“Đừng sợ game online, hãy sợ sự vô cảm của người lớn hủy hoại con trẻ”
(Dân trí) - Bố mẹ sợ game online hủy hoại con mà quên mất rằng sự vô cảm của mình trong cách ứng xử với con cùng với sự ảo tưởng, sĩ diện hão về thành tích mới là mối nguy hiểm lớn nhất với trẻ thơ.
Trẻ thiếu chơi, trốn vào game online
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Giáo dục đặc biệt Diệp Quang, từng tu nghiệp tâm lý lâm sàng trẻ em tại Pháp, có những chia sẻ giữa vấn đề game online và áp lực học tập với con trẻ.
Trong vai trò chuyên viên tâm lý, ông Khanh đã nhiều lần tiếp các phụ huynh đưa trẻ đến nhờ “chữa trị” hay “khuyên bảo” để con từ bỏ "thú vui” gần như là duy nhất trong cuộc sống là game. Còn lại, hoạt động phải làm và phải giỏi cũng phải nói là duy nhất của nhiều đứa trẻ là học.
Ông Khanh kể, ông có lập một nhóm "Giúp cha mẹ học và chơi với con" trên Facebook. Thế nhưng, khía cạnh "chơi" không mấy ai quan tâm, đến hơn 90% các bài viết gửi đăng, được nhiều like, bình luận... chỉ đề cập làm sao cho con học giỏi.
Bố mẹ tích cực chia sẻ với nhau những cuốn sách dạy học, nhất là sách học tiếng Anh, các khóa học, video học đủ kiểu, các tài liệu để chuẩn bị vào lớp Một, đủ các phương pháp gọi trí thông minh, thành công...
Phụ huynh quan tâm đến việc làm sao con học giỏi chứ ít ai quan tâm đến hoạt động bố mẹ có thể cùng con vui chơi, tạo cho con niềm vui trong những giờ rảnh rỗi hiếm hoi trong gia đình. Sau những giờ vùi đầu vào sách học, trẻ chỉ biết cắm mặt vào các trò chơi trên mạng để giải trí... Rồi dần dần bị nghiện lúc nào không hay.
Bố mẹ thiếu các phương pháp giáo dục chơi mà học, hay thông qua các trò chơi giúp trẻ phát triển khả năng tự chủ, biết tập trung chú ý, biết tổ chức, sắp xếp công việc, biết phân tích, tổng hợp...
Ngay cả việc nhà đơn giản nhất trẻ cũng không có thời giờ làm, hoặc bố mẹ, giúp việc làm thay. Nhiều đứa trẻ chỉ cần học và học, buông cuốn sách ở trường thì chỗ chơi của các em là ôm điện thoại, iPad...
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, trẻ hiện nay phải gánh chịu một áp lực rất lớn học tập rất lớn dù trải qua nhiều đợt cải cách. Việc học còn nặng nề về học thuật, chủ yếu đối với các kỳ thi, các bài kiểm tra.
Hình ảnh những đứa trẻ dậy từ sáng sớm, ngủ gật gà trên đường đến trường, không còn thời gian để ăn, ăn qua loa không hề hiếm. Học cả ngày ở trường, tối lại ôn tập, học thêm, làm bài tập đến khuya, học cả thứ 7, chủ nhật... Với lịch học áp đặt như vậy, nhiều đứa trẻ đã tìm đến và trốn vào game online.
Cũng phải kể đến, nhiều phụ huynh còn trực tiếp "nối giáo" bằng cách cho trẻ làm quen với điện thoại, máy tính bảng ngay từ khi còn đi chưa vững, nói chưa sõi. Phải nói, các thiết bị này trở thành "vú nuôi" trong chăm sóc, nuôi dạy con cái với nhiều gia đình.
Trẻ cô đơn ngay trong nhà mình
Thay vì quan tâm đến việc bỏ ra một số giờ để chơi với con ngay từ nhỏ, cùng làm việc nhà với con, tập cho con biết tự phục vụ, biết tổ chức việc học tập, vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý thì, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho hay bố mẹ lại dễ dàng giao cho trẻ cái điện thoại, tập cho trẻ chơi iPad... để mình rảnh tay.
Chúng ta thường cho rằng bổn phận của con trẻ là học. Cứ học xong rồi sẽ được chơi nhưng nhiều đứa trẻ chơi với ai ngoài cái điện thoại?
Trẻ nghiện game không chỉ trong một ngày, một tuần, mà là một quá trình dài, có khi cả năm. Chỉ đến khi con cái nghiện game ở mức báo động, nhiều bố mẹ mới tất tả lôi con đi kiếm thuốc, kiếm thầy để cắt ngay và luôn, lại muốn phải điều trị nhanh nhất, ít tốn thời gian nhất.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, nghiện game cũng là một rối loạn tâm lý, ban đầu là một lối thoát trong việc giải trí cho trẻ, nhưng nếu không tự chủ được, thì trẻ sẽ bị lệ thuộc và tạo cho trẻ những bất ổn như các stress khác. Đó là dấu hiệu của một tình trạng mất quân bình trong giao tiếp giữa bố mẹ và trẻ; là mất đi sự hứng thú trong việc học khi quá tải hay xuất phát từ nghiệp vụ sư phạm của người thầy và cả những bất ổn trong cuộc sống.
Chúng ta không mấy ai nghĩ đến những đứa trẻ đang cô đơn ngay chính trong căn nhà của chúng, nơi lẽ ra phải là một tổ ấm, là niềm vui, là nơi an toàn nhất trái đất...
"Chúng ta không phải sợ game online sẽ hủy hoại con mình, mà hãy sợ cho chính sự vô cảm của mỗi người lớn trong cách ứng xử với con - chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm cùng những sĩ diện hão về các tờ giấy khen, về ảo tưởng thần đồng của người lớn mới là mối nguy hiểm lớn nhất của trẻ thơ", ông Lê Khanh nhấn mạnh và tha thiết mong phụ huynh hãy chơi cùng con nhiều hơn.
Hoài Nam