C. Nếu thời tiết dưới 10 độ C thì học sinh nghỉ học còn giáo viên đi làm bình thường.
"Trường chị công tác trong vùng 3 học sinh ăn ngủ bán trú nên thực phẩm như gạo được Nhà nước cung cấp, rau mua từ chợ huyện vào nên thực phẩm không thiếu. Đa phần cơ sở vật chất lớp học các trường trong tỉnh còn thiếu thốn, chưa có thiết bị sưởi ấm nên cô trò khá chật vật vào những ngày thời tiết lạnh", chị cho hay.
Theo báo Lạng Sơn điện tử, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, cách đây 2 ngày (ngày 8/1), Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn ban hành Công văn số 50/SGDĐT-VP về việc ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại và phòng, tránh rét cho học sinh. Trong đó chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh rét.
Đối với khối THPT, có 13/27 trường cho học sinh nghỉ học; khối trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 9/11 trung tâm cho học sinh nghỉ học (còn 2 trung tâm cho đi học là Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên Chi Lăng và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên 2 tỉnh). Các trường phổ thông dân tộc nội trú vẫn cho học sinh học bình thường.
Thống kê tổng số trường cho học sinh nghỉ trong ngày 8/1 là 418/676 trường; tổng số học sinh nghỉ học là 133.693 học sinh.
Sở GD&ĐT Lạng Sơn yêu cầu các đơn vị theo dõi sát sao tình hình thời tiết, thực hiện phù hợp khuyến cáo của cấp quản lý về phòng chống rét cho học sinh; với các đợt rét kéo dài đã được dự báo trước, có thể dự liệu sát tình hình thì theo điều kiện thực tế có thể xem xét, giao các nhà trường báo cho học sinh nghỉ học từ hôm trước để học sinh ở xa không phải chịu rét đến trường và ra về. Kế hoạch giáo dục các ngày nghỉ rét phải được bố trí thực hiện đầy đủ sau khi học sinh đi học trở lại, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục cả năm học của nhà trường.
Tại tỉnh Bắc Kạn, trong đêm qua và rạng sáng nay 08/01, các trạm đã quan trắc được nhiệt độ thấp nhất tại vùng núi cao Ngân Sơn 4.7 độ C, thị trấn Chợ Rã và thành phố Bắc Kạn 8.7 độ C. Trời rét hại.
Theo báo Bắc Kạn, thời tiết tại huyện Na Rì gần một tuần nay rất khắc nghiệt, tại một số xã vùng cao như Kim Hỷ, Văn Vũ, Liêm Thủy... nhiệt độ liên tục duy trì ở mức thấp, có thời điểm xuống đến dưới 5 độ C, khu vực vùng núi cao rừng núi đá Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ nhiệt độ từ 2 - 3 độ C.
Để phòng tránh các đợt rét đậm, rét hại, các trường học trên địa bàn xã, từ bậc mầm non đến THCS đã cho học sinh nghỉ học. Nhà trường xuyên chủ động thực hiện các biện pháp chống rét cho học sinh như đóng kín cửa, bật điện, hạn chế cho các em hoạt động ngoài trời...
Theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường căn cứ vào thời tiết và thực tế tại địa phương cho học sinh nghỉ học theo quy định, cụ thể: Các cháu mầm non, tiểu học nghỉ học khi thời tiết dưới 10 độ C; học sinh THCS, PTTH nghỉ học khi thời tiết dưới 7 độ C.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, các trường chủ động điều chỉnh thời gian học buổi sáng muộn hơn so với thời gian quy định để tránh thời tiết giá rét vào thời điểm sáng sớm.
Đồng thời, các nhà trường có những biện pháp bảo đảm sức khỏe cho học sinh như: Kiểm tra, tu sửa cơ sở vật chất, phòng học để chống rét cho học sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, bổ sung thuốc tại các phòng y tế; phối hợp với cha mẹ học sinh nhắc nhở con em mặc đủ ấm khi đến trường; trong những ngày rét đậm, rét hại, các trường không yêu cầu học sinh mặc đồng phục...
Đối với những trường có tổ chức ăn bán trú, cần đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, bảo đảm đủ chất cho mỗi suất ăn, chế độ ăn hợp lý, chỗ nghỉ trưa đủ ấm. Với các trường mầm non, cần bố trí lớp học kín gió, bảo đảm ấm cho các bé, có nước ấm để chăm sóc và phục vụ nhu cầu của trẻ. Trường hợp nhiệt độ xuống thấp cho học sinh nghỉ học phải báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo, có kế hoạch dạy bù để bảo đảm kế hoạch thời gian năm học, không dạy dồn tiết hoặc rút ngắn chương trình…
Ông Nông Văn Dũng- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Na Rì cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã sớm có công văn gửi các trường về việc bảo đảm sức khỏe và phòng, chống rét, dịch bệnh cho học sinh. Vào những ngày rét đậm, rét hại, các trường học chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh, nhất là học sinh các trường bán trú, trường PTDT nội trú. Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho phù hợp.
Để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ tăng theo dõi sát thông tin về không khí lạnh, rét đậm, rét hại để thông báo đến chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân vùng cao để chủ động phòng chống.
Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, nhất là tại các trường nội trú. Trong đó, hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.