Phát triển sở thích cá nhân - Bí quyết tạo khác biệt trong hồ sơ du học Mỹ
(Dân trí) - Trong hàng nghìn người nuôi mộng du học Mỹ, để giành một suất không phải việc dễ dàng – điều mà ai cũng hiểu. Bởi vậy, nếu muốn hồ sơ mình khác biệt thì hãy chú trọng phát triển sở thích cá nhân.
Đó là những chia sẻ của các bạn du học sinh trong sự kiện “Du học Mỹ - Thách thức và cơ hội” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Bí quyết tạo sự khác biệt nằm ở đam mê
Kết quả học tập tốt là một xuất phát điểm thuận lợi cho lộ trình ứng tuyển vào các trường đại học hàng đầu thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng.
Thế nhưng, điểm số lại không phải tất cả bởi hội đồng tuyển sinh sẽ đánh giá ứng viên dựa trên nhiều khía cạnh. Phải làm thế nào để tạo sự khác biệt trong hồ sơ là điều các ứng viên đặc biệt quan tâm.
Bạn Xuân Tùng (Trúng tuyển Viện công nghệ hàng đầu thế giới MIT và ĐH Princeton) chia sẻ: “Trong hồ sơ ứng tuyển, bạn cần thể hiện với Ban tuyển sinh năng lực và niềm đam mê mãnh liệt của bản thân với lĩnh vực liên quan tới ngành học mà bạn đăng ký”.
Nếu như năng lực hay tiềm năng được thể hiện qua kết quả học tập THPT thì niềm đam mê của bạn sẽ thể hiện chủ yếu ở bài luận.
Đồng thời, Xuân Tùng khuyên nên đưa các bản đính kèm tóm tắt các hoạt động nghiên cứu (nếu có) vào hồ sơ.
Có thể những nghiên cứu đó từng được các nhà khoa học chứng minh hay đưa ra kết luận nhưng không sao. Vì thông qua đây, Ban tuyển sinh sẽ nhìn ra sự tò mò, ham học hỏi và không ngần ngại làm mới mình của bạn.
Đồng quan điểm với Xuân Tùng, Bảo Dung (cựu sinh viên ĐH Upenn) cho rằng điểm làm mình khác biệt với các ứng viên chính là niềm đam mê.
Tôn giáo – một lĩnh vực không nằm trong các môn học cụ thể ở THPT là sở thích lớn nhất của Dung. Vậy làm thế nào để Dung thể hiện được bản thân thật sự đam mê lĩnh vực này?
“Đây là câu hỏi khá lớn khi mình chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển. Mình quyết định tự đi đến một vùng có tôn giáo độc đáo ở Việt Nam để chứng kiến, tìm hiểu. Chính những trải nghiệm đó đã giúp mình thực hiện bài luận”, Dung chia sẻ.
Trải nghiệm chính là những điều căn bản nhất giúp bạn thể hiện được mức độ đam mê của mình. Càng nhiều trải nghiệm, các ứng viên càng hiểu bản thân thích gì và tâm thế sẵn sàng theo đuổi nó đến đâu. Bên cạnh tư duy học thuật, bạn hoàn toàn có thể đam mê nhiều lĩnh vực chứ không nhất thiết là một thứ.
Bạn Minh Anh (trúng tuyển ĐH Fordham) cho biết từng rất tự ti khi điểm chuẩn hóa không quá cao so với các bạn khác. Nhưng bù lại cô gái này lại cho thấy những khía cạnh khác của mình bằng việc tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thử thách bản thân ở nhiều cuộc thi trong và ngoài nước.
“Các bạn hãy vận dụng tối đa thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa để trải nghiệm nhiều lĩnh vực, ví dụ: làm từ thiện, tổ chức các sự kiện hay tự kinh doanh…
Có thể về kiến thức học thuật bạn không quá xuất sắc nhưng ở nhiều hoạt động, bạn sẽ cho thấy mình có màu sắc thì đó cũng là điểm cộng lớn. Từ đây, các bạn sẽ hoàn thiện được nhiều kỹ năng, bổ sung thêm nhiều kiến thức xã hội”, Minh Anh chia sẻ.
Đam mê xuất phát từ sở thích cá nhân
Dẫu biết đam mê là thứ giúp chúng ta kiên trì theo đuổi mục tiêu, nhưng không phải ai cũng biết mình đam mê thứ gì. Bạn Ngô Minh Anh (giành học bổng ĐH Upenn) cũng từng có giai đoạn không biết bản thân đam mê điều gì. Sau đó, Minh Anh quyết định lựa chọn một trong các số những sở thích cá nhân được thực hiện hàng ngày.
“Các bạn hãy thử khai thác tối đa sở thích cá nhân mà mình làm hàng ngày. Thử phát triển nó ở những quy mô, phạm vi khác xem nó có thể đi tới đâu.
Ví dụ, với sở thích làm bánh mà mình đã thực hiện 10 năm, thay vì làm ở nhà cho gia đình thưởng thức thì mình làm thật nhiều và gửi tặng trẻ em vùng núi; thay vì đánh đàn ở nhà thì mình đi biểu diễn tại các sân khấu lớn nhỏ…
Qua mỗi thử thách mới như vậy, bạn sẽ cảm nhận được đâu là điều khiến mình yêu thích và kiên trì theo đuổi lâu dài hơn”.
Theo Minh Anh, việc phát triển đam mê từ sở thích cá nhân sẽ giúp bản thân kiên trì hơn và hạnh phúc hơn trong những năm học tập tại nước bạn bởi những sở thích đó đã thân thuộc, gắn bó lâu dài.
Bên cạnh đó, một trong những cách tìm kiếm đam mê chính là liên kết những vấn đề bản thân quan tâm. Đây cũng chính là cách giúp cho Nhật Quang (trúng tuyển Đại học Rice) áp dụng.
Là học sinh chuyên Toán, Nhật Quang hầu như dành thời gian cho việc học và nghiên cứu công nghệ. Ngoài ra, mối quan tâm của Quang là vấn đề môi trường.
Chính vì vậy, Quang đã kết nối những thứ đó lại và phát triển trang website về môi trường cũng như tham gia sản xuất các ứng dụng điện thoại thông minh về môi trường.
“Liên ngành hay kết nối các vấn đề mình quan tâm sẽ giúp bạn không phải phân vân nên chọn thứ gì hay bỏ lại thứ gì. Hơn nữa nó sẽ đẩy bạn phát triển nhanh hơn vì đó là tổng của nhiều sở thích”, Quang chia sẻ.