Hành trình vào Ivy League: P3 - Thuật toán lọc chọn hồ sơ của các trường
(Dân trí) - Mỗi năm, Đại học Harvard nhận được khoảng 40.000 bộ hồ sơ ứng tuyển nhưng trường chỉ nhận vào 4.000-5.000 sinh viên, do đó hội đồng tuyển sinh Ivy League phải có một thuật toán lọc chọn ứng viên.
Không chỉ riêng Harvard, 7 trường còn lại trong nhóm Ivy League cũng là điểm đến trong mơ của học sinh toàn thế giới. Hội đồng tuyển sinh các trường phải ngồi đọc rất nhiều hồ sơ để “đãi cát tìm vàng”. Không sai khi nghĩ rằng, các trường có công thức để lọc hồ sơ.
Theo chuyên gia Đào Thu Hiền, người tốt nghiệp thạc sĩ hai trường Ivy League (Đại học Harvard và Đại học Columbia) việc này trở thành một thuật toán bao gồm rất nhiều con số.
Mặc dù mỗi một học sinh chúng ta là một cá thể đặc biệt, có một không hai nhưng khi được đưa bộ lọc thì chúng ta lại trở thành những con số trên những cột nhất định. Và ở đây có một số con số nhất định mà họ phải xem xét. Nữ thạc sĩ chỉ ra 8 yếu tố như sau:
Thứ nhất, về sắc tộc - bạn thuộc chủng tộc gì (da đen, da trắng, da vàng)…
Thứ 2, khu vực địa lý - bạn đến từ đâu? Miền nam hay miền tây nước Mỹ?...
Thứ 3, gia cảnh của bạn – bố mẹ bạn có học Ivy ra hay không? Thực ra hội đồng tuyển sinh chỉ quan tâm đến gia cảnh khi mà bố mẹ bạn đã học trường Ivy ra thì bạn sẽ được điểm cộng, cái này gọi là “legacy” (di sản) hoặc bố mẹ bạn là Tổng thống chẳng hạn thì họ chắc chắn sẽ quan tâm (nhưng trong trường hợp này thì chắc chắn hồ sơ của bạn đã được biết đến từ trước rồi).
Thứ 4, quốc tịch của bạn – nó cũng hơi giống yếu tố địa lý (địa lý áp dụng nhiều hơn cho học sinh trong nước), tiêu chí này áp dụng nhiều hơn cho học sinh quốc tế.
Thứ 5, thu nhập của gia đình – nhà giàu hay nghèo, thu nhập bao nhiêu?
Thứ 6, học thuật thể hiện năng lực học tập của bạn và ngành bạn muốn lựa chọn.
Thứ 7, tài năng về mặt thể thao vì các trường ở Mỹ rất coi trọng thể thao và họ sẽ có một khoản đầu tư rất lớn cho những vận động viên chuyên nghiệp.
Thứ 8, thành tích về ngoại khoá – em tham gia những hoạt động cộng đồng nào ngoài học tập…
Như vậy, có 7-8 yếu tố khác nhau và trong đó, có những yếu tố mang tính tự nhiên, bạn không thể điều khiển làm chủ được (sắc tộc, quốc tịch)…
Có những yếu tố như học thuật, tài năng, hoạt động ngoại khoá thì bạn có thể điều khiển, làm chủ nó được.
“Khi hồ sơ của em nộp vào các trường, nó sẽ rơi vào một bảng excel và các con số rơi vào các cột, tổng điểm cộng của các sẽ được mang so sánh với người khác. Nhà tuyển sinh sẽ lọc được một cộng đồng gọi là “short list” (danh sách ngắn) để được vào phỏng vấn…
Đây không phải cái gì lạ hay sai cả, mà là chuyện rất bình thường và các trường phải xét hồ sơ sao cho logic nhất”, chị Đào Thu Hiền chia sẻ.
Các trường họ cũng nhận những hồ sơ rất giống nhau, nhiều em học rất giỏi, làm đủ các hoạt động ngoại khoá. Bởi vậy, phần mà hội đồng tuyển sinh đọc kỹ trong hồ sơ của ứng viên chính là bài luận của ứng viên và thư giới thiệu của thầy cô về ứng viên đó, những gì mà họ không số hoá được.
Chuyên gia này lấy hình tượng minh hoạ quá trình tuyển sinh vào Ivy League cũng giống như việc hội đồng tuyển sinh các trường Ivy League muốn tạo ra một lẵng hoa. Lẵng hoa đó gồm nhiều bông hoa độ cao màu sắc chủng loại khác nhau…
Cái lẵng hoa đó được tạo từ các bông hoa nhặt từ khắp các loài và họ cắm lại, đến khi hoàn hảo, họ sẽ cất sang một bên. Số còn lại, họ sẽ nhặt những gì rất đẹp và cũng muốn giữ để nếu những bông kia bị hỏng sẽ chấp nhận thêm.
Họ để số này vào một danh sách gọi là waitlist (danh sách chờ), còn lại những gì không phù hợp thì họ sẽ để ra bên ngoài và từ chối.
“Vậy mục tiêu của em là phải trở thành một bông hoa được hội đồng tuyển sinh chọn đưa vào lẵng hoa đó chứ không phải một bông trong bó hoa họ mua về, điều đó không để lại dấu ấn, di sản nào cả.
Điều này cũng rất khó, các em có làm được hay không một phần xuất phát từ nội lực và nỗ lực của các em. Đó là quá trình rất lâu dài”, thạc sĩ Đào Thu Hiền nhấn mạnh.
Mặt khác, các ứng viên phải lưu ý, quá trình khi nộp hồ sơ sẽ đưa ra các lựa chọn gì, những quyết định thế nào, câu chuyện gì là cái mình sẽ kể ra. Nó giúp cho mình làm nổi bật lên cái mình có và độc đáo đó. Bởi, các em cũng có thể có nhiều cái giống người khác và lại cũng có cái gì rất riêng của mình.
Mời độc giả đón đọc kỳ cuối: “Hành trình vào Ivy League: P4 – Sai lầm của học sinh Việt và cách tiếp cận đúng”
Lệ Thu