Hậu Giang:

Phổ biến giáo dục pháp luật cần gắn với giáo dục đạo đức học sinh

(Dân trí) - Việc phổ biến giáo dục pháp luật của ngành Giáo dục nhằm góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh trong nhà trường.

Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang vừa triển khai xây dựng kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2015 của ngành GD-ĐT trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, việc phổ biến giáo dục pháp luật của ngành nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các đối tượng một cách thường xuyên, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân viên, giáo viên và HS-SV góp phần ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh - trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục nói riêng, địa bàn tỉnh nói chung.

Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang yêu cầu công tác PBGDPL trong nhà trường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Việc lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng theo hướng kết hợp thực tiễn, học đi đôi với hành. Ngoài việc cung cấp thông tin pháp luật, công tác PBGDPL còn phải vận động cán bộ viên chức và HS-SV chấp hành pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

Trong đó, cần chú trọng các vấn đề phòng chống bạo hành, buôn bán, xâm hại trẻ em, các quy định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến trẻ em trong giao thông đường bộ, trong lĩnh vực an ninh - trật tự an toàn xã hội và một số văn bản khác có liên quan đến đối tượng này.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh yêu cầu đội ngũ cán bộ viên chức làm công tác PBGDPL phải thường xuyên trau dồi kiến thức pháp luật, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới và tham dự đầy đủ các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ PBGDPL do các ngành tổ chức. Từng bước nâng chuẩn chuyên môn người làm công tác pháp chế, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân, đặc biệt kỹ năng sử dụng tốt các phương tiện thông tin nhằm tuyên truyền, PBGDPL hiệu quả.

Tủ sách pháp luật của các cơ sở giáo dục phải trưng bày các văn bản quy phạm pháp luật mới, có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, giáo dục tại đơn vị,… Các văn bản này được thường xuyên cập nhật theo quy định; bố trí Tủ sách pháp luật đảm bảo cán bộ viên chức và HS-SV tiện tham khảo, nghiên cứu.

Tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật như: tìm hiểu pháp luật nhằm tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ viên chức và HSSV. Tập trung PBGDPL với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và có hiệu quả; hạn chế những trường hợp vi phạm pháp luật trong đội ngũ cán bộ viên chức và HS-SV của ngành.

Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan mật thiết đến ngành GD-ĐT tỉnh Hậu Giang; không ngừng đổi mới, làm phong phú giờ dạy lồng ghép, tích hợp nội dung PBGDPL trong bộ môn Đạo đức, Giáo dục công dân; Đổi mới phương pháp giảng dạy môn pháp luật theo hướng hình thành năng lực cho HS-SV.

Sở GD-ĐT tỉnh nhấn mạnh, đối với giáo dục mầm non cần đưa những nội dung pháp luật đơn giản về giao thông, gia đình, môi trường, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm vào các trò chơi ở lứa tuổi mầm non nhằm hình thành những yếu tố tâm lý ban đầu mang tính luật, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em vào học lớp 1.

Đối với giáo dục phổ thông cần nâng cao chất lượng dạy và học môn đạo đức, môn giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh. 

Huỳnh Hải

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm