Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có những thay đổi ra sao?
(Dân trí) - Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trên phạm vi rộng và cho học sinh tự quyết định chọn môn học.
Khó khăn trong dạy và học
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu ra bất cập về đánh giá chất lượng giáo dục.
Qua xem xét báo cáo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và thực tiễn ở một số địa phương, Đoàn giám sát cho rằng việc đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục đã được chú trọng triển khai đồng bộ, tạo hiệu ứng tốt kể cả trong đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh và đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra còn ý kiến băn khoăn về phương pháp đánh giá chất lượng học sinh, vẫn nặng về đánh giá kiến thức, chưa thực sự đánh giá năng lực phẩm chất người học.
"Cho đến nay, văn bản hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được ban hành.
Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc định hướng chọn tổ hợp môn học đối với lớp 10 năm học 2022-2023. Đội ngũ giáo viên lúng túng trong việc điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá", kết quả giám sát chuyên đề nêu.
Học sinh chọn môn thi trong số các môn học lựa chọn
Văn bản của Chính phủ gửi Đoàn giám sát do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền Thủ tướng ký ngày 4/8 giải thích rằng, sau khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ nghiên cứu, đề xuất từ rất sớm các phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng đánh giá được phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người học.
Trong quá trình nghiên cứu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp; kế thừa và phát huy kết quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia giai đoạn 2015-2019, kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2023 và phối hợp với lộ trình đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh THPT.
Hồi tháng 3, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi.
Sau ngày 17/5, Bộ đã có phân tích, đánh giá các góp ý của toàn xã hội để hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, dự kiến đầu năm học 2023-2024 sẽ ban hành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, về cơ bản kế thừa được phương thức và cách thức tổ chức thi như hiện nay.
Kỳ thi bảo đảm tính đồng bộ về độ tin cậy của kết quả đánh giá để các bên liên quan có thể khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc và môn học lựa chọn trên phạm vi rộng và cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong các môn học lựa chọn ở trường phổ thông, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn của học sinh.
"Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để phát huy các ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp tổ chức để công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng đánh giá đúng năng lực người học, công bằng, công khai, minh bạch, gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn của các địa phương", văn bản gửi Đoàn giám sát khẳng định.
Thêm 3 môn thi mới
Trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT hồi tháng 3, Bộ GD&ĐT xây dựng về lộ trình thực hiện ở giai đoạn 2025-2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Hình thức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.
Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Theo Bộ GD&ĐT, để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực.
Do đó, cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 7 môn bao gồm môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1 (gồm 7 ngoại ngữ khác nhau), lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học. Trong đó có 3 môn giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ và tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 và với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian.