Quảng Ninh: Sở GD&ĐT lên tiếng vụ 51 học sinh khá, giỏi trường THPT chuyên bỗng chốc “bơ vơ”

(Dân trí) - Liên quan đến vụ 51 học sinh lớp 10 thuộc trường THPT Chuyên Hạ Long đều có học lực khá, giỏi và hạnh kiểm tốt nhưng sau kỳ kiểm tra năng lực sẽ phải rời khỏi trường khiến học sinh hoang mang, phụ huynh bức xúc, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã chính thức lên tiếng.


Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh).

Trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh).

Ban hành qui định “xé rào” để tạo bước đột phá, xứng tầm đầu tư…

Lý giải về quyết định “”xé rào” khiến học sinh hoang mang, phụ huynh bức xúc, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chỉ là muốn tạo bước đột phá, đổi mới để nâng cao chất lượng, xứng tầm đầu tư.

Cụ thể trao đổi với phóng viên Dân trí tối ngày 1/6, ông Đinh Ngọc Sơn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, do Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT có từ năm 2012 nhưng suốt nhiều năm qua chưa có bất cứ học sinh nào bị ra khỏi lớp chuyên theo Thông tư này. Trong khi tỉnh đầu tư cho trường Chuyên này quá lớn như: hỗ trợ kinh phí học tập bằng 5 lần mức hỗ trợ theo qui định, hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng cho học sinh có hộ khẩu thường trú ngoài địa bàn thành phố, giao thêm kinh phí dự phòng bằng 10% quĩ lương trong dự toán chi thường xuyên hàng năm, hỗ trợ kinh phí tương đương 260 lần mức lương cơ sở/môn/năm cho công tác bồi dưỡng, tập huấn, đội tuyển…mà chất lượng học sinh lại chưa xứng với sự quan tâm này. Do đó quyết định 519 ra đời.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có phải do Thông tư 06 của Bộ GD&ĐT có nhiều bất cập nên Sở đã ra quyết định 519 hay không thì ông Sơn khẳng định, Thông tư 06 không có gì bất cập, chỉ là Sở muốn sàng lọc mạnh hơn để học sinh nhận thức tốt hơn, cố gắng học tập hơn.

Cũng theo ông Sơn, để ra quyết định 519, Sở đã phải bàn bạc rất kỹ, rất sâu… Thậm chí do lường trước được phản ứng của phụ huynh và tâm lý của học sinh nên trước khi ban hành đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của phụ huynh, học sinh, giáo viên…và tất cả đều đồng thuận.

Ông Sơn cũng thừa nhận 51 học sinh bị loại trong cuộc kiểm tra năng lực đều là học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên do khi vào trường chọn năng khiếu theo môn thì bắt buộc phải học tốt môn đã chọn.

Ra khỏi lớp chuyên chứ đâu phải đã ra khỏi trường…

Mặc dù khẳng định quyết định 519 là cần thiết nhưng ông Sơn cũng phải thừa nhận, việc kiểm tra năng lực cũng có thể xảy ra tình trạng "học tài, thi phận"; tâm lý học sinh thời điểm thi không tốt nên có rủi ro, không may mắn…Chưa kể sau khi không đạt yêu cầu, học sinh sẽ có sự thay đổi về tâm lý.

Ông Sơn cũng cho biết, việc quyết định 519 của Sở lẽ ra phải được ban hành vào thời điểm sớm hơn ngay khi đang chuẩn bị kỳ thi đầu vào để học sinh và phụ huynh có sự lựa chọn thi hay không thi vào trường chuyên. Tuy nhiên chính vì ban hành muộn nên có thể coi đây như một bước thí điểm để năm sau sẽ siết chặt hơn. Vì thế, cả 51 học sinh không đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra năng lực trên, trong đó có 22 học sinh không đủ điều kiện vẫn được tham dự kỳ thi tuyển đầu vào vào ngày 19/7 sắp tới cùng với các học sinh khác.

“Đây chỉ là thao tác nhằm chấn chỉnh chứ chỉ tiêu kỳ thi tuyển đầu vào lần này có tới 76 chỉ tiêu. Như vậy cũng là tạo điều kiện tối đa cho học sinh rồi. Còn nếu qua cả hai kỳ thi vẫn không đạt thì có nghĩa là học sinh đó không đủ năng lực”, ông Sơn nói.

Về vấn đề sàng lọc học sinh nhưng có siết chặt đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng hay không, ông Sơn cho biết, Sở tiến tới sẽ có biện pháp sàng lọc giáo viên tại trường Chuyên để sao cho đội ngũ giáo viên tại trường này phải giỏi về chuyên môn, năng lực và giàu kinh nghiệm.

An Nhiên