Quảng Nam: Chi hơn 115 tỉ đồng hỗ trợ học sinh miền núi, khuyết tật

(Dân trí) - Số tiền này được ngân sách tỉnh chi 100% trong giai đoạn 2019-2021 cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; học sinh khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ từ Trung ương.

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX diễn ra từ ngày 4-6/12, 100% đại biểu dự kỳ họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hỗ trợ này.

Dự trữ lương thực cho học sinh miền núi Tây Giang trong mùa mưa lũ. Các em học sinh dân tộc ở huyện miền núi Tây Giang được hỗ trợ từ chính sách của Trung ương và tỉnh
Dự trữ lương thực cho học sinh miền núi Tây Giang trong mùa mưa lũ. Các em học sinh dân tộc ở huyện miền núi Tây Giang được hỗ trợ từ chính sách của Trung ương và tỉnh

Theo đó, đối tượng áp dụng là trẻ em mầm non là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các cơ sở giáo dục không hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ; trẻ em mầm non là người khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non là con của gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các cơ sở giáo dục không được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; học sinh phổ thông là người khuyết tật con của gia đình không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đang học cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nằm trong diện đăng ký và đã thoát khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo chính sách hỗ trợ này, trẻ em mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% lương cơ sở/trẻ/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Trường hợp trẻ mầm non thuộc cả 2 đối tượng nêu trên thì chỉ được hưởng 1 mức theo quy định.

Học sinh phổ thông (không áp dụng đối với học sinh đang theo học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú) được hỗ trợ tiền ăn bằng 20% lương cơ sở/học sinh/tháng; hỗ trợ chi phí học tập với mức 120.000 đồng/học sinh/năm học. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ học bổng chính sách mỗi tháng bằng 100% mức tiền lương cơ sở/tháng/người; hỗ trợ mỗi năm một lần tiền đi lại từ nơi học về gia đình và ngược lại mức 300.000 đồng/năm/người đối với học sinh, sinh viên ở các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mức 200.000 đồng/năm/người đối với các đối tượng còn lại. Thời gian hỗ trợ từ khi thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo cho đến khi kết thúc khóa học.

Kinh phí này do ngân sách tỉnh đảm bảo 100%. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện cho giai đoạn 2019-2021 khoảng hơn 115 tỉ đồng.

C.Bính