Phổ cập giáo dục THCS: Nguy cơ mất chuẩn

Hiện, cả nước còn 26/64 địa phương chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở là những tỉnh điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Những tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn thì còn có một số nơi chưa thực sự bền vững...

GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Hiện nay, trên toàn quốc còn 26/64 địa phương chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGD THCS) là những tỉnh kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, điều kiện thực hiện và bảo đảm chất lượng PCGD THCS còn nhiều hạn chế. Những tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn thì còn có một số nơi chưa thực sự bền vững, hoặc chưa chú trọng đến việc duy trì, củng cố và phát triển kết quả phổ cập nên có nguy cơ bị mất chuẩn”.
 
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam, còn nêu một thực tế là, hầu hết các địa phương được công nhận hoàn thành PCGD THCS đều thuộc khu vực đồng bằng. Trong khi đó, tiến độ triển khai công tác phổ cập ở các huyện, xã miền núi rất chậm, vướng mắc, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện học tập của con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ phòng học tranh tre, nứa lá còn chiếm tỉ lệ khá cao. Do điều kiện ăn ở, đi lại khó khăn, tình trạng bỏ học nửa chừng của học sinh miền núi vẫn thường xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập. Trong khi đó, chính quyền cơ sở lại khoán trắng công tác phổ cập cho ngành giáo dục, thiếu sự đôn đốc, hỗ trợ các điều kiện cần thiết. Đến cuối năm 2006, Quảng Nam có 12 huyện với 184 xã đạt chuẩn PCGD THCS, tỉ lệ 70%.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, còn khoảng 12% số huyện chưa đạt kết quả vững chắc, tỷ lệ đạt chuẩn ở mức không cao. Do sức ép về tiến độ và số lượng, một số địa phương cố gắng thực hiện kế hoạch trong điều kiện chưa thật đầy đủ, chưa quan tâm đến chất lượng PCGD, kết quả đạt chưa cao, chưa bền vững, có thể dẫn đến nguy cơ mất chuẩn. Thực tế, cách làm thiên về tăng tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học bằng biện pháp vận động học sinh tái hòa nhập học bổ túc văn hoá, trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng còn rất hạn chế đã làm phát sinh nhiều khó khăn. Những tỉnh chưa đạt chuẩn PCGD THCS đều là những tỉnh khó khăn, một số tỉnh khó đạt được chuẩn vào năm 2010 như đã đăng ký: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lai Châu, Sóc Trăng, Đắk Nông.

Theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức về công tác PCGD của một số địa phương còn hạn chế. Các địa phương mới chỉ quan tâm đến mục tiêu trước mắt là phấn đấu đạt chuẩn, chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng kế hoạch củng cố, duy trì và phát triển kết quả PCGD để đảm bảo tính bền vững. Đồng thời, mạng lưới trường, lớp chưa đến các điểm dân cư, cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập của một số địa phương còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… tình trạng lớp nhô, lớp ghép, điểm trường nhỏ lẻ với rất ít HS vẫn còn khá nhiều.

Theo bà Lê Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, muốn duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng PCGD THCS phải dùng các giải pháp tổng hợp, nhưng quan trọng nhất là phải huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến lớp, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo, giảm lưu ban, bỏ học.

TS. Thái Văn Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo PCGD THCS, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, còn đề xuất, cần xét lại tiêu chuẩn công nhận, vì vẫn còn một vài điểm bất hợp lý, khó thực hiện ở những vùng sâu, vùng xa. Trung ương cần có nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều hơn cho các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì kết quả phổ cập và tiến dần đến đạt chuẩn.

GS.TSKH Đào Trọng Thi cảnh báo, những xã chưa đạt chuẩn hiện nay hầu hết là xã khó khăn, nếu không có những giải pháp quyết liệt, khó có thể hoàn thành mục tiêu PCGD THCS. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc thực hiện các mục tiêu PCGD THCS ở 26 tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh này để giải quyết tình trạng học sinh có học lực yếu kém, bỏ học. Tăng cường xây hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, tạo cơ hội cho con em đồng bào dân tộc ít người, vùng núi khó khăn được học tập. Bộ sẽ nỗ lực cao trong công tác chỉ đạo, thực hiện những giải pháp mạnh và quyết liệt để phấn đấu đưa cả nước cơ bản phổ cập giáo dục THCS đúng thực chất vào năm 2010.

Theo Nguyễn Thu (Báo TNVN)
VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm