Phụ huynh mệt mỏi vì ngóng môn thi vào 10: "Thôi thì khó ta khó người"
(Dân trí) - Anh Nguyễn Văn Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng dù kỳ thi vào lớp 10 thay đổi theo chiều hướng nào thì áp lực với học sinh và phụ huynh không đổi.
"Giảm tải hay nâng tải, cũng chỉ có hơn 60% học sinh vào công lập"
Anh Nguyễn Văn Linh có con sinh năm 2010, đang học lớp 9 Trường THCS Phương Canh. Tuy nhiên, sau thời gian đầu sốt ruột nghe ngóng Sở GD&ĐT sớm công bố phương án thi vào lớp 10 nhưng không thấy gì, anh buông xuôi cũng không quan tâm các hội nhóm mạng xã hội bàn gì về các phương án thi vào lớp 10.
Lý do anh Linh đưa ra là: "Dù thi 3 môn hay 4 môn, biết môn thi thứ 3, thứ 4 sớm hay muộn, chương trình thi giảm tải hay nâng tải, tỷ lệ học sinh vào công lập vẫn chỉ hơn 60%.
Do đó, tôi dặn con cứ tập trung học hành, ôn luyện theo yêu cầu của thầy cô, không cần ngóng xem năm nay thi môn gì".
Theo anh Linh, việc nghe ngóng phương án thi, đoán môn thi như thời gian qua chỉ làm tăng lo lắng, mệt mỏi không cần thiết. Bố mẹ bàn luận về phương án thi cũng vô tình tạo tâm lý sợ hãi, bối rối cho con, khiến con mất phương hướng ôn tập.
"Quan điểm của tôi bây giờ là học gì thi nấy, chứ không phải thi gì học nấy. Con học các môn nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu thầy cô thì việc thi môn nào cũng không phải vấn đề. Dễ người dễ ta. Khó ta khó người. Tất cả học sinh đều bình đẳng trước kỳ thi", anh Linh nhấn mạnh.
5 năm trước, con lớn của anh Linh cũng thi vào lớp 10. Thời điểm đó, Hà Nội thi 4 môn. Môn thứ 4 chỉ được thông báo vào khoảng tháng 3. So sánh hai con tại hai thời điểm khác nhau, anh Linh nhận thấy cường độ học tập và áp lực thi cử của các con không hề thay đổi.
"Tôi nhớ từ ra Tết, con tôi chạy đua nước rút với các buổi học thêm. Từ tháng 3, con đi học thêm môn lịch sử - môn thứ 4. Cho đến tận ngày thi, con không có ngày cuối tuần.
Mấy năm qua, tôi theo dõi con cái bạn bè chỉ thi 3 môn vào lớp 10. Vẫn học ngày học đêm, có bao nhiêu lịch trống trong tuần lẫn cuối tuần là dành để học thêm.
Nếu biết môn thi sớm, thầy cô và học sinh sẽ chủ động ôn tập hơn. Nếu biết môn thi muộn, thầy cô và học sinh sẵn sàng chạy đua cho môn thi cuối. Không ai biết sớm hơn ai, tất cả vẫn chung một vạch xuất phát", anh Linh nêu quan điểm.
Không dễ đảm bảo công bằng nếu môn thứ 3 là môn độc lập
Nhìn nhận về cơ hội đồng đều cho học sinh lớp 9 thi vào 10, chị Phan Thị Thanh Nhàn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng ngoài tiếng Anh, không môn nào đáp ứng tính công bằng.
"Nếu môn thi thứ 3 là môn độc lập, việc chọn sử, địa sẽ bất lợi cho các học sinh có thế mạnh tự nhiên. Ngược lại, chọn lý, hóa, sinh bất lợi cho học sinh theo định hướng xã hội.
Về lý thuyết, các môn ở bậc THCS chưa phân ban nên ai cũng phải học được. Nhưng trên thực tế, các con thể hiện rõ rệt sở trường, sở đoản từ đầu cấp 2.
Vì thế, tôi cho rằng để công bằng, môn thứ 3 phải là bài thi tổ hợp gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Hoặc chỉ cần môn thứ 3 là tiếng Anh", chị Nhàn chia sẻ.
Chị Nhàn cũng không quá lo lắng về phương án thi lớp 10 tới vì tin rằng Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không chọn những phương án "mới lạ".
"Theo dõi vài năm qua, tôi nhận thấy các nhà quản lý giáo dục luôn cố gắng giữ sự ổn định của kỳ thi, tránh gây xáo trộn tâm lý học sinh, phụ huynh. Vì vậy, tôi tin các con chỉ cần ôn tập theo định hướng của thầy cô và nhà trường là đủ.
Đỗ hay trượt do năng lực, quyết tâm và một chút may mắn của mỗi học sinh", chị Nhàn nói.
Ở góc nhìn khác, chị Lê Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng cần tính đến tính hiệu quả của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
"Nếu kỳ thi chỉ là tuyển sinh đầu cấp, không nhất thiết phải thay đổi mỗi năm một môn thi.
Nếu kỳ thi nhằm đánh giá chất lượng học 4 năm THCS, việc môn thứ 3 thay đổi hàng năm chỉ khiến học sinh học đối phó, học để thi, chứ không phải học để sử dụng, không có thực học.
Hà Nội và nhiều tỉnh thành từng thi lớp 10 với 4 môn, luân phiên thay đổi môn thi thứ 4, nhưng thực tế tình trạng học lệch, xem trọng môn chính môn phụ không hề thay đổi", chị Thảo nhận định.