1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Phù phép biến 145 sinh viên “giả” thành sinh viên thật

(Dân trí) - Chuyện tưởng đùa nhưng lại là thật này đã xảy ra ở trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị khi trường đã phù phép để biến 145 sinh viên trúng tuyển với giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi.

Sinh viên “giả” chiếm 50%

ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (UTM) thành lập năm 2007, đến nay trường có gần 300 sinh viên (SV). Tuy nhiên, trong số SV đang học tại trường có tới hơn 50% là SV “giả” đã được “phù phép” trở thành SV thật của trường.

Theo nguồn tin của PV Dân trí, cuộc họp Hội đồng tuyển sinh ngày 24/10/2012 của trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị về báo cáo tình hình thực tế công tác tuyển sinh năm 2011, là do ông Nguyễn Văn Thường, Hiệu trưởng chủ trì với lãnh đạo phòng đào tạo, Tổ thanh tra tuyển sinh năm 2011.

Theo đó, sau khi kiểm tra 254 hồ sơ tuyển sinh năm 2009 (khóa I); năm 2010 (khóa 2) và năm 2011 (khóa 3) đã phát hiện chuyện động trời tưởng thật như đùa. Cụ thể, 5 SV đạt tổng điểm 12,5 điểm (không đủ điểm sàn); 3 SV khối B, C, D không đúng khối xét tuyển (trường tuyển khối A); 5 SV không có phiếu báo điểm và 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi.

Đặc biệt, có 1 SV nộp giấy báo điểm của năm 2005 (trong khi đó trường thành lập năm 2007) nhưng vẫn được vào học. Điển hình nhất là có tới 145 SV trúng tuyển với giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi.

Trong tổng số hồ sơ kiểm tra chỉ có 83 SV là đạt yêu cầu.

Được biết, nhiều SV dùng giấy báo điểm “giả” lấy danh nghĩa đã thi vào các trường ở khối ngành Quân đội, An ninh… trong khi đó thực tế không dự thi.

Ông Nguyễn Văn Thường - Hiệu trưởng nhà trường lúc đó đã đưa ra giải pháp: 5 SV có điểm đầu vào 12,5 điểm sẽ công bố chuyển sang Cao đẳng và ưu tiên liên thông lên Đại học theo quy chế của Bộ GD-ĐT. Cho thôi học 3 SV sai khối B, C, D và SV có phiếu điểm năm 2005. Với 145 SV có giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi, yêu cầu 5 SV nộp phiếu báo điểm, yêu cầu 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi quay về trường xin xác nhận thông tin. Nếu gian lận sẽ cho thôi học theo quy chế.

Một trong những giấy báo chứng nhận điểm thi giả lấy mác đã dự thi vào Học viện Khoa học Quân sự.

Một trong những giấy báo chứng nhận điểm thi giả lấy mác đã dự thi vào Học viện Khoa học Quân sự.

Xin thôi chức vì gây hậu quả nghiêm trọng!

Trong văn bản giải trình với Hội đồng quản trị Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị về những sai phạm đầu vào tuyển sinh trên, bà Lê Thị Việt Hoa, lúc đó là trưởng phòng Đào tạo của trường, đưa lý do: Năm 2011, khi đã hết hạn tuyển nguyện vọng 2 trường mới chỉ tuyển được khoảng hơn 50 SV. Khi đó, thầy Lê Vĩnh Thọ, hiệu phó của trường có nói với tôi là trường giờ cần SV, nếu không có SV thì sẽ bị đóng cửa trường nên có giới thiệu một người tên là Bồng đến và đưa những giấy báo vào trường. Thầy bảo, những giấy này là giấy photo màu và làm ở những trường An ninh, Quân sự nên không đưa điểm lên mạng. Cho SV vào học để trường đông rồi người ta nhìn mới thấy đây là ngôi trường, sau sẽ đông lên…”. Bà Hoa cũng đã thừa nhận trách nhiệm việc lờ đi cho số SV vào học là đã làm sai trong quản lý lĩnh vực tuyển sinh. Nhưng lý do ở đây là do thầy Lê Vĩnh Thọ là người của nhà đầu tư chỉ đạo như vậy nên tôi làm theo.

Tại cuộc họp giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và lãnh đạo nhà trường, ông Nguyễn Văn Thường - Hiệu trưởng nhà trường giai đoạn 2011-2012 khẳng định: “Không có chỉ đạo việc tuyển sinh dưới điểm sàn. Việc giấy báo điểm giả trước đây tổ thư ký và phòng đào tạo không báo cáo. Vì vậy, đề nghị cơ quan bảo vệ Pháp luật làm rõ sự việc”.

Sau khi sự việc gian dối nghiêm trọng trên bị phanh phui, vào tháng 11/2012, ông Nguyễn Văn Thưởng, Hiệu trưởng nhà trường và bà Lê Thị Việt Hoa đã có đơn xin nghỉ việc.

Hội đồng Quản trị nhà trường có Quyết định cho ông Thường và bà Hoa thôi giữ chức từ ngày 05/11/2012 và Hội đồng quản trị sẽ có Quyết định nghỉ việc cho ông Thường và bà Hoa sau khi có kết luận của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Trường thuê và không có Hiệu trưởng  

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thường, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, cho biết: “Tôi làm Hiệu trưởng tại trường thời gian chỉ có 6 tháng. Khi thanh tra, tôi phát hiện nhiều vấn đề bất cập, không ổn. Đặc biệt, phát hiện hồ sơ giả trong tuyển sinh, tôi đã yêu cầu loại ngay số SV giả này và đã báo cáo sự việc với Hội đồng quản trị, đồng thời, tôi xin nghỉ việc từ tháng 11/2012”.

Chính vì vậy, từ khi ông Nguyễn Văn Thường xin nghỉ việc đến nay, Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị không có Hiệu trưởng.

Theo đó, ngày 14/12/2012, Hội đồng quản trị nhà trường đã bổ nhiệm GS.TSKH Đỗ Doãn Hải giữ chức Phó Hiệu trưởng. Điều thấy lạ ở đây là  ông Hải đã trên 80 tuổi, không đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng theo quy định (theo quy định  của Chính phủ Phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm không quá 70 tuổi).

Một trường đại học hoạt động có hiệu quả và đảm bảo chất lượng, điều quan trọng nhất phải nói đến đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Nhưng, 2 yếu tố quan trọng trên ở Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đều thiếu trầm trọng.

Theo danh sách phát lương giảng viên cơ hữu của trường chỉ có 7 người. Trong khi đó, trường thông tin có 42 giảng viên cơ hữu, trong đó có 6 giáo sư và 21 phó giáo sư.

Về cơ sở vật chất, trường thông tin trên trang web là đã được UBND TP Hà Nội giao 20 ha ở phường Dương Nội để xây 1 khu đô thị đại học theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng hiện nay chưa xây dựng.

Trước đây, trường có 2 cơ sở đào tạo là tại 290 Tây Sơn - Đống Đa - Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở 290 Tây Sơn không thuê nữa và trường hiện đang thuê ở một tòa nhà nằm trong khu dân cư thuộc Q.Từ Liêm, Hà Nội với diện tích rộng 400 m2.

Trao đổi với báo chí ngày 23/11, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: “Bộ đã nhận được thông tin từ cơ quan công an về dấu hiệu sai phạm trong hoạt động của Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị Hà Nội và Bộ đã có văn bản gửi nhà trường yêu cầu báo cáo cụ thể”.

Đặc biệt, khi biết quyết định của nhà trường, nhiều SV đã gửi đơn kêu cứu vì 4 năm học tại trường giờ đây lại trở thành công cốc. Lỗi ở đây chính là do nhà trường đã cố tình để SV vào học bằng giấy tờ giả để lấy thành tích tuyển được SV.

Được biết, ngày 25/10/2013, Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT phê duyệt cấp 44 phôi bằng Cử nhân tốt nghiệp cho SV khóa I (năm 2009) của trường. Tuy nhiên, rất có thể khóa học này có nhiều trường hợp đầu vào năm học này bằng giấy tờ giả (năm học 2009 này trường tuyển được 61 SV). Trong khi đó, năm 2012, trường tuyển thực được 70 SV và năm 2013 được 11 SV.

Sự việc gian dối trên của Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, Bộ GD-ĐT đã biết sẽ xử lý như thế nào? Sẽ xử lý quyền lợi người học như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?
 
PV Dân trí tiếp tục thông tin về sự việc trên.

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Văn Đình Ưng - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết: "Hiện nay cả nước có hơn 80 trường ĐH,CĐ ngoài công lập nhưng mới chỉ có hơn 55 trường tham gia vào Hiệp hội. Những trường đã là thành viên của Hiệp hội khi xảy ra sai phạm, chúng tôi đều có biện pháp tháo gỡ và xử lý. Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị chưa gia nhập Hiệp hội nên Hiệp hội không can thiệp khi xảy ra vấn đề khó khăn".
 
Hồng Hạnh