Bắc Giang mở Đại hội Khuyến học tỉnh lần thứ II:

Phương hướng, nhiệm vụ của Hội Khuyến học nhiệm kỳ 2005 – 2010

(Dân trí) - Hôm nay, Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2005 – 2010 được tổ chức. Đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng, đó là: kiểm điểm, đánh giá những ưu điểm, kết quả đã đạt được; những khuyết điểm, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2005 – 2010.

Đại hội còn có nhiệm vụ bầu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ mới. Chủ đề của Đại hội lần này là: “Phát huy vai trò của Hội Khuyến học các cấp, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, xây dựng xã hội học tập, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước”.

 

Phong trào khuyến học phát triển mẽ

 

Do được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức và phong trào khuyến học trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở các địa phương, cơ sở. Đến nay, 10/10 huyện, thị xã; 229/229 xã, phường, thị trấn; 1.428 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, huyện, thị xã; 1.921/2.391 thôn, bản, cụm dân cư; 3.257 dòng họ đã thành lập tổ chức Hội và có các hoạt động khuyến học, khuyến tài, với trên 105.000 hội viên tham gia (tăng gấp gần 2 lần so với năm 2000), trong đó có gần 15 ngàn cán bộ của các cấp Hội; có gần 64 ngàn gia đình hiếu học.

 

Hoạt động của các cấp Hội ngày càng đạt kết quả, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển giáo dục & đào tạo; kịp thời động viên, khuyến khích học sinh tích cực học tập, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi. Qua theo dõi có 184/229 xã, phường, thị trấn; 1.287/1.428 cơ quan, đơn vị; 1.441/1.921 thôn, bản, cụm dân cư và 2.735/3.257 dòng họ duy trì hoạt động khuyến học có hiệu quả. Các huyện có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng tổ chức Hội các cấp là: Việt Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Yên Dũng, Sơn Đông, Lục Nam và thị xã Bắc Giang.

 

Trong nhiệm kỳ, Hội Khuyến học tỉnh đã thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo..., tổ chức tập huấn cho 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học các xã, phường, thị trấn về nghiệp vụ hoạt động khuyến học cơ sở; xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ); tư vấn, giúp đỡ và cung cấp tài liệu cho các chương trình về giáo dục & đào tạo, nhằm giúp cơ sở đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, từng bước xây dựng một xã hội học tập.

 

Thông qua các TTHTCĐ đã mở trên 3 nghìn lớp học tại các trung tâm, phục vụ cho hàng trăm nghìn lượt người tham gia học tập, qua đó đã góp phần tích cực giúp người dân ở cơ sở tự học tập, nâng cao nhận thức của người lao động về pháp luật, hiểu biết hơn về kỹ thuật sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Thông qua một số chủ đề, chuyên đề sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt..., đã giúp nhân dân xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong quá trình hoạt động, Hội Khuyến học tỉnh cũng đã thường xuyên quan tâm phối hợp cùng ngành giáo dục đào tạo tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm về hoạt động của TTHTCĐ ở cơ sở.

 

Tháng 8/2004, Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, phối hợp với T.Ư Hội Khuyến học VN tổ chức Hội nghị giao ban 27 tỉnh, thành phố phía Bắc để bàn việc tổ chức Đại hội Hội Khuyến học các cấp trong năm 2005 và đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Hội Khuyến học. Tại Hội nghị, Hội Khuyến học tỉnh Bắc Giang được TW Hội Khuyến học VN đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trong cả nước.

 

Các cấp Hội đã thường xuyên vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp, ủng hộ, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, qua các hoạt động đã góp phần xoá bỏ được tình trạng học ca 3 ở hầu hết các địa phương; số phòng học được kiên cố tăng nhanh. Đến nay, đã có 58,5% số phòng học được kiên cố hoá; nhiều địa phương đang phấn đấu đến hết năm 2005 có 100% phòng học được xây dựng kiên cố. Đồng thời, đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân chăm lo xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở địa phương, cơ sở mình.

 

Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo, T.Ư Hội Khuyến học  VN về việc “đưa học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú làm nhiệm vụ xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc ngay trên địa bàn thôn, bản, làng, xã mình”, qua các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho đồng bào dân tộc, phục vụ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xoá đói, giảm nghèo, xoá bỏ các tập quán lạc hậu của đồng bào các dân tộc.

 

Thực hiện Kết luận Hội nghị T.Ư 6 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư (khoá VIII) và Kế hoạch của Tỉnh uỷ thực hiện Kết luận T.Ư 6 (khoá IX) về giáo dục & đào tạo; Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện đến năm 2005 và năm 2010. Nhiều Hội Khuyến học các huyện, thị xã đã xây dựng chương trình, kế hoạch ở cấp mình để triển khai thực hiện có hiệu quả.

 

Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã thăm hỏi trên 20 nghìn lượt thầy cô giáo, với số tiền gần 700 triệu đồng; khen thưởng cho hơn 450 nghìn lượt học sinh, với số tiền là gần 10 tỷ đồng. Hội Khuyến học tỉnh đã khen thưởng và hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân 1,1 tỷ đồng, 31 máy vi tính, 1 máy in, hàng chục nghìn cuốn sách vào thư viện của các trường tiểu học và trung học cơ sở... Các chi Hội Khuyến học của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, thị xã, các trường học, hàng năm đã tổ chức tốt việc gặp mặt, động viên khen thưởng cho con em cán bộ, công nhân viên của đơn vị có thành tích xuất sắc trong học tập.

 

Các trung tâm học tập cộng đồâng được chú trọng

 

Với nhiều hình thức huy động các nguồn lực, đến nay toàn tỉnh có 214/229 xã, phường, thị  trấn có TTHTCĐ, tăng 189 TTHTCĐ so với năm 2000 (còn 15 xã thuộc huyện Sơn Đông chưa có TTHTCĐ). Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình dự án “Trường trung học phổ thông kỹ thuật dân lập”, nhằm tư vấn, giúp đỡ các địa phương xây dựng, phát triển mô hình trường trung học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.

 

Các cấp Hội thường xuyên quan tâm, xây dựng và phát triển quỹ Hội thông qua nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú để vận động các tập thể, cá nhân đóng góp, ủng hộ như: Vận động mỗi cán bộ, công nhân viên tham gia ủng hộ một ngày công lao động; mỗi khâu làm nông nghiệp ủng hộ 1kg thóc/năm; mở các đợt xổ số khuyến học để gây quỹ; vận động các doanh nghiệp, người hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng quỹ... Do đó, việc xây dựng quỹ khuyến học từ tỉnh đến các địa phương, cơ quan, cơ sở, các dòng họ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 

Đã huy động được vào quỹ khuyến học của toàn tỉnh gần 10 tỷ đồng, trong đó: của tỉnh, huyện là 1,5 tỷ đồng; của xã, phường, thị trấn là 2,1 tỷ đồng; của thôn, bản, cụm dân cư là 2,4 tỷ đồng; của dòng họ là 4,0 tỷ đồng. Việc sử dụng quỹ Hội ở các cấp nhìn chung bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng đối tượng theo quy định.

 

Phong trào gia đình hiếu học từ chỗ phát triển tự phát ở một vài địa phương, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp của Hội Khuyến học ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 64 nghìn gia đình hiếu học, tăng 34 nghìn so với năm 2000. Những huyện có nhiều gia đình hiếu học là: Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hoà, Lạng Giang, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Ngạn.

 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.257 dòng họ khuyến học, tăng 1.900 dòng họ so với năm 2000. Các huyện có nhiều dòng họ khuyến học là: Việt Yên, Hiệp Hoà, Yên Thế, Yên Dũng, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn.

 

Những dòng họ khuyến học tiêu biểu là:

 

- Dòng họ Đào, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên: Luôn động viên con cháu đến lớp đúng độ tuổi, không có cháu nào bỏ học, lưu ban, các con, cháu trong dòng họ luôn phấn đấu rèn luyện và học tập tốt, có hàng chục cháu đỗ đại học. Đã khen thưởng nhiều cháu học tập tốt, giúp đỡ những gia đình khó khăn trong dòng họ để cho con, cháu học tập; khen thưởng nhiều giáo viên trong dòng họ có thành tích dạy tốt. Dòng họ đã góp phần tích cực vào công tác khuyến học ở xã và ở cụm dân phố.

 

- Dòng họ Nguyễn Quang, làng Đạo Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên: Đã chăm sóc, giáo dục các con cháu để các cháu học tập tốt. 100% con cháu đi học, trong đó, có gần 40% là học sinh giỏi; dòng họ có 1 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ, cử nhân...

 

- Dòng họ Trần, thôn Phúc Thành, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn: Luôn phát huy đoàn kết trong dòng họ, vận động trong dòng họ chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, giúp nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế, không có hộ đói nghèo, luôn quan tâm đến học tập của các thànhviên trong dòng họ, 100% số hộ trong dòng họ là hội viên Hội Khuyến học ở cơ sở.

 

- Dòng họ Phùng, thôn Dĩnh Xuyên, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang: Luôn tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế xã hội của thôn, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở thôn, chăm lo con cháu học tập tiến bộ, không có con cháu mắc các tệ nạn xã hội. Từ năm 2000 đến nay, có 10 cháu học giỏi cấp huyện, 6 cháu cấp tỉnh, trên 100 cháu là học sinh tiên tiến xuất sắc, 150 cháu học khá, 30 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

 

- Dòng họ Phạm, thôn Dẫm Chùa, xã Bắc Lũng, huyện Lục Ngạn: Chủ yếu là làm nông nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng luôn là tấm gương tốt về giữ gìn đoàn kết trong dòng họ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Dòng họ rất quan tâm đến việc học tập của con cháu. Con cháu trong dòng họ chăm ngoan, học giỏi, hàng năm thi đỗ cao vào các trường đại học. Dòng họ tích cực tham gia các nhiệm vụ ở địa phương và công tác khuyến học ở thôn, xã.

 

Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện nhiệm kỳ 2005 – 2010

 

Nhiệm kỳ 2005 – 2010 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục & đào tạo của tỉnh nói chung và công tác khuyến học nói riêng. Xuất phát nhiệm vụ chung của công tác giáo dục & đào tạo tỉnh nhà trong những năm tới, Đại hội lần này đề ra một số mục tiêu chủ yếu cần phấn đấu thực hiện từ nay đến năm 2010 như sau:

 

- Tích cực góp phần duy trì vững chắc kết quả xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập trung học cơ sở; chuẩn bị tốt các điều kiện phổ cập  trung học phổ thông; không còn người mù chữ ở đối tượng dưới 35 tuổi trên địa bàn.

- 1005 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ; trong đó trên 70% TTHTCĐ các xã, phường, thị  trấn trên địa bàn hoạt động tốt.

- Vận động 100% gia đình hội viên hàng năm đăng ký xây dựng và đạt gia đình văn hoá.

- 100% thôn, bản, khu dân cư có chi Hội Khuyến học. Vận động, phát triển mới thêm 100 nghìn hội viên.

- Hội Khuyến học tỉnh phấn đấu giữ vững trong nhiệm kỳ được công nhận là đơn vị xuất sắc trong cả nước.

- Phấn đấu trên 90% tổ chức Hội cơ sở hoạt động từ khá trở lên; trong đó, trên 70% hoạt động tốt ở địa bàn khu dân cư. Hàng năm có tổ chức sơ kết, xây dựng chương trình hoạt động cho năm sau.

- Trên 70 Hội Khuyến học ở các cơ quan cấp tỉnh; trên 60% Hội Khuyến học ở các cơ quan cấp huyện hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh có từ 25% - 30% dòng họ khuyến học; từ 30% - 35% gia đình hiếu học hoạt động hiệu quả.

- 100% tổ chức Hội Khuyến học cơ sở duy trì quỹ Hội, bảo đảm hoạt động  đạt kết quả. 100% cán bộ Hội ở các cấp được tập huấn và trang bị tài liệu, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác khuyến học.

 

Chủ động thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ của công tác khuyến học mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Khuyến học VN lần thứ III đề ra. Đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về sự nghiệp giáo dục & đào tạo, công tác khuyến học trong các cấp Hội, để thực hiện có hiệu quả ở địa phương.

 

Thực hiện có hiệu quả 5 chương trình hành động của toàn Hội giai đoạn 2005 – 2010, đó là: “Mở rộng mặt trận khuyến học trên cơ sở phát triển sâu rộng các tổ chức Hội đến tận cơ sở và đẩy mạnh việc triển khai chủ trương xã hội hoá giáo dục”; “Phát triển sâu rộng các phong trào khuyến học, coi trọng chất lượng và hiệu quả trong quá trình mở rộng về số lượng”; “Tăng cường chức năng tham mưu, thẩm định, phản biện của các cấp Hội”; “Phát triển các hình thức quỹ khuyến học, khuyến tài để hỗ trợ có hiệu quả cho sự mở rộng phong trào khuyến học” và “Xây dựng mạng lưới thông tin, tuyên truyền rộng khắp theo hướng hiện đại hoá, đại chúng hoá”.