Phía sau tâm tư muốn học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 3 của TPHCM
(Dân trí) - Đã có 4 trường đại học ở TPHCM chính thức cho sinh viên nghỉ học hết tháng 3/2020. TPHCM là nơi mong muốn học sinh, sinh viên được nghỉ học hết tháng 3 với nhiều tâm tư.
Sau khi Học viện Cán bộ TPHCM quyết định cho sinh viên nghỉ học hết tháng 3, mới đây có thêm 3 trường đại học tại TPHCM cũng quyết định cho tất cả sinh viên tại trường tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3 trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19.
TPHCM là nơi đầu tiên trong cả nước đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học hết tháng 2/2020. Trong thời điểm giữ tháng 2, UBND TPHCM đã đưa ra đề xuất cho học sinh nghỉ học hết tháng 3/2020 và đề nghị điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ 2 bắt đầu từ tháng 4 và dời kỳ thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7/2020.
Sau đó, căn cứ vào tình hình chung, TPHCM ra quyết định, học sinh lớp 12 nghỉ học đến hết ngày 8/3, học sinh mầm non và từ lớp 1 đến lớp 11 nghỉ học đến hết ngày 15/3.
Học sinh, sinh viên, học viên khối giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố nghỉ học đến hết tháng 3/2020.
Trong cuộc họp của UBND TPHCM về chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều tối 29/2, PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM đưa ra kiến nghị thành phố tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ hết tháng 3 để có sự chuẩn bị, phương án thực hiện thống nhất.
Toàn TPHCM hiện có hơn 600.000 sinh viên cao đẳng, đại học và hơn 1,7 triệu học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học đến THPT. Riêng khối Đại học Quốc gia TPHCM có hơn 70.000 sinh viên, trong đó 50 người Trung Quốc và hơn 1.000 người Hàn Quốc. Riêng ký túc xá của ĐH có hơn 40.000 sinh viên cư trú, các em từ nhiều địa phương khác nhau, nếu đi học lại sẽ gây áp lực rất lớn.
Vì đâu TPHCM đề xuất học sinh nghỉ học hết tháng 3?
Thắc mắc gây tranh cãi dư luận được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giải thích trong các cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19.
TPHCM hơn 2.000 trường học, 1,9 triệu học sinh và giáo viên, chưa kể sinh viên, giảng viên các trường ĐH. Có thể thấy 2.000 trường học là 2.000 trung tâm giao lưu với mật độ cao, tính tương tác giữa giáo viên, học sinh và giữa học sinh với nhau rất lớn. Nếu xuất hiện một trường hợp nhiễm bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh. Trong khi đó, ý thức tự bảo vệ sức khỏe và giữ gìn vệ sinh của trẻ em còn hạn chế.
Tính phương án cho nghỉ học từng tuần sẽ gây nhiều bất tiện cho phụ huynh nên TPHCM muốn có phương án chủ động, tăng tính chủ động các gia đình, phụ huynh sắp xếp sinh hoạt riêng. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh về khung thời gian năm học và lịch thi THPT quốc gia năm 2020. Trên cơ sở này, thành phố phải tính toán lại, nếu nghỉ học đến hết tháng 3 sẽ ảnh hưởng kỳ thi THPT quốc gia của 73.000 học sinh khối 12. Từ thực tế đó, TPHCM đã quyết định cho học sinh khối 12 nghỉ học đến hết ngày 8/3 vì nếu nghỉ dài ngày hơn sẽ không còn thời gian để dạy bù.
Ông Nguyễn Thành Phong cho hay mặc dù tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng căn cứ tình hình thế giới, TPHCM phải tính đến phương án chống dịch xấu nhất.
TPHCM có lợi thế về mặt thời tiết nhưng lại là nơi có nguy cơ cao khi là nơi thông thương, tập trung số lượng đông người lao động nước ngoài, phần lớn là từ các nước có dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Như chỉ riêng quận 7, TPHCM, tính đến ngày 25/2/2020, đã có trên 11.000 người Hàn Quốc tạm trú, lưu trú.
Ngay từ đầu, thành phố xuyên suốt tinh thần phòng bệnh là trên hết, sức khỏe người dân là trên hết. Hiện thành phố phải tính toán lập thêm bệnh viện dã chiến, có thể phải mượn tạm ký túc xá 40.000 giường của ĐH Quốc gia làm nơi cách ly tập trung.
Về nhân lực y tế, thành phố cũng nhấn mạnh, ngành Y tế phải cam kết, tuyệt đối không để nhân viên y tế làm nhiệm vụ bị lây nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Thành Phong cho hay, hiện toàn TPHCM chỉ có chưa đến 350/19.000 bác sĩ là bác sĩ khoa nhiễm, tổng điều dưỡng khoa nhiễm chỉ gần 1.000 người. Trong khi việc chăm sóc, điều trị người bệnh nhiễm Covid-19 đòi hỏi nhân lực rất cao.
Thành phố phải tính toán, lập Trung tâm điều hành nhân lực của ngành y tế, tập huấn ngắn hạn đội ngũ y bác sĩ ở các khoa khác có thể hỗ trợ khoa nhiễm, nghiên cứu điều phối lượng bác sĩ phòng khi cần thiết.
Dù "tổng lực", chuẩn bị mọi phương án, nhưng lãnh đạo TPHCM thẳng thắn thông tin: năng lực, khả năng tối đa của thành phố chỉ có thể chủ động dưới 1.000 ca bệnh, nếu vượt, thành phố sẽ "vỡ trận".
Trì hoãn là quyết sách phù hợp
TS Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, với khoảng gần 2,3 triệu học sinh, sinh viên, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục..., việc bình thường hóa hoạt động giáo dục rõ ràng sẽ làm tăng thêm mối lo cho thành phố.
Riêng việc sinh viên dồn về thành phố đã làm tăng mật độ ở các khu dân cư, phòng trọ, ký túc xá, kể các các quán cà phê, hàng ăn. Nếu có việc gì xảy ra, chắc chắn sinh viên sẽ tức tốc chạy, nhảy xe, tàu về quê trong sự lo lắng và quên mất chính mình có thể là một tác nhân lây truyền.
Trong khi đó, mối lo từ bên ngoài không ngừng tăng lên tạo sức ép ngày càng rất lớn lên hệ thống phòng ngừa bệnh tật của thành phố. Biết lượng sức mình có hạn, hệ thống y tế của TPHCM luôn quá tải vì vừa lo cho thành phố, vừa lo cho các tỉnh. Nếu có chuyện thì vỡ trận là tất yếu vì không chỉ lo Covid-19 mà ảnh hưởng đến việc điều trị khác bệnh khác.
Theo TS Dương Minh Thành, việc trì hoãn bình thường hóa các hoạt động giáo dục, là hoạt động ít ảnh hưởng nhất đến quá trình tạo ra các sản phẩm hữu hình cho xã hội nhưng lại chiếm lượng người lớn nhất, là một quyết sách đúng đắn.
Ông nêu quan điểm trong các trận chiến thì trẻ em luôn nằm dưới hầm trú ẩn. Chỉ cần mục đích bảo vệ trẻ em đã đáng để quyết định trì hoãn. Chưa kể, trường học không có học sinh là nơi có thể sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
Trong khó khăn chung này, TS Thành bày tỏ mỗi người dân thành phố cần cố gắng thu vén công việc gia đình, cộng đồng cần tuân thủ nghiêm ngặt để tránh điều đáng tiếc. Nhờ vậy, thành phố tập trung làm tốt công tác phòng ngừa ở những khu vực có nguy cơ cao.
Hoài Nam