Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Nhiều hiệu trưởng vẫn muốn quyền lực… to nhất"
(Dân trí) - Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những vướng mắc trong việc thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học hiện nay là bản thân một số hiệu trưởng không muốn giảm bớt quyền, muốn mình nắm quyền lực to nhất.
Đó là nhấn mạnh của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phát biểu chỉ đạo tại phiên buổi sáng, tại Hội thảo "Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với một số trường đại học tổ chức diễn ra ngày 27/11.
Tự chủ đại học - Việt Nam đã có một bước tiến rất dài
Nhìn lại hành trình tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến dấu mốc năm 2004, Chính phủ đã quyết định thí điểm tự chủ đại học 4 trường. Lúc đó, nói đến tự chủ đại học chúng ta nghĩ ngay đến tự chủ tiền - Nhà nước không đầu tư. Cho nên vật lộn 10 năm vẫn không ra được kết quả.
Đến năm 2014, chúng ta mới bàn nhau có nhận thức rằng, "hồn cốt" của tự chủ đại học không phải là tự chủ tài chính mà là "tự chủ chuyên môn".
Và muốn tự chủ chuyên môn được phải có tự chủ nhất định về tài chính và bộ máy nhân lực. Từ đó, cơ quan chủ trì việc thí điểm tự chủ này chuyển từ Bộ Tài chính và trong Thường trực Chính phủ chuyển từ Phó Thủ tướng phụ trách tài chính sang Bộ Giáo dục - đào tạo và Phó Thủ tướng phụ trách về giáo dục. Đó là quá trình nhận thức mất 10 năm.
Các dự án của Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, thời đồng chí Nguyễn Thiện Nhân rất tâm huyết xây dựng các trường đại học xuất sắc, trong đó đầu tiên là trường Việt Đức, Việt Pháp, sau này là Việt Nhật. Trường Việt Đức là do WB tài trợ, mục đích không chỉ là lấy 200 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng châu Á để xây hai trường đại học mà mục đích là xây dựng mô hình quản trị đại học theo hướng tự chủ.
Chính những mô hình đó cộng với mô hình trong nước, ví dụ trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH FPT, ĐH Duy Tân… và sự nỗ lực của một số trường công lập như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐHQG HN & ĐHQG TPHCM thì chúng ta mới hình thành nên nghị quyết của Chính phủ về tự chủ.
Mặc dù nghị quyết đấy mới được thực hiện nhưng ngay từ đầu chúng ta đã nói, con đường đi này là con đường một chiều - không có quay lại và rất nhanh, chúng ta đã lan tỏa ra trong cộng đồng các trường đại học, toàn xã hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội. Chúng ta đã có một Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. Thực ra sửa đổi lớn nhất là để luật hóa tinh thần tự chủ đại học.
"Đến ngày hôm nay, đã là một bước tiến rất rất dài. Từ những ngày đầu tiên, chúng ta không nghĩ được rằng chỉ 5-6 năm chúng ta sẽ có một Luật như thế này.
Lúc bắt đầu thực hiện đổi mới giáo dục theo nghị quyết Trung ương năm 2014 chúng ta có nhiều chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về đại học và chỉ mong có 1 trường xếp trong top 1000 của thế giới thôi. Bây giờ, cả luật pháp, nhận thức, thực tiễn và chất lượng đại học có một bước tiến rất lớn.
Ngày hôm nay, chúng ta không chỉ có 1 trường mà có nhiều trường được xếp hạng. Theo QS, năm vừa rồi chúng ta có thêm 3 trường được xếp hạng, ngoài các trường truyền thống từ trước đến nay. Đây là một bước tiến rất dài", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nói: "Trước hết, tôi phải gửi lời cảm ơn đầu tiên với các cơ sở giáo dục đại học và toàn xã hội, các cơ quan nhà nước chúng ta cùng nhau để giáo dục đại học có một bước tiến rất dài và đúng hướng. Đây là điều vô cùng quan trọng. Dù vậy, chúng ta không thể hài lòng.
Nếu tạm thời phân chia hệ thống giáo dục thành giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì giáo dục phổ thông là giỏi nhất, như Ngân hàng thế giới xếp hạng là đứng đầu khu vực và tiếp cận với các nước OECD.
Giáo dục đại học của chúng ta, từ trước đổi mới là đứng ngoài bảng xếp hạng (ngoài top 100) thì nay đứng khoảng 70. Giáo dục nghề nghiệp trước đây cũng không được xếp hạng thì nay đứng khoảng 90, tùy cách thức xếp hạng. Nghĩa là dù có bước dịch chuyển nhưng chúng ta không thể hài lòng được".
5 vấn đề cần giải quyết khi thực hiện tự chủ đại học
Theo Phó Thủ tướng Đam, đổi mới là một quá trình. Khi đúng hướng rồi thì chúng ta tiếp tục. Những phát biểu trong phiên buổi sáng đều chung một nhận thức rằng, chúng ta mới thực hiện đổi mới giáo dục đại học được một bước và trước mắt còn cả quá trình dài. Chúng ta thống nhất 5 điểm sau:
"Thứ nhất, tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn, phương Tây còn gọi là tự chủ học thuật. Ở đó, phải có một mô hình quản trị tiên tiến để lan ra toàn xã hội, nâng cao tính dân chủ, tính khoa học.
Thứ hai, tự chủ phải gắn với giải trình. Lưu ý, giải trình ở đây là giải trình với toàn xã hội, đầu tiên là học sinh sinh viên, đến cán bộ nhà trường, đến phụ huynh rồi đến toàn xã hội… chứ không phải chỉ giải trình với cơ quan Nhà nước.
Thứ ba, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Chúng ta không nên nghĩ đơn giản một chiều. Thực tế, các trường thực hiện tự chủ, Nhà nước vẫn rót thêm tiền để đầu tư vào các trường.
Chính phủ đã, đang chỉ đạo rất mạnh, Bộ GD-ĐT và các Bộ chủ yếu bên Tài chính làm nhiệm vụ giao nhiệm vụ đào tạo, đặt hàng đào tạo bằng ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, Chính phủ xác định rất rõ, cái này cũng là xu thế thế giới, tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý Nhà nước. Trường đại học muốn xây một cái nhà cũng vẫn phải tuân thủ các quy định của ngành Xây dựng, quy định của ngành Công An về phòng cháy chữa cháy. Vẫn quản lý Nhà nước và bằng pháp luật.
Thứ năm, tự chủ nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo và đối trượng trong diện chính sách. Chúng ta phải làm tốt hơn nữa. Hiện tại, cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng còn chậm.
Ví dụ, Nhà nước khuyến khích và cấp tiền cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, trước thì rót khoản tiền này về cho trường, nay có thể cấp qua học bổng. Hoặc Nhà nước muốn phát triển một ngành nghề cụ thể nào đó thì đặt hàng cho các trường đào tạo".
Những cái vướng liên quan tới viên chức, tiền lương và chuyển giao quyền lực
Phó Thủ tướng chỉ rõ, cái vướng về quản lý nhà nước về chuyên ngành giáo dục thì không còn nhiều nhưng chúng ta có hai cái vướng cơ bản. Cái vướng thứ nhất về mặt quản lý nhà nước, chủ yếu liên quan đến viên chức, ngạch, tiền lương bên Bộ Nội vụ và cái vướng về ngân sách đầu tư, đặt hàng từ bên ngành Tài chính đầu tư.
Còn cái thứ hai cần chuyển đổi rất mạnh là về chủ sở hữu. Trước đây, cơ quan cấp trên là cơ quan chủ quản can thiệp trực tiếp vào quá nhiều thì bây giờ quyền lực đấy phải chuyển dần, bản chất có sự sắp xếp và dịch chuyển quyền lực từ cơ quan chủ quản là chính sang hội đồng trường và cơ quan đại diện cho chủ sở hữu.
Dịch chuyển quyền lực một phần từ cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT sang Hội đồng trường và dịch chuyển một phần quyền từ Hiệu trưởng và Ban giám hiệu sang hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ chế hoạt động tập thể, bao giờ cũng phải tạo được sự đồng thuận thì mới ngăn chặn được những thứ cực đoan sai phạm do thói quen, nếu không có cơ quan tập thể thì dễ bị sai phạm.
Việt Nam và một số nước có điều kiện tương đương, ngoài 5 điểm chung thì điểm chủ sở hữu này rất đáng lưu tâm. Từ đầu, chúng ta có đại học công lập rồi bán công rồi sang tư thục thì chủ sở hữu này phải lưu ý.
Đã xuất hiện tình trạng một số trường, một công ty, một ông chủ đầu tư vào như một nhóm người đầu tư thì coi trường đó là chủ sở hữu của họ và họ quyết hết. Đó là điều không đúng. Về lâu dài, đó phải là sở hữu của toàn xã hội chứ không phải vì tôi bỏ tiền vào mà tôi quyết nay đóng cái này mai đóng cái kia.
Để triển khai thiết thực tự chủ đại học thì có hai việc rất quan trọng. Thứ nhất, phải có hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Muốn vậy, phải có dịch chuyển quyền lực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý, để triển khai, các trường phải có hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Việc dịch chuyển quyền lực này hiện có nhiều nơi chưa làm được do chưa thông trong chính các trường, chủ yếu do nhận thức của đội ngũ lãnh đạo.
"Bản thân một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên hội đồng trường, vẫn muốn tôi làm hiệu trưởng thì tôi là to nhất trong trường. Luật ra đến bây giờ vẫn có đồng chí hỏi: Hiệu trưởng to hay Hội đồng trường to?
Giờ phải định hướng rõ cho các trường, hiệu trưởng thì không kiêm Bí thư Đảng ủy mà là Chủ tịch Hội đồng trường kiêm nhiệm Bí thư Đảng ủy", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.