Lào Cai:
Phụ huynh phản đối khi nhà trường cho HS ăn cơm hộp
(Dân trí) - Đầu năm học 2011 - 2012, việc Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) cho học sinh bán trú ăn cơm hộp đã vấp phải sự không đồng tình của hàng trăm phụ huynh. Trước vụ việc này, lãnh đạo thành phố Lào Cai phải vào cuộc…
Chiều ngày 8/10 vừa qua, UBND thành phố Lào Cai đã đứng ra tổ chức cuộc hội thảo về bữa ăn bán trú cho học sinh (HS) tiểu học năm học 2011 - 2012.
Phụ huynh “chê” cơm hộp
Trường tiểu học Lê Văn Tám là một trong những trường thí điểm của ngành giáo dục đào tạo thành phố và của tỉnh Lào Cai. Từ năm học 2011 - 2012, do không có chỗ nấu ăn như mọi năm nên nhà trường đã phải sử dụng cơm hộp của doanh nghiệp tư nhân Thùy Dung cho HS bán trú. Qua vài tuần áp dụng thí điểm cho HS bán trú ăn cơm suất (phụ huynh HS gọi là cơm hộp) do doanh nghiệp tư nhân Thùy Dung (TP Lào Cai) cung cấp đã phát sinh nhiều vấn đề. Phụ huynh HS không muốn con em mình phải ăn cơm hộp hàng ngày do giá cao (15.000 đồng/suất), do chuyển từ xa tới nên cơm và thức ăn nguội, thực đơn bữa ăn trong tuần nghèo nàn, nguồn nước nấu ăn chưa đảm bảo… Do đó từ gần 1.000 suất ăn trong tháng 9/2011, đến nay chỉ còn khoảng 400 suất cơm hộp được doanh nghiệp tư nhân Thùy Dung cung ứng cho Trường tiểu học Lê Văn Tám, số HS còn lại được gia đình tự lo bữa ăn.
Ông Hán Đức Dương, đại diện hội phụ huynh HS Trường tiểu học Lê Văn Tám, cho biết: Năm học này không ít phụ huynh HS Trường tiểu học Lê Văn Tám “chết dở” khi tự lo bữa ăn cho con học bán trú tại trường nếu chê ăn cơm hộp. Trong khi đó các năm học trước, phụ huynh phối hợp với nhà trường thuê người nấu ăn tại trường nên HS được ăn cơm nóng sốt, giá lại rẻ hơn.
Mở hội thảo về bữa ăn bán trú cho HS tiểu học
Trước tình trạng diễn ra tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, lãnh đạo thành phố Lào Cai đã quyết định tổ chức cuộc hội thảo về bữa ăn bán trú cho HS tiểu học năm học 2011 - 2012.
Dự hội thảo có ông Trương Kim Minh - giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai; bà Đàm Thị Liên - phó giám đốc Sở Y tế cùng đại diện các cơ quan: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh; Hội Khuyến học tỉnh; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai; đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan của thành phố; lãnh đạo UBND các xã, phường, các trường mầm non, tiểu học; đại diện cha mẹ HS các trường trên địa bàn thành phố. Riêng Trường tiểu học Lê Văn Tám còn có đại diện cha mẹ HS các lớp.
Trong lời dẫn hội thảo, ông Đỗ Trường Giang - chủ tịch UBND TP Lào Cai đã thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo thành phố để tìm ra tiếng nói chung giữa các cơ quan liên quan, các nhà trường và đại diện phụ huynh HS về việc tổ chức bữa ăn cho HS bán trú. Ông Giang cho rằng việc thí điểm cho HS bán trú ở Trường tiểu học Lê Văn Tám ăn cơm hộp vừa rồi đã có quá nhiều ý kiến khác nhau, ảnh hưởng đến phong trào GD-ĐT tạo của thành phố.
“Quá trình triển khai phục vụ bữa ăn cho HS tiểu học bán trú thời gian vừa qua làm chưa tốt, chưa công khai, chưa minh bạch, chưa tạo được sự đồng thuận trong phụ huynh HS, gây ra sự lộn xộn không đáng có. Trước hết, đây là khuyết điểm của UBND thành phố Lào Cai , chúng tôi xin nhận lỗi. Buổi hội thảo này nhằm tìm ra tiếng nói chung, làm thế nào để dành cho con em chúng ta những gì tốt nhất. Việc gì đã làm tốt thì tiếp tục phát huy, việc nào làm chưa tốt chúng ta chấn chỉnh” - ông Đỗ Trường Giang nêu rõ.
Bà Đỗ Thị The - trưởng Phòng GD-ĐT TP Lào Cai cho biết công tác bán trú được Bộ GD-ĐT khuyến khích nhưng không phải là hoạt động bắt buộc. Thực tế ở một số trường hiện nay ở TP Lào Cai, cơ sở vật chất, trong đó có bếp nấu đã xuống cấp; diện tích các trường chật hẹp; bếp nấu thường bố trí gần lớp học, ảnh hưởng đến môi trường học tập của các em, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ rất lớn. Việc nấu ăn trong trường chiếm khá nhiều không gian hoạt động của HS, nên việc tổ chức các hoạt động ngoài trời, hoạt động tập thể cho HS bị ảnh hưởng không nhỏ. Số lượng HS ngày càng đông, nhu cầu ăn bán trú ngày càng lớn, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khó khăn, trong khi yêu cầu xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực ngày càng cao, trong đó có yếu tố môi trường cảnh quan (xanh - sạch - đẹp và an toàn cho HS) ngày càng chặt chẽ...
Tiếp đó là 16 ý kiến phát biểu tại hội thảo gồm 6 ý kiến của đại diện phụ huynh HS; 2 ý kiến của hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám và trường tiểu học Kim Đồng (phường Cốc Lếu, TP Lào Cai); ý kiến của đại diện UBND phường Kim Tân, Cốc Lếu); 1 ý kiến của doanh nghiệp Thùy Dung; 3 ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Nhìn chung, ý kiến của đại diện cha mẹ HS và lãnh đạo các trường khá thẳng thắn, được chia làm 2 nhóm: ủng hộ và không ủng hộ cơm hộp. Trong số 6 ý kiến của đại diện cha mẹ HS, chỉ có 1 ý kiến đồng tình với chủ trương cơm hộp; 1 ý kiến không rõ quan điểm; 4 ý kiến còn lại đề nghị các trường tổ chức nấu ăn bán trú tại trường.
Bà Bùi Thị Việt Hà - hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (trường đến nay vẫn chưa thể tổ chức ăn bán trú như những năm học trước) và bà Triệu Thị Trà - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám cho rằng có nhiều nguyên nhân phải dừng nấu ăn bán trú tại trường do yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học khiến giáo viên cần tập trung cho công tác chuyên môn nhiều hơn; việc phòng, chống cháy nổ khi nấu ăn trong nhà trường còn bất cập; cơ sở vật chất phục vụ nấu ăn còn khó khăn nên không thể tiếp tục nấu ăn bán trú tại trường. Ý kiến chung của hai hiệu trưởng là ủng hộ sử dụng cơm hộp cho HS bán trú.
Sau khi nghe các ý kiến nêu trên, chủ tịch UBND TP Lào Cai Đỗ Trường Giang phát biểu kết luận hội thảo: Đã 15 năm qua kể từ khi thực hiện việc nấu ăn bán trú cho HS trên địa bàn TP Lào Cai. Đến nay cần có thay đổi cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, nhưng hiện chưa có sự đồng thuận cao của phụ huynh HS, phương pháp triển khai chưa dân chủ, chưa công khai, chưa minh bạch... Việc cần làm ngay là phải tìm được tiếng nói chung giữa đại diện phụ huynh HS và ngành giáo dục cùng doanh nghiệp cung ứng suất ăn cho trường học, với mục đích cuối cùng là đảm bảo những gì tốt nhất cho HS.
Chủ tịch UBND TP Lào Cai cũng khẳng định: Các trường đã tổ chức cho HS ăn bán trú những năm qua rất tốt , nay vẫn phải tổ chức như cũ. Yêu cầu các cơ quan liên quan của TP, các nhà trường trên địa bàn phải bàn bạc với ban đại diện cha mẹ HS củng cố lại việc tổ chức ăn bán trú theo hình thức phù hợp nhưng đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, bữa ăn có đủ chất và phù hợp với sự đóng góp của phụ huynh HS.
Nếu phụ huynh chưa thống nhất dùng suất ăn do doanh nghiệp cung cấp, thì ngay trong tuần tới, UBND các phường có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm vệ sinh an toàn thực phẩm của TP, với hiệu trưởng các trường, ban đại diện cha mẹ HS kiểm tra bếp nấu tại các nhà trường, nếu đủ điều kiện tối thiểu thì tiếp tục tổ chức nấu tại trường; nếu không đủ điều kiện nấu tại trường, đại diện cha mẹ HS sẽ thống nhất tự bố trí nấu ở nơi khác. Hiệu trưởng các trường phải tạo điều kiện tốt nhất cho đại diện cha mẹ HS tổ chức việc này tại trường, đảm bảo giờ giấc lên lớp, ưu tiên hàng đầu cho học tập của các em.
Phạm Ngọc Triển - Phạm Đức