Quán quân Olympia 2018 kể về du học Úc: "Có lúc tôi hoài nghi chính mình"

CTV

(Dân trí) - Từng giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2018, Nguyễn Hoàng Cường được biết đến bởi thành tích học tập nổi bật. Nhưng ít ai biết rằng, hành trình du học của Cường tại Úc cũng lắm gian nan.

Khởi đầu không ngờ tới trên đất Úc

Tháng 9/2018, vượt qua các đối thủ nặng ký là Lê Thanh Tân Nhật (THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), Chu Quang Trường (THPT Nguyễn Chí Thanh, TPHCM) và Nguyễn Hữu Quang Nhật (THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng), Nguyễn Hoàng Cường đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế trong trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm 2018.

Quán quân Olympia 2018 kể về du học Úc: Có lúc tôi hoài nghi chính mình - 1

Nguyễn Hoàng Cường - nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2018 (Ảnh: Mai Châm).

Tháng 2/2020, cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh) này đặt chân đến Melbourne, Úc để bắt đầu hành trình du học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Swinburne.

Điều không ai nghĩ tới đã xảy đến, chỉ một tháng sau, biên giới Úc đóng cửa vì dịch Covid-19, Melbourne thực hiện lệnh giãn cách trong thành phố. Hơn một năm rưỡi đầu tiên ở Úc, Hoàng Cường gần như không được bước chân đến giảng đường. Thành phố nơi anh theo học liên tục phong tỏa khiến toàn bộ quá trình học tập phải diễn ra trực tuyến.

"Không được đến trường, không gặp thầy cô hay bạn bè, mọi việc đều phải tự xoay xở trong giai đoạn giãn cách xã hội", Cường nhớ lại. Môi trường học ở Úc vốn đã yêu cầu cao về khả năng tự học và nghiên cứu độc lập, nên việc phải thích nghi với cách học này trong điều kiện giãn cách càng khiến áp lực đè nặng hơn.

Điều giúp Cường vượt qua giai đoạn này chính là sự chủ động. "Mình chủ động liên hệ thầy cô khi cần hỗ trợ, kết nối với bạn bè trong lớp để học nhóm từ xa, tìm hiểu thông tin về nước Úc để có thể thích nghi trước những thách thức của thời kỳ đó", Cường chia sẻ.

May mắn thay, sự đồng hành tinh thần từ gia đình và bạn bè ở Việt Nam chính là điểm tựa giúp anh vững vàng. "Nhờ giữ liên lạc thường xuyên với người thân, mình có thể cân bằng lại cảm xúc trong giai đoạn cô lập đó."

Phía sau hình ảnh du học "lung linh"

So với nhiều bạn cùng khóa, Cường thừa nhận mình may mắn hơn khi được học bổng toàn phần, ít phải lo gánh nặng tài chính. Tuy nhiên, anh vẫn thấu hiểu những khó khăn mà bạn bè mình phải đối mặt. Anh từng chứng kiến nhiều du học sinh phải làm những công việc nặng nhọc như dọn vệ sinh, phụ bếp để tiết kiệm từng đồng.

Ngay cả khi đã tốt nghiệp, hành trình tìm kiếm một công việc phù hợp cũng chẳng dễ dàng. Hầu hết du học sinh chỉ có khoảng hai năm theo diện visa để ở lại Úc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.

Với thời gian hạn chế như vậy, việc cạnh tranh với sinh viên bản xứ - vốn không gặp rào cản pháp lý - là một thách thức không nhỏ.

"Các nhà tuyển dụng thường ưu tiên ứng viên có thể gắn bó lâu dài, trong khi sinh viên quốc tế như bọn mình phải chạy đua với thời gian để chứng minh năng lực và tìm cơ hội chuyển đổi visa", Cường chia sẻ thêm.

Khi bắt đầu hành trình du học tại Úc, Hoàng Cường không có định hướng cụ thể về ngành học. Ban đầu, anh không nghĩ mình sẽ học Khoa học máy tính, bởi đây là một ngành hoàn toàn mới lạ đối với anh, nhưng chính sự thuyết phục của các thầy cô từ Đại học Swinburne đã giúp anh quyết định chọn ngành này.

Quán quân Olympia 2018 kể về du học Úc: Có lúc tôi hoài nghi chính mình - 2

Áp lực từng khiến Hoàng Cường stress trong một thời gian dài (Ảnh: NVCC).

Đi du học với danh xưng "quán quân Olympia", Cường đối mặt với những kỳ vọng rất lớn, cả từ người khác lẫn chính bản thân. Thế nhưng, môi trường đại học quốc tế khiến anh nhận ra rằng tài năng không phải là điều hiếm.

"Xung quanh mình là rất nhiều người giỏi. Họ có điểm số gần như tuyệt đối, từng thực tập ở các công ty lớn, có kinh nghiệm lập trình từ thời phổ thông... Do đó, có những thời điểm, tôi cảm thấy hoài nghi về chính mình", Cường thừa nhận.

Sự tự ti kéo dài cho đến khi một người bạn bản xứ nói với Cường: "Cậu đang áp lực vì không đạt điểm tối đa, nhưng mình đang chứng kiến nhiều người thi trượt liên tục. Không ai bắt cậu phải luôn là người giỏi nhất".

Câu nói ấy đã khiến Cường thức tỉnh. Anh nhận ra, giá trị của mỗi người không nằm ở việc luôn dẫn đầu, mà là ở khả năng nỗ lực, kiên trì và biết trân trọng chính mình.

"Mình học cách buông bỏ áp lực phải hoàn hảo, và bắt đầu nhìn nhận bản thân bằng sự bao dung hơn. Từ đó, mọi thứ dần trở nên nhẹ nhàng hơn", anh nói.

Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân ngành Khoa học máy tính tại Đại học Swinburne, Hoàng Cường tiếp tục theo học một năm "danh dự" - chương trình chỉ dành cho những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, muốn thực hiện nghiên cứu chuyên sâu trước khi bước vào bậc sau đại học như Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ.

"Chương trình danh dự là cơ hội để mình tiếp cận với nghiên cứu bài bản, làm quen với cách tư duy phản biện và học cách đặt ra những câu hỏi lớn hơn. Điều đó giúp mình hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình theo đuổi, đồng thời kiểm nghiệm xem bản thân có phù hợp với môi trường học thuật lâu dài hay không.

Mình thấy bản thân may mắn vì được học bổng toàn phần cho cả năm này - điều không phải sinh viên quốc tế nào cũng có được", Cường chia sẻ.

Quán quân Olympia 2018 kể về du học Úc: Có lúc tôi hoài nghi chính mình - 3

Nguyễn Hoàng Cường trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Swinburne, năm 2024 (Ảnh: NVCC).

Lời nhắn gửi tới những bạn trẻ đang mơ ước du học

Sau hành trình cử nhân danh dự tại Đại học Swinburne, Nguyễn Hoàng Cường mang về nhiều hơn một tấm bằng loại ưu. Điều quý giá hơn cả là những trải nghiệm thực tế đã giúp anh trưởng thành và nhìn nhận rõ hơn về hành trình du học - điều mà anh mong những người đi sau có thể hiểu một cách đầy đủ, trước khi đưa ra lựa chọn của mình.

"Mình nghĩ điều quan trọng nhất trước khi đi du học là phải xác định rõ: Mình đi để làm gì? Vì đam mê, vì mở rộng cơ hội nghề nghiệp, hay chỉ vì… muốn có trải nghiệm sống ở nước ngoài?", Cường nói.

"Du học không chỉ là giấc mơ lung linh qua những bức ảnh check-in. Đó là chuỗi ngày đối mặt với những thử thách cả trong học tập lẫn cuộc sống - từ chuyện nhà ở, làm thêm, đến sự cô đơn và áp lực hòa nhập", Cường chia sẻ.

Bởi vậy, anh luôn nhấn mạnh, hành trang quan trọng nhất trước khi ra nước ngoài không phải là vali đầy đồ, mà là tâm thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn và tinh thần chủ động thích nghi.

Hoàng Cường gợi ý các bạn trẻ nên tìm hiểu thật kỹ từ những anh chị đi trước - đặc biệt là những người học cùng ngành, cùng quốc gia - để có cái nhìn thực tế về chương trình học, cuộc sống và cơ hội việc làm. Anh cũng khuyến khích việc chủ động giao lưu với bạn bè quốc tế, đặc biệt là người bản xứ.

"Việc mở lòng với những người đến từ nền văn hóa khác không chỉ giúp bạn cải thiện ngoại ngữ, mà còn có thể mang lại cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Biết đâu người bạn cùng lớp hôm nay, vài năm sau lại chính là đồng nghiệp, hay thậm chí là bạn đồng sáng lập một start-up với bạn thì sao", Hoàng Cường khẳng định.

Mai Phương