Quản lý giáo dục đào tạo nghề: Hai bộ "giành" nhau chuẩn bị một thông tư

Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ được thông qua vào tháng 7.2015. Do chưa “ngã ngũ” bộ nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nên cả hai bộ LĐTBXH và GDĐT đang lâm vào tình huống khá khó xử: Hai bộ đều đưa lên mạng lấy ý kiến với cùng một nội dung dự thảo thông tư.

Quản lý đào tạo nghề vẫn chưa “ngã ngũ” thuộc về bộ nào. Ảnh: Hải Nguyễn

Quản lý đào tạo nghề vẫn chưa “ngã ngũ” thuộc về bộ nào. Ảnh: Hải Nguyễn

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp dự thảo thông tư “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường CĐ, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp” hôm 10/2.

Đến 17.3, Bộ GDĐT cũng đưa lên mạng lấy ý kiến một dự thảo thông tư nguyên văn như trên. Điều đáng nói là theo dự thảo thông tư của Bộ GDĐT, thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường CĐ thuộc Bộ trưởng Bộ GDĐT, còn dự thảo thông tư của Bộ LĐTBXH cũng khẳng định thẩm quyền này là của… Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.

Trao đổi với Báo Lao Động chiều 9.4, ông Nguyễn Văn Áng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GDĐT) - cho biết, theo quy định, việc lấy ý kiến dự thảo thông tư này được thực hiện trong 45 ngày. Sau đó, bộ sẽ tổng hợp, xem xét các ý kiến đóng góp, bổ sung điều chỉnh dự thảo thông tư để trình lãnh đạo bộ.

Khi được hỏi có lãng phí hay không khi chưa rõ thẩm quyền quản lý nhà nước các trường CĐ đào tạo nghề thuộc về bộ nào cho đến khi được Quốc hội thông qua, ông Áng cho hay: “Hoàn toàn không lãng phí, dù Chính phủ có giao nhiệm vụ cho bộ nào thì cũng đều phải xây dựng thông tư này. Hiện nay, quản lý nhà nước ở cấp trung ương đối với các trường CĐ vẫn thuộc Bộ GDĐT, nên việc làm này là hoàn toàn đúng trách nhiệm, thực hiện đúng phạm vi, quyền hạn của bộ theo Nghị định số 32/2008/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời cũng là công việc thực hiện Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp”.

Trước đó, ngày 6.4, Bộ GDĐT có văn bản số 1604 do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký gửi Bộ LĐTBXH về việc góp ý dự thảo nghị định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn Điều 100 của Luật Giáo dục để góp ý: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục. Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện quản lý về giáo dục theo thẩm quyền...

Với căn cứ này, dự thảo nghị định quy định cụ thể “Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý nhà nước về GD nghề nghiệp” khi chưa có sự thống nhất giao nhiệm vụ của Chính phủ là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, quy định của Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục
nghề nghiệp và chưa đủ cơ sở pháp lý.

Cùng ngày, trao đổi với Lao Động, ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) - cho biết, ngày 30.3.2015 Bộ LĐTBXH đã có văn bản số 23 báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Xét cơ sở khoa học và thực tiễn, Bộ LĐTBXH cũng là cơ quan phù hợp nhất quản lý lĩnh vực này.

Cũng theo ông Sâm, trong cuộc họp thẩm định nghị định quản lý nhà nước về dạy nghề diễn ra sáng 9.4.2015, đại diện đa số bộ ngành đều đồng thuận giao việc quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ LĐTBXH.
Theo Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm