Quyết định đình chỉ học nữ sinh mang tài liệu photo vào trường gây nhiều tranh cãi

(Dân trí) - Thông tin về việc trường ĐH Luật TPHCM đình chỉ 1 năm học đối với một nữ sinh viên vì mang tài liệu photo vào trường nhận được nhiều tranh luận trái chiều cho rằng trường xử lý quá nặng. Tuy nhiên, phía lãnh đạo trường khẳng định hình thức kỷ luật này là đúng.

Nhiều ý kiến cho rằng trường ĐH Luật TPHCM đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học 1 năm là quá nặng và thiếu tính nhân văn. Thậm chí có người còn cho rằng “cơ sở nào để đình chỉ học tập một sinh viên khi chưa xác định bạn ấy mang giáo trình vào trường để học tập hay kinh doanh? Trường ĐH Luật TPHCM có kiểm soát được các tài liệu, ứng dụng trong công nghệ thông tin ở trường sử dụng đều có bản quyền hay không? Đình chỉ học tập một năm học đối với một sinh viên là cướp đi cơ hội phấn đấu cho cuộc đời sau này của sinh viên, không thể chỉ dựa vào quy chế của trường đại học”.

Trường ĐH Luật TPHCM đưa ra hình thức đình chỉ 1 năm đối với sinh viên mang tài liệu photo từ giáo trình của trường
Trường ĐH Luật TPHCM đưa ra hình thức đình chỉ 1 năm đối với sinh viên mang tài liệu photo từ giáo trình của trường

Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật ĐH Luật TPHCM khẳng định việc đình chỉ với nữ sinh sử dụng tài liệu photo từ giáo trình của trường là đúng về luật Giáo dục, luật Sở hữu trí tuệ và quy chế riêng của nhà trường.

Trước những ý kiến cho rằng trường xử lý quá nặng, ông Hải cho rằng: “Như thế nào là nặng, như thế nào là nhẹ? Nói như thế là cảm tính vì điều quan trọng là phải làm đúng theo pháp luật để giữ kỷ cương phép nước”.

“Sinh viên trường Luật trước hết là phải thượng tôn pháp luật, phải làm gương chứ không thể so sánh với sinh viên những trường khác. Bởi các bạn sau này sẽ làm nghề luật, là những người bảo vệ công lý, thực thi pháp luật thì phải đi đầu. Là một cơ sở đào tạo luật thì nhà trường phải làm nghiêm không chỉ cho bản thân trường mà còn góp phần cho sự phát triển của xã hội và đất nước. Nếu vẫn giữ tư duy thương và nương nhẹ học trò thì đất nước sẽ không bao giờ phát triển được”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, trong trường hợp này, sinh viên này không phải chỉ photo một lần một quyển mà photo đến 8 quyển suốt trong 2 năm học. Như vậy hành vi này là lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Chưa kể nếu chỉ photo để học thôi thì mức độ khác nhưng ở đây sinh viên này lại mang đến chuyển giao cho một sinh viên khác. Hành động này không còn là tự nghiên cứu mà là truyền bá cho người khác. Hội đồng kỷ luật nhà trường căn cứ vào bối cảnh diễn ra tình trạng xảy ra hành vi đó để cân nhắc xử lý.

Ông Hải cũng nói thêm: “Có ý kiến bảo rằng có chắc giảng viên trường không xài phần mềm vi phạm bản quyền? Hệ thống máy tính trong trường nếu có phần mềm bản quyền thì đều mua bản quyền hết. Bởi mình mua bản quyền chính là nhằm để đảm bảo sự ổn định trong vận hành của nó. Nếu ai nói sử dụng phần mềm lậu là không có cơ sở”.

Khẳng định về pháp lý cho quyết định kỷ luật sinh viên, lãnh đạo trường cho rằng theo quy chế công tác sinh viên với chương trình đào tạo hệ đại học chính quy ban hành kèm theo Thông tư 10/2016 của Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục được "xây dựng quy chế, quy định cụ thể về công tác sinh viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công tác tổ chức và đào tạo của trường".

Ngoài ra, phụ lục một số nội dung vi phạm và khung xử lý sinh viên kèm theo thông tư trên có khoản "các vi phạm khác", cho phép nhà trường tùy theo mức độ vi phạm để xem xét, nhắc nhở, phê bình hoặc xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi học.

Điều 20 Luật Giáo dục Đại học 2012 cho phép hiệu trưởng 'ban hành các quy chế, quy định trong cơ sở giáo dục đại học theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học”.

Từ đó, trường có chủ trương nghiêm cấm sử dụng và phát hành các tài liệu học tập do nhà trường biên soạn, xuất bản và phát hành dưới hình thức photocopy, triển khai từ năm 2012 đến nay. Đây là quy định của trường để bảo vệ các quy định của luật Sở hữu trí tuệ, Xuất bản.

Phía nhà trường cũng cho rằng ĐH Luật TPHCM là chủ sở hữu quyền tác giả với giáo trình và các tài liệu khác có các quyền tài sản theo quy định Điều 20 và quyền nhân thân theo khoản 3 Điều 19. Do đó, bất cứ cá nhân nào khi khai thác, sử dụng một hoặc một số các quyền trên phải xin phép.

TS Nguyễn Kim Quang- Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM: Cho rằng bấy lâu nay nhiều người vẫn thường sử dụng tài liệu photo, tuy nhiên về lâu dài thì phải thay đổi thói quen này. Mới nghe qua photo tài liệu mà bị phạt đình chỉ học thì có thể hơi nặng nhưng có lẽ vì là trường đào tạo luật thì nhà trường xử lý để làm gương cho vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ của người khác. Trường ĐH Luật TPHCM có thể đã phổ biến quy định từ trước mới đưa ra quyết định xử lý kỷ luật sinh viên vi phạm.

Ở nước ngoài cũng có thể được phép photo tài liệu nhưng có quy định định mức rất cụ thể. Chẳng hạn một quyển sách có thể được photo khoảng 10-20 trang theo quy định của từng trường ĐH. Riêng trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cũng thường xuyên tập huấn về quyền sở hữu trí tuệ và không cho phép sinh viên sử dụng tài liệu của người khác. Ở trường cũng xuất bản tài liệu của trường, giảng viên nhưng cũng có hình thức trợ giá để mức giá có thể còn thấp hơn cả tài liệu photo, đó là cũng giúp cho sinh viên có thể tiếp cận được. Còn với những tài liệu nước ngoài thì thư viện cho photo định mức để sinh viên không vi phạm. Nhà trường đưa ra những biện pháp với lộ trình kiểm soát như thế để sinh viên không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm