Phụ huynh "tá hỏa" phát hiện con thành game thủ khi học trực tuyến
(Dân trí) - Kết quả học tập giảm sút, ngồi học không tập trung, nhiều phụ huynh mới tá hỏa khi biết con trở thành game thủ suốt thời gian học trực tuyến kéo dài.
Dịch Covid-19 đã khiến học sinh Hà Nội trải qua thời gian giãn cách xã hội và học trực tuyến kéo dài. Việc được làm quen với máy tính, điện thoại di động và ít bị kiểm soát bởi phụ huynh đã khiến nhiều học sinh nghiện game online, trở thành game thủ chỉ trong một thời gian ngắn.
Suốt cả ngày chỉ ở trong phòng vì học trực tuyến, chị Nguyễn Thị Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) kiểm tra đột xuất và phát hiện con chơi game, không tập trung vào giờ học trên lớp.
Chị Quyên bất lực kể lại: "Vì con đã vào lớp 9 nên mình để con tự giác trong việc sử dụng máy tính và học trực tuyến. Nhưng cả ngày chỉ thấy con được 15 phút ăn cơm trưa rồi lại ôm máy tính trong phòng đến tối. Nhận thấy sự bất thường, tôi đã kiểm tra đột xuất và phát hiện không chỉ mình con mà tất cả các bạn nam trong lớp đều không học và rủ nhau chơi game".
Khi phát hiện con nói dối, lấy cớ học trực tuyến để chơi game suốt thời gian vừa qua, chị Quyên vô cùng bực bội và không kiểm soát được cảm xúc của mình. "Tôi quyết định tịch thu máy tính, cứ đến giờ học thì sẽ được mẹ mở máy và kết thúc giờ học phải cất về đúng nơi quy định", chị Quyên nói.
Vô tình vào nhầm cuộc họp, chị Mai Lan (Xuân Đỉnh, Hà Nội) cảm thấy khá sốc vì chỉ mới lớp 5 mà các con đã tự mở lớp vừa học vừa rủ nhau chơi game.
"Hàng ngày, cứ sau giờ học chiều là các con lại cùng rủ nhau chơi đến lúc ăn cơm. Có khi không có sự quản lý của bố mẹ thì sẽ đến 12 giờ khuya. Trung bình cũng 4-5 tiếng/ngày, nếu cuối tuần ít bài tập thì có thể nhiều hơn. Cứ tình hình học trực tuyến kéo dài thêm vài tháng thì sớm muộn các con cũng thành game thủ hết", chị Lan kể.
Sau khi hết giãn cách, cả hai vợ chồng đều bận rộn với công việc nên chuyện học hành của con, chị Nguyễn Phương Loan (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều nhờ cả vào ông bà nội. Nhưng chỉ được 2 tuần, cô giáo chủ nhiệm đã trao đổi về việc con mất tập trung, có khi thì bỏ tiết sớm đặc biệt là không hoàn thành bài tập về nhà liên tục.
Chị kể: "Sau khi nắm bắt tình hình học tập của con, tôi đã kiểm tra máy tính bảng và cực sốc khi thấy con ở trong các hội nhóm game free fire, kiểm tra thì tất cả đều là học sinh cấp 2 trở xuống. Vào rồi mới thấy các "quân đoàn" này thật lớn mạnh, có đến hàng trăm chiến binh, giá mà học cũng tốt như này thì đúng phụ huynh đỡ lo lắng".
Biết con đã nghiện game, học mãi cũng "nước đổ lá khoai" hết cách chị đành phải tịch thu máy tính bảng, xin làm việc tại nhà để có thể vừa canh chừng con học cũng để giúp con không còn nghiện game nữa. Nhưng chỉ được vài hôm, chân tay con lúc nào cũng bứt rứt không chịu ngồi yên, chị cũng đành bó tay.
Chị Loan kể tiếp: "Điều đáng nói, trên hội nhóm các con đã biết cách "bốc phốt" lẫn nhau vì chơi game thua không trả tiền thẻ theo như giao ước ban đầu. Tôi cảm thấy nếu để các con tiếp xúc với mạng xã hội, với game online quá nhiều sẽ làm các con sống không đúng với tuổi của mình, thay vào đó chỉ toàn những điều xấu".
Theo tìm hiểu của phóng viên, các em thường chơi game có tên "Free Fire" và độ tuổi đa số là từ 12 tuổi trở lên. Một ngày các em thường dành khoảng 2-3 tiếng để có thể chơi hết một trận.
Nếu không chấm dứt, hậu quả khôn lường
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175 cho biết: "Nghiện game sẽ dẫn đến nhiều bệnh như: Ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Thứ hai là cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh.
Tác hại về tinh thần rất khủng khiếp, người chơi game bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển. Game online là chất độc vô hình, khi sa vào thì gặp rất nhiều hậu quả. Nhưng khi các bạn có thể nhận ra và dừng lại kịp thời thì các bạn sẽ dứt ra được.
Về hướng điều trị, bác sĩ Ca cho rằng: "Nghiện game online có những bệnh rất khó điều trị, có những bệnh rất dễ điều trị, nếu phát hiện sớm thì điều trị sẽ dễ hơn và đặc biệt là phải tạo ra môi trường điều trị thuận lợi cho người nghiện.
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM vẫn chưa có nhiều cơ sơ điều trị phù hợp với cai nghiện game và chưa có sự liên kết giữa các cơ sở. Việc điều trị mang tính cá thể hóa, tùy từng trường hợp khác nhau chúng ta áp dụng biện pháp khác".
Tiến sĩ, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân cho biết: "Dưới góc nhìn xã hội học, tôi cho rằng nghiện game là một hiện tượng xã hội gần gũi với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ nếu nghiện game sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người).
Bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới. Khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm… dẫn đến những hậu quả khó lường".
Tiến sĩ Lâm nói thêm: "Hệ lụy của việc nghiện game chịu sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, song theo tôi, gia đình có lỗi lớn nhất trong chuyện này. Bởi lẽ mỗi cá nhân luôn sống trong một gia đình và họ luôn có bước khởi đầu của việc nghiện game. Bước khởi đầu đó đều do gia đình.
Chẳng hạn, con cái không ăn, cách mà nhiều gia đình thường áp dụng là cho trẻ chơi game để ăn. Hoặc cách để bố mẹ thư thái khi ngồi uống cà phê mà không bị trẻ quấy chính là việc giao hẳn điện thoại cho lũ trẻ; khi trẻ khóc, cách nhiều bố mẹ hay dùng là: để bố/mẹ cho con chơi game nhé...".