Ra mắt Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tọa lạc ở khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hòa Lạc, Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo giữa các trường đại học, doanh nghiệp của Việt Nam và Australia.

Không gian đi vào hoạt động từ ngày 4/11/2023 trước sự hiện diện của lãnh đạo ĐHQGHN và Đại học RMIT.

Ra mắt Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT - 1
Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT (VNU-RMIT Innovation Hub) khánh thành ngày 4/11/2023 tại Hà Nội (Ảnh: Quốc Toản - VNU Media).

Với diện tích gần 1.000 mét vuông và cơ sở vật chất hiện đại, không gian được kỳ vọng sẽ trở thành phòng thí nghiệm và nơi làm việc chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Không gian sẽ là nơi kết nối ĐHQGHN và Đại học RMIT với các đối tác giáo dục, doanh nghiệp để cùng thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển, tập trung vào các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

RMIT cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với đơn vị điều phối chính của ĐHQGHN trong dự án này là Viện Công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ, cũng như phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, hoạt động trao đổi học thuật tại Việt Nam và Australia.

Giáo sư Ian Burnett, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường phụ trách Phân viện STEM kiêm Phó giám đốc Đại học RMIT, cho biết: "Các ngành STEM sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với tương lai của Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Việc đầu tư vào nghiên cứu và cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học tiên tiến và thúc đẩy hợp tác giữa các đại học hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực này là một bước tiến đầy hứng khởi".

Ra mắt Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT - 2
Không gian được trang bị cơ sở vật chất hiện đại với diện tích sàn gần 1.000 mét vuông (Ảnh: RMIT).

Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam, Giáo sư Claire Macken nhận định: "Tôi tin tưởng rằng bằng việc kết hợp thế mạnh của hai tổ chức, RMIT và Viện Công nghệ thông tin - ĐHQGHN sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia với vị thế quan trọng trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu".

Theo PGS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - ĐHQGHN, một trong những mục tiêu của Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT là giúp các doanh nghiệp tiếp cận giải pháp khoa học công nghệ cho các lĩnh vực thiết yếu mới nổi như vật liệu mới, công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo.

PGS.TS. Tú cho biết: "Mong muốn của chúng tôi khi xây dựng không gian này là không chỉ kết nối các nhà khoa học hàng đầu mà còn gắn kết với nhiều doanh nghiệp hơn từ cả Việt Nam và Australia. Qua đó, các công trình nghiên cứu có thể hưởng lợi từ những hiểu biết thực tế và phục vụ nhu cầu thực tế".

Còn theo PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc ĐHQGHN, với tư cách là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước, ĐHQGHN chú trọng mục tiêu làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.

"RMIT là đại học hàng đầu trong lĩnh vực STEM về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và mạng lưới đối tác doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều dự án hợp tác hiệu quả với nhà trường", ông Sơn cho biết.

Lễ khánh thành Không gian Đổi mới sáng tạo diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 của ĐHQGHN. Hội nghị thường niên này kết nối nhà trường với các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước quan tâm tới lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ.

Ra mắt Không gian Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN-RMIT - 3

Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam - Giáo sư Claire Macken (trái) và Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - ĐHQGHN - PGS.TS. Trần Xuân Tú (phải) tại phiên toàn thể của Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 của ĐHQGHN (Ảnh: RMIT).

Quan hệ hợp tác của RMIT và ĐHQGHN bắt đầu từ năm 1995 với việc hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác song phương. Kết quả ban đầu từ quan hệ hợp tác này bao gồm việc ra mắt Trung tâm Phát triển hệ thống của ĐHQGHN, các hoạt động về đảm bảo chất lượng, trao đổi học thuật, đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.

Năm 2017, Đại học RMIT và ĐHQGHN đã ký biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chất lượng học thuật, đào tạo lãnh đạo, hợp tác nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu,...

Kể từ năm 2018, hai bên đã mở rộng thiết lập hợp tác trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ, kỹ thuật và kinh doanh.