Quả Cầu Vàng của Tiến sĩ 30 tuổi
30 tuổi, gia tài lớn nhất của TS Nguyễn Hoàng Chinh là 37 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.
Trong số 10 gương mặt được trao giải thưởng Quả Cầu Vàng 2020, chàng giảng viên sinh năm 1990 của trường ĐH Tôn Đức Thắng là người trẻ nhất.
Quê ở Châu Thành, gia đình TS Chinh sống trên cù lao Cồn Chim trên sông Cổ Chiên, ngăn cách giữa hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre. Cách biệt về không gian khiến đời sống của người dân tại đây gặp khá nhiều khó khăn.
Không đường, không cả điện lưới, thời học sinh của Nguyễn Hoàng Chinh là những ngày vất vả đến trường và ôn bài trong ánh đèn dầu. Người dân ở cù lao sống nhờ hoàn toàn nhờ nông nghiệp.
"Vì thấy gia đình và bà con quá vất vả với nghề nông, mà không làm nông cũng không biết làm gì. Tôi thi vào ngành Sinh học vì yêu thích và quyết tâm dùng kiến thức chuyên ngành để có thể làm gì đó cho nông nghiệp và đời sống ở quê mình".
Năm 2009, Nguyễn Hoàng Chinh trúng tuyển Khóa 12 ngành Công nghệ Sinh học (Khoa Khoa học ứng dụng) trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Năm 2013, anh tốt nghiệp loại Giỏi và được giữ lại công tác. Kỉ niệm đáng nhớ nhất với Chinh là đại diện toàn thể sinh viên phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường.
Trong bài phát biểu năm đó, chàng trai này nhấn mạnh: "Việc học tập sẽ không bao giờ ngừng lại với những người theo đuổi con đường nghiên cứu. Tri thức sẽ dẫn đường để chúng ta tự hoàn thiện mỗi ngày và cống hiến cho xã hội".
Năm 2014, Nguyễn Hoàng Chinh được cấp học bổng bậc Cao học tại Đài Loan (TQ) và hoàn thành Thạc sỹ ngành Sinh học tại đây. Nhờ những thành tích học tập nổi bật, chàng trai quê Trà Vinh được trao giải "Travel Grant Award" (MOST-107- 2922-I-011-086) của Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan.
Hiện nay anh là nghiên cứu viên và cũng là giảng viên trẻ nhất của Khoa Khoa học ứng dụng và tham gia vào 2 nhóm nghiên cứu trọng điểm của Khoa là "Nhóm nghiên cứu tính toán và thiết kế Hóa - Sinh Nano và "Sản phẩm tự nhiên và hóa sinh công nghiệp".
Chinh cũng là thành viên của "Nhóm chiết xuất các hợp chất sinh học và ứng dụng" với đối tượng nghiên cứu đa bội chồi non trong ống nghiệm, các hiệu ứng của Elicitors trên sự sản xuất chất chuyển hóa thứ cấp, sàn lọc trên mô phỏng máy tính.
Điểm nổi bật của Nguyễn Hoàng Chinh là "gia tài đồ sộ" 37 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, nhiều hơn cả số tuổi 30 của mình. Trong số này có 15 bài thuộc danh mục Q1 (11 bài là tác giả chính), 5 bài thuộc danh mục Q2 (2 bài là tác giả chính), 10 bài thuộc danh mục Q3 (6 bài là tác giả chính) và 7 bài thuộc danh mục Q4 (3 bài là tác giả chính).
Với thành tích nghiên cứu xuất sắc, TS. Chinh đã được mời tham gia phản biện (Reviewer) cho 16 tạp chí ISI của 7 nhà xuất bản lớn trên thế giới như: Nature, Elsevier, Springer, Wiley, SAGE, Taylor & Francis và American Chemical Society.
"Lúc học tại Đài Loan, tôi nhận thấy điều kiện nghiện cứu ở trong nước còn khá nhiều khó khăn. Lúc đó tôi tâm nguyện khi về nước sẽ tham gia sâu hơn và phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Đây là giai đoạn rất quan trọng để gieo vào mỗi bạn trẻ lòng đam mê và nhiệt huyết với nghiên cứu, giúp họ có thêm nhiều động lực và xác định rõ đường đi cho tương lai", Nguyễn Hoàng Chinh tâm sự.
Ở Khoa Khoa học ứng dụng, Chinh tập hợp và tổ chức, hỗ trợ các nhóm sinh viên nghiên cứu về sinh học ứng dụng trong nông nghiệp. Thông qua các mối quan hệ, anh cũng tìm cách kết nối để giúp sinh viên trong khoa tiếp cận các nhóm học bổng ở nước ngoài, như cách anh từng được các giảng viên giúp đỡ lúc còn là sinh viên.
Các nhóm nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Chinh và sinh viên tập trung vào tổng hợp các dạng năng lượng sinh học, các hợp chất tự nhiên thân thiện với môi trường để ứng dụng vào nông nghiệp.
Nói về công việc hiện tại, TS Nguyễn Hoàng Chinh tâm sự: "Khi nhìn và hỗ trợ các bạn sinh viên say mê làm việc trong phòng thí nghiệm, mình cũng thấy lại thời sinh viên của mình được các thầy cô chỉ bảo.
Đây cũng là hướng đi tương lai của mình, bên cạnh theo đuổi học thuật và nghiên cứu sâu hơn về công nghệ sinh học, theo định hướng phát triển Đại học nghiên cứu của trường".