Phụ huynh tiết lộ "gợi ý" chuyển trường của giáo viên khi con học lực yếu

Hồng Liên

(Dân trí) - Theo phụ huynh này, 3 năm nay, chị đều nhận được "gợi ý" của cô giáo về vấn đề chuyển trường cho con, nên chắc hẳn khi con lên lớp 9 cũng khó tránh kịch bản tương tự.

Phụ huynh nhìn thấy chính mình trong câu chuyện "ép" học sinh không thi vào 10

Từ tối 19/4, trên nhiều diễn đàn và trang thông tin cá nhân lan truyền thông tin một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường sang tư thục hoặc cam kết không thi vào lớp 10.

Dưới phần bình luận của các bài đăng, nhiều phụ huynh chia sẻ con, cháu mình cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

"Tôi từng không biết và không tin điều này cho đến năm nay, khi con tôi đang học kỳ 2 lớp 9. Rất sốc nhưng buông rồi, nghĩ cách kiếm tiền 3 năm nuôi con dân lập thôi", một tài khoản Facebook tâm sự. "Cháu trai gần nhà tôi đã phải rẽ bước sang ngang, học trường nghề ngay sau khi nhận được tin nhắn và yêu cầu của nhà trường vào giữa kỳ 2 lớp 9", một tài khoản khác bình luận.

Trao đổi với Dân trí, một người mẹ (xin giấu tên) có con đang học lớp 8 tại một trường THCS công lập trên địa bàn Hà Nội tâm sự, chị nhìn thấy chính mình và con trong câu chuyện các diễn đàn lan truyền hiện nay.

Theo phụ huynh này, ngay từ năm học lớp 6, lớp 7, cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần gợi ý khéo với gia đình chị về chuyện nên cho con "tìm trường phù hợp hơn" vì cháu chỉ có học lực trung bình. Chủ yếu là các cuộc gặp gỡ riêng mang tính thông báo về tình hình học tập của con, sau đó tư vấn, định hướng, nhưng thực chất là ép về mặt tâm lý.

Đến sau kỳ thi học kỳ I năm lớp 8, cả lớp có nhiều bạn điểm dưới trung bình các môn Toán, Văn, Anh (trong đó có con chị), cô giáo lại mời gặp từng phụ huynh để thông tin về kết quả và yêu cầu có kế hoạch cho con.

"Cô giáo nhấn mạnh tới việc con học thế này thì sẽ lưu ban và khi thi vào lớp 10 sẽ không vào được trường công lập. Tôi hỏi rằng gia đình nên có kế hoạch ra sao để giúp cháu tiến bộ thì cô chỉ trả lời loanh quanh. Tôi lại nhờ cô có thể động viên hoặc mở lớp phụ đạo thêm cho các con hay không, bởi vẫn còn cả học kỳ II lớp 8 và cả năm lớp 9 để cố gắng. Thế nhưng thái độ của cô rất thờ ơ, cô bảo em bận lắm rồi, không có thời gian mở lớp dạy thêm", người mẹ nói.

Theo vị phụ huynh, con chị vừa trải qua 1,5 năm học online tại nhà, khi được trở lại trường học trực tiếp lại không may trở thành F1 rồi F0. Vì thế, cháu vẫn phải tiếp tục học online tới gần 2 tuần, không lâu sau thì thi giữa kỳ.

Chị đã tâm sự với cô giáo, thời gian dài học online cũng ảnh hưởng đến tâm lý của con khiến thành tích kém hơn, mong cô thấu hiểu. Thế nhưng, sau cuộc nói chuyện, chị cảm thấy mình nói "có vẻ thừa thãi" vì cô không quan tâm đến suy nghĩ của con hay phụ huynh, dường như chỉ chú trọng thành tích.

Chị biết một gia đình khác cùng có con trong nhóm điểm trung bình thậm chí đã được cô giáo đề đạt thẳng vấn đề nên tính cho con chuyển trường: "Họ kể lại với tôi, cô giáo nói thẳng nên chuyển trường cho con, vì học ở trường này với kết quả như thế sẽ không học tiếp được. Do bức xúc, ban đầu họ quyết định chuyển. Nhưng đến hôm sau, con lại nói vẫn muốn học cùng các bạn. Thương con, gia đình lại xin cho cháu học tiếp, tuy nhiên cô không đồng ý".

Theo chị, vì cả năm lớp 6 đến lớp 8 đều nhận được "gợi ý" của cô về vấn đề chuyển trường nên chắc hẳn khi con lên lớp 9 cũng khó tránh kịch bản tương tự như trên các diễn đàn hiện nay: bị ép không thi vào lớp 10 hoặc chuyển sang trường dân lập. Điều này khiến người mẹ thấy rất bất công.

"Nếu con tôi vô kỷ luật, vô lễ hoặc vi phạm đạo đức nghiêm trọng thì việc mời riêng phụ huynh, gợi ý chuyện chuyển trường còn dễ hiểu. Nhưng chỉ vì con học lực trung bình mà cô đã không cho con quyền được học ở lớp thì thực sự là vô tâm, không nhân văn", chị nói.

Theo phụ huynh này, chị và nhiều cha mẹ khác đang cảm thấy bị bỏ rơi, tương lai mông lung, không có lựa chọn.

Chị cũng từng nghĩ đến việc chuyển trường cho con, nhưng cháu đã nhiều lần phản đối khi bố mẹ hỏi ý kiến vì không muốn xa bạn bè đã gắn bó. Hơn nữa, nếu có chuyển cũng cần tìm trường gần (do con không thể chủ động đi học xa), trường mới cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế. Những ngôi trường đáp ứng đủ tiêu chí này lại chưa chắc đã nhận, như vậy con sẽ "bơ vơ".

"Tôi thấy việc chạy theo thành tích đang dồn ép lên các con gánh nặng quá lớn, không cho các con cơ hội, không giáo dưỡng tốt lên mà lại gây áp lực. Gần đây có nhiều cháu áp lực quá đã phải chọn con đường tự tử rồi", người mẹ tâm sự.

Điều chị mong mỏi nhất là các cơ quan quản lý sẽ có sự tìm hiểu, ghi nhận và có chỉ đạo xuống các trường để chấm dứt hoàn toàn thực trạng này, đem lại công bằng cho trẻ. Nếu không, phụ huynh sẽ rất khó đấu tranh trực tiếp vì các con vẫn còn theo học tại trường.

Liên quan đến bệnh thành tích của trường

Chia sẻ với Dân Trí về vấn đề trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng việc yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển sang trường tư thục, trường khác hoặc cam kết không thi vào lớp 10 là xu hướng không lành mạnh, liên quan đến bệnh thành tích của các trường.

TS Khuyến nhận định, lỗi này nằm trong lỗi hệ thống, muốn giảm thiểu thì toàn hệ thống giáo dục phải khắc phục được. Cụ thể, ngay trong các chính sách của cơ quan quản lý về giáo dục phải rất rõ ràng, minh bạch, tránh hướng các trường học chạy theo bệnh thành tích.

Mặt khác, TS Khuyến cho rằng cần có giải pháp hướng nghiệp cho học sinh bằng cơ chế phân luồng tốt và có chương trình đào tạo, cách dạy giúp trẻ phát triển theo đúng năng lực. "Hiện nay, chúng ta đang làm việc này chưa tốt. Vì chỉ hướng tất cả các cháu chạy theo một tiêu chí nên mới có bệnh thành tích.  Thay vì đẩy theo hướng chọn lọc như trên, phải tạo điều kiện cho các cháu có những hướng phát triển khác nhau", TS Khuyến nêu quan điểm.

Với các phụ huynh đang rơi vào hoàn cảnh bị "gợi ý" chuyển trường cho con vì cháu có học lực kém, theo TS Khuyến, tốt nhất phụ huynh nên có tiếng nói, bằng cách nào đó phản ánh với cơ quan quản lý, cơ quan quyền lực Nhà nước. Đó là giải pháp can thiệp hợp lý nhất, nếu chỉ im lặng sẽ khó khắc phục.

Được biết, ngay sáng 20/4, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh làm rõ thông tin một số trường học tại Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng này. Trường hợp phụ huynh có thông tin và minh chứng, có thể gửi thông tin về cơ quan Bộ GD-ĐT.

Cũng trong hôm nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm