Quy định xét tiêu chuẩn GS,PGS mới: Quan trọng nhất là Hội đồng công minh
(Dân trí) - Quy định 37/2018 về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS mới vừa được Thủ tướng ban hành đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quan trọng nhất vẫn là sự công minh của những người trong hội đồng xét duyệt.
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận xét, quy định 37/2018, xét tiêu chuẩn GS,PGS cao hơn so với tiêu chuẩn cũ vì đã được bàn thảo rất kỹ trong 2 năm qua. “Tôi nghĩ các ứng viên sẽ đáp ứng được các yêu cầu theo quy định bởi tiêu chuẩn này đã sát thực tế”.
Tuy nhiên, đối với việc công khai hồ sơ, GS Hoa băn khoăn cho rằng, như vậy có áp đặt quá không khi trên thế giới không bao giờ công khai hồ sơ của ứng viên GS,PGS. Đây là danh hiệu mà ứng viên muốn đăng ký cao hơn, nếu không được mà công khai hồ sơ của người ta, đó là sự áp đặt, không nên thực hiện. Đối với học sinh, hiện nay cũng chỉ công bố điểm chứ không công bố hồ sơ, trong khi các ứng viên GS,PGS là những người thầy, cần phải được bảo vệ.
“Chúng ta không nên nhìn một chiều. Công khai hồ sơ là không nên. Tôi nghĩ cần phải có bảo mật thông tin cho ứng viên. Quan trọng nhất vẫn là hội đồng công minh. Tuy nhiên, không có cái gì tồn tại một cách hoàn thiện được. Cứ phải làm dần dần để hoàn chỉnh thêm” - GS Hoa nhấn mạnh.
Theo Quy định 37/2018, về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS mới thì chuẩn đã cao lên so với quy định cũ rất nhiều, tổng điểm quy đổi đã tăng gấp đôi. Đặc biệt bắt buộc các ứng viên có bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín.
Quy định lần này hướng đến thực chất và chất lượng, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tài năng phát triển nhanh, coi trọng hoạt động nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học có uy tín. Cho phép các tiêu chuẩn của ứng viên có thể bị thiếu một phần nhưng sự chuyển đổi chỉ có thể thay bằng bài báo khoa học quốc tế uy tín. Đồng thời, khắc phục được tình trạng một số nhà khoa học xuất sắc chỉ vì thiếu định mức vài chục giờ giảng hoặc mấy tháng thâm niên đào tạo… mà bị loại, không đạt chuẩn.
Ở hội đồng ngành, liên ngành, sau khi thẩm định hồ sơ, tất cả các thành viên hội đồng đều phải viết phiếu nhận xét, đánh giá công khai, nêu rõ điểm mạnh, điểm yếu về chuyên môn của ứng viên và kết luận ứng viên có đủ hoặc không đủ điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Chọn người nào vào hội đồng mới quan trọng
PGS.TS Phan Quang Thế, trường ĐH Kỹ thuật Thái Nguyên cho biết, quy định mới về tiêu chuẩn GS,PGS mới ban hành rất khắt khe, chặt chẽ hơn quy định cũ. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là con người. Trách nhiệm của con người thực thi quy định, luật pháp mới là quan trọng.
PGS Thế cho rằng, việc chọn người vào hội đồng mới quan trọng. Tiêu chí chọn người như thế nào? (công trình của người làm hội đồng có cùng và gần giống với ứng viên không), có giỏi tiếng Anh không? Ví dụ: Tại hội đồng cơ sở, cứ PGS là được mời vào hội đồng. Do đó, cần phải có chuẩn hội đồng từ cơ sở đến hội đồng ngành và phải có quy chế làm việc công khai, minh bạch. Người làm sai phải chịu trách nhiệm.
Trong quy định mới, tiêu chuẩn đối với các thành viên hội đồng giáo sư đã có thay đổi lớn nhằm đến sự dân chủ và công bằng trong sinh hoạt học thuật giữa tất cả các đối tượng.
Cụ thể, yêu cầu thành viên hội đồng phải có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 (năm) gần đây.
Bên cạnh đó, cách tổ chức các hội đồng trong quy định mới cũng có sự đổi mới, không cố định suốt nhiệm kỳ 5 năm, mà có thể được điều chỉnh hàng năm, phù hợp yêu cầu thực tế.
Theo quy định mới, chức năng nhiệm vụ của các Hội đồng có sự phân khúc, phân công trách nhiệm rõ ràng và tập trung hơn. Ví dụ đối với quy trình xét công nhận đạt chuẩn, hội đồng cơ sở tập trung thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; thâm niên và các kết quả đào tạo; kiểm đếm các kết quả nghiên cứu khoa học; Hội đồng ngành, liên ngành tập trung xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành.
Nhật Hồng