Quỹ phụ huynh năm nào cũng tranh cãi: Bao nhiêu là vừa… lòng?
(Dân trí) - "Về bản chất không có quỹ phụ huynh nhưng ban phụ huynh luôn cần kinh phí hoạt động. Cách thức đóng góp kinh phí mới là mấu chốt gây tranh cãi", cô N.T.T.C, giáo viên tại Hà Nội, nhận định.
"Quỹ phụ huynh không có vừa đủ, chỉ có vừa… lòng"
Nhận định đây là vấn đề nhạy cảm, cô N.T.T.C., giáo viên dạy ngữ văn có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm tại Hà Nội, cho rằng: Câu chuyện quỹ phụ huynh sẽ không bao giờ hết tranh cãi nếu còn tồn tại.
Theo cô C., quỹ phụ huynh gọi chính xác là kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Nguồn kinh phí này có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Điều này được quy định trong Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Do đó, về bản chất, ban phụ huynh hay bất kỳ phụ huynh nào trong một lớp học không được quyền yêu cầu đóng góp với các phụ huynh khác, cũng như không được đưa ra quy định về mức đóng góp bắt buộc.
"Nhưng thực tế diễn ra như chúng ta vẫn thấy. Một tập thể vài chục người muốn hoạt động tốt dựa trên sự tự nguyện của mỗi cá nhân thì từng cá nhân trong tập thể đó phải là những người có hiểu biết và đồng lòng, đồng sức vì một mục tiêu chung.
Ai sẵn sàng tự nguyện đóng góp tiền bạc nhiều hơn người khác chỉ để con cái họ hưởng lợi ích ngang bằng với những học sinh khác?", cô C. đặt câu hỏi.
Trước thực tế này, cô C. cho rằng, việc đóng góp tự nguyện theo khả năng để ban phụ huynh có kinh phí hoạt động là điều không khả khi.
Để thuận lợi nhất, kinh phí hoạt động sẽ chia cho đầu người ra con số bình quân - khoản tiền mà mỗi phụ huynh phải đóng góp bắt buộc. Đây là cách làm phổ biến nhất hiện nay.
"Ưu điểm của cách làm hiện nay là tất cả phụ huynh đóng góp đồng đều như nhau, con của họ có quyền lợi như nhau, tránh việc người hơn người kém dẫn đến những ưu ái, đặc quyền riêng.
Nhược điểm là không bao giờ có một con số làm hài lòng tất cả. Cùng một số tiền, với người này là ít, với người kia là nhiều.
Cho nên, không có con số nào là con số vừa đủ, chỉ có vừa lòng hay không. Đó là lý do từ năm này qua năm khác, cứ đầu năm học là chuyện quỹ phụ huynh được xới lên", cô C. phân tích.
Nên thay đổi hình thức từ đóng góp bắt buộc sang gây quỹ
Cô C. đề xuất một giải pháp xây dựng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh mà không cần quy định mức đóng góp bắt buộc, đó là gây quỹ thông qua hoạt động bán hàng, đấu giá.
"Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hội cha mẹ học sinh thường chọn cách này để có nguồn kinh phí dồi dào.
Họ có thể tổ chức một hội chợ đồ cũ quy mô nhỏ ở trường hoặc khu dân cư, thậm chí là chợ online.
Các món đồ đã qua sử dụng nhưng vẫn có giá trị được phụ huynh quyên góp cho hội chợ. Chính những phụ huynh của lớp bỏ tiền ra mua những món đồ đó. Một số có điều kiện kinh tế tốt và hào phóng có thể bỏ ra số tiền lớn hơn giá trị món đồ.
Toàn bộ tiền hàng bán được sẽ bỏ vào quỹ phụ huynh để chi trả cho các hoạt động của lớp trong năm học.
Một năm phụ huynh có thể tổ chức 2-3 lần sự kiện như thế này", cô C. chia sẻ.
Chị Mai Nhật Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, lớp con chị cũng từng tổ chức một hoạt động tương tự để gây quỹ lớp. Sự kiện tổ chức cùng với hội chợ xuân của trường.
"Thay vì trích quỹ lớp để mua đồ tham gia gian hàng hội chợ xuân, chúng tôi vận động các bố mẹ quyên góp bằng hiện vật để bán.
Rất nhiều sách cũ, giầy dép cũ được quyên góp. Rồi đồ ăn, bao lì xì, áo dài diện Tết… Kết thúc 2 tiếng hội chợ, chúng tôi thu về hơn 10 triệu tiền hàng, tương đương với 1/2 ngân sách chi tiêu của kỳ 2", chị Nhật Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Nhật Anh, để các sự kiện gây quỹ thành công, tất cả phụ huynh phải đồng lòng tham gia, mỗi người góp công góp sức vào khâu tổ chức. Nếu chỉ phó mặc cho ban phụ huynh, chương trình sẽ thất bại.
"Một người quen của tôi cũng làm trưởng ban phụ huynh, khi đưa ra đề xuất về tổ chức hoạt động gây quỹ, nhiều phụ huynh lớp con chị ấy đã xua tay nói "thôi, đóng góp cho nhanh".
Có không ít phụ huynh xem việc đóng quỹ là trách nhiệm duy nhất của họ với tập thể phụ huynh lớp. Họ chỉ cần đóng tiền là xong nhiệm vụ, việc còn lại ban phụ huynh tự lo", chị Nhật Anh bày tỏ.
Ở góc nhìn riêng, cô N.T.T.C. cho rằng chỉ khi nào phụ huynh thực sự tham gia vào các hoạt động của các con thì mới hiểu ban đại diện phải làm những gì.
"Cũng chỉ khi các phụ huynh thực sự tham gia vào các hoạt động giáo dục lẫn ngoại khóa của con mình, ban phụ huynh mới có thể "giải tán"", cô C. nói.
Điều 10 Thông tư 55 quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như sau:
"Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp;
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường".
Về quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh, Thông tư 55 quy định Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu và chỉ sử dụng khi toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí và không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.