Phụ huynh ân hận vì bị cô giáo trả quà kèm phong bì giữa sân trường

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Chị Phạm Hồng Hạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể câu chuyện khiến chị ân hận mãi với cô giáo chủ nhiệm của con cách đây 2 năm.

Có hai con đều học trường công, chị Phạm Hồng Hạnh giữ thói quen tặng quà cho thầy cô giáo của con vào những dịp lễ, Tết trong nhiều năm qua.

Chị Hạnh thừa nhận, ngoài tình cảm yêu quý, trân trọng dành cho thầy cô, chị không tránh khỏi tâm lý muốn thầy cô quan tâm tới con mình.

"Việc tặng quà thầy cô vừa là tri ân, vừa là "lệ". Một năm bao nhiêu dịp lễ, Tết, tôi đều tặng đủ. Kết thúc năm học, tôi cũng tặng quà cho cô giáo của con để cảm ơn cô cả năm vất vả vì học trò, dù sau đó có thể cô trò không gặp lại nhau nữa", chị Hạnh nói.

Chị Hạnh thường chuẩn bị 1 món quà nhỏ, 1 tấm bưu thiếp do chính tay con viết lời chúc và 1 phong bì. Tất cả được gói trong hộp, bọc giấy gói đẹp, trang trọng.

2 năm trước, con chị Hạnh bước vào lớp 2, nhận cô giáo chủ nhiệm mới. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị Hạnh mua tặng cô giáo của con 1 bộ khăn tắm. Như thói quen, chị để vào trong hộp quà 1 chiếc phong bì và 1 tấm thiệp.

Đưa con đi học, chị gặp cô giáo ở sân trường. Sau lời chúc mừng, chị trao quà cho cô, nhưng cô đã không nhận.

"Cô nói cô nhận lời chúc mừng, còn quà xin gửi lại cho bố của con để tặng bà, tặng mẹ. Đẩy đưa qua lại mãi, nói đủ các cách, tôi vẫn không thể khiến cô nhận quà. Cả ngày hôm ấy, tôi chỉ nghĩ làm thế nào để tặng được quà tới cô", chị Hạnh nhớ lại.

Chiều đón con đi học trở về, chị Hạnh được con kể rằng tất cả các bạn mang bưu thiếp đến tặng đều bị cô trả lại. Cô chỉ nhận 1 tấm thiệp vẽ tay của 1 bạn. Cô bảo các bạn mang quà về tặng mẹ.

Trước sự việc "lạ lùng", chị Hạnh gọi điện cho trưởng ban phụ huynh lớp hỏi chuyện mới biết cô giáo chưa bao giờ nhận quà, phong bì từ phụ huynh và học sinh nhiều năm nay. Cô chỉ nhận những tấm thiệp do học trò tự làm và những bông hoa, chậu hoa nhỏ, ít giá trị kinh tế.

"Ngay lúc đấy, trong lòng tôi trào dâng cảm giác xấu hổ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn ân hận vì hành động cố dúi quà vào tay cô lúc ở sân trường. Tôi dường như đã xúc phạm tới cô vậy", chị Hạnh nói.

Tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vì đã hiểu cô, chị Hạnh cùng con đi mua 1 chậu sen đá nhỏ đặt bàn. Hôm sau mang quà đến lớp chúc mừng cô, chị thấy trên mặt bàn giáo viên đã bày rất nhiều chậu hoa, chậu cây nhỏ. Cô dùng chính những chậu cây đó trang trí cho phòng học của lớp.

Phụ huynh ân hận vì bị cô giáo trả quà kèm phong bì giữa sân trường - 1

Món quà mà chị Hạnh tặng cô giáo lớp 2 của con trong ngày 20/11 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Có một lần, ban phụ huynh lớp "ép" cô phải nhận quà. Đó thực sự là chiếc phong bì chứa đựng lòng biết ơn mà tập thể phụ huynh gửi cho cô giáo lạ lùng này. Cô miễn cưỡng phải nhận. 

Nhưng ngay khi nhận, cô quyên góp luôn vào quỹ khuyến học của lớp để hàng tháng mua quà tặng cho những bạn có tiến bộ trong học tập", chị Hạnh chia sẻ.

Theo lời chị Hạnh, cách khuyến học của cô rất thú vị. Cứ bạn nào đáng được khen ngợi, cô sẽ phát tặng 1 mảnh giấy ghi số tiền. Đến cuối tháng, học trò mang các "tờ tiền" mình có lên bàn cô để đổi lấy quà.

Toàn bộ tiền mua quà tặng học sinh là do cô bỏ tiền túi ra, không dùng tiền phụ huynh đóng góp.

Chị Hạnh tâm sự: "Thời gian đầu, không ít phụ huynh vẫn ngần ngại trước việc cô không nhận quà. Bản thân tôi cũng từng nghĩ, liệu cô có hết lòng hết sức với các con không.

Song, những gì cô làm sau đó khiến tôi xấu hổ. Cô không chỉ dạy giỏi mà còn quan tâm để ý từng học sinh. Ai có vấn đề gì, cô đều biết và nhắn tin trao đổi với phụ huynh. Phụ huynh nào gặp khó khăn trong việc dạy dỗ con tại nhà mà tâm sự với cô, cô lại giúp gỡ rối, cùng tìm cách "trị" con".

Điều đặc biệt khác khiến chị Hạnh thêm trân trọng cô giáo của con là cô không dạy thêm.

Chị Hạnh và ban phụ huynh nhiều lần xin cô mở lớp để kèm học sinh. Cô từ chối với lý do các con học ở trường cả ngày, chiều và tối còn tham gia các lớp học thêm tiếng Anh, thời gian học nhiều rồi, không nên học thêm toán, tiếng Việt nữa.

Khi năm học kết thúc, tập thể phụ huynh lớp con chị Hạnh xin cô theo các con lên lớp 3. Một lần nữa, cô từ chối vì phải tuân theo sự sắp xếp của nhà trường.

2 năm trôi qua, con chị Hạnh đã chuyển sang ngôi trường mới do gia đình chuyển nơi ở. Chị Hạnh vẫn đều đặn gửi lời chúc tới cô giáo cũ của con vào mỗi dịp lễ.

"Có những người thầy thực sự thay đổi cách nhìn của phụ huynh về nghề giáo và nhà giáo, như cô giáo của con tôi", chị Hạnh chia sẻ.