Phát triển giáo dục 4.0 từ góc nhìn của vợ chồng giảng viên Việt tại New Zealand

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đảm nhiệm vị trí Giám đốc sau đại học tại The Mind Lab (New Zealand), vợ chồng TS Phạm Đình Trực và ThS Võ Thị Mỹ Dung đã có rất nhiều chia sẻ thú vị về môi trường giáo dục tiên tiến ở quốc gia này.

Theo đuổi sự nghiệp giáo dục lâu năm, anh Phạm Đình Trực và chị Võ Thị Mỹ Dung luôn chủ động kết nối với các nền giáo dục hàng đầu vì sự phát triển của thế hệ tương lai. Tinh thần cầu tiến và niềm đam mê sư phạm đã giúp họ bén duyên với New Zealand, quốc gia hiện đang dẫn đầu khối các nước nói tiếng Anh về nền giáo dục chuẩn bị kỹ năng tương lai.

Phát triển giáo dục 4.0 từ góc nhìn của vợ chồng giảng viên Việt tại New Zealand - 1
Vợ chồng giảng viên Phạm Đình Trực và Võ Thị Mỹ Dung đã có 7 năm công tác tại trường The Mind Lab (New Zealand).

Bồi dưỡng năng lực số ở trẻ từ việc phát triển kỹ năng CNTT cho giáo viên

7 năm công tác tại xứ sở kiwi và cụ thể là tại The Mind Lab, trường tư thục chuyên về đào tạo sau đại học, nâng cao năng lực ứng dụng, tích hợp công nghệ số trong giáo dục, đào tạo, quản lý, và thương mại, anh Trực và chị Dung cho biết họ rất ấn tượng về tầm nhìn chiến lược của quốc gia này trong việc tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giáo dục.

TS. Phạm Đình Trực nhận định: "Trong thời đại 4.0, dù thế hệ trẻ nắm bắt công nghệ rất nhanh, nhưng đa phần các em là người "tiêu dùng công nghệ" (Digital Consumer) chứ chưa biết vận dụng công nghệ để đề ra các giải pháp đổi mới giúp phát triển bản thân và xã hội. Tại New Zealand, chính phủ đã nhanh chóng nắm bắt và triển khai giảng dạy công nghệ thông tin (CNTT) ở tất cả các bậc học. Đây là một chiến lược giáo dục để các em bảo vệ mình trước làn sóng 4.0 và tận dụng hiệu quả công nghệ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống."

Tuy nhiên, để chiến lược này thành công, đòi hỏi lực lượng giáo viên ở tất cả các cấp phải được trang bị nền tảng kiến thức về CNTT và vận dụng sáng tạo vào kế hoạch giảng dạy. Đó là lý do New Zealand có những chương trình đào tạo chuyên biệt để nâng cao năng lực cho giáo viên. Đơn cử tại trường The Mind Lab, anh Trực phụ trách chương trình thạc sĩ giáo dục đương đại (Master of Contemporary Education) dành cho giáo viên các trường tiểu học, trung học cũng như giảng viên đại học nhằm nâng cao năng lực tích hợp công nghệ số vào giảng dạy và quản lý giáo dục. Còn chị Mỹ Dung thì đang giảng dạy chương trình Chứng chỉ sau đại học về học tập nền tảng số và dựa trên tính cộng tác (Digital & Collaborative Learning Postgraduate Certificate).

Nối kết chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là động lực cho sự thay đổi

Theo xếp hạng được công nhận toàn cầu của tổ chức Economist Intelligence Unit, New Zealand ba năm liền nằm trong Top 3 nền giáo dục hướng tới tương lai. Bảng xếp hạng dựa trên ba nhóm chỉ số gồm chính sách giáo dục, môi trường giảng dạy, môi trường kinh tế xã hội của 50 quốc gia và nền kinh tế phát triển. Trong đó New Zealand đứng đầu thế giới về môi trường kinh tế - xã hội, một phần là nhờ vào liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, chính phủ và doanh nghiệp.

Phát triển giáo dục 4.0 từ góc nhìn của vợ chồng giảng viên Việt tại New Zealand - 2
Ngoài công việc tại The Mind Lab, anh Trực còn là thành viên hội đồng điều hành của Hiệp hội Công nghệ Giáo dục New Zealand (The Education Technology Association of New Zealand).

Anh Trực cho biết, ngoài công việc tại The Mind Lab, anh còn là thành viên hội đồng điều hành của Hiệp hội Công nghệ Giáo dục New Zealand (The Education Technology Association of New Zealand). Mục tiêu chính của hiệp hội là kết nối các doanh nghiệp và start-up trong ngành với các trường học, đại học, cơ quan chính phủ ở New Zealand và các nước. Anh cho biết trường cũng thường xuyên nhận được "đơn đặt hàng" từ chính phủ hoặc các doanh nghiệp để thiết kế một chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của tổ chức. Gần đây nhất, chị Dung cũng tham gia thiết kế chương trình học mới mang tên Digital and Collaborative Teaching and Learning Micro-credential, bao gồm các khóa học ngắn hạn và chuyên biệt về một chuyên môn hay kỹ năng để hỗ trợ người học có thể cân bằng giữa việc linh hoạt tiếp thu kiến thức mới và công việc hằng ngày.

"Chương trình chúng tôi đang giảng dạy là hình thức giáo dục thế hệ mới kết hợp thế mạnh giữa mô hình trường đại học truyền thống và mô hình tech start-up nhằm cung cấp giải pháp giáo dục công nghệ linh hoạt và phù hợp với nhu cầu học tập về CNTT của người đã đi làm, bao gồm giáo viên. Do đó học viên không chỉ học từ nhà trường, từ tình huống thực tế trong công việc mà còn có cơ hội học hỏi lẫn nhau", anh Trực cho biết thêm.

Nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời

Mọi chính sách giáo dục đều không gặt hái được "quả ngọt" nếu bản thân người giảng dạy thiếu đi tình thần học, học nữa, học mãi. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ vũ bão, các giáo viên càng phải chủ động cập nhật các xu hướng số hóa trong giáo dục.

Phát triển giáo dục 4.0 từ góc nhìn của vợ chồng giảng viên Việt tại New Zealand - 3
Chị Mỹ Dung (thứ hai bên phải) cùng đồng nghiệp trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho học viên tại The Mind Lab.

Chị Mỹ Dung cho biết: "Học viên chương trình của tôi chủ yếu là giáo viên tiểu học và trung học và có cả giảng viên của các viện giáo dục khác. Có người là học theo yêu cầu của trường nhưng cũng có người tự tìm đến đăng ký học. Đa số các giáo viên khi theo học đều có kinh nghiệm giảng dạy nhưng chưa nắm phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học một cách bài bản và có hiệu quả. Thông qua chương trình học, họ tự tin và trở thành một trong những thành phần chủ chốt trong việc đẩy nhanh "công nghệ hóa giáo dục" tại trường của họ. Để hỗ trợ cho các học viên ở xa thì các chương trình ở đây đều được thiết kế kết hợp giữa học trực tuyến và tại trường." Được biết có hơn 6.000 giáo viên New Zealand đã qua đào tạo ở The Mind Lab.

Được truyền cảm hứng từ tinh thần học tập đó, bản thân anh chị cũng học tập không ngừng nghỉ để phát triển bản thân. Hiện anh Trực, chị Dung đang nghiên cứu ứng dụng của AI trong mảng natural language processing (xử lý ngôn ngữ tự nhiên) để phân tích trải nghiệm của học viên nhằm tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy.

Làm giáo dục là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi tâm huyết và mục tiêu cao đẹp. Có thể nói, đối với vợ chồng giảng viên Việt này, động lực lớn nhất phía sau việc theo đuổi sự nghiệp tại New Zealand trong 7 năm qua chính là mong muốn đóng góp sức lực trong việc kiến tạo nền giáo dục hướng tới tương lai, mang đến lợi ích cho thế hệ trẻ. "Khi biết học trò của tôi ở The Mind Lab lại là giáo viên của các con mình ở trường, tôi cảm thấy rất vui vì những nỗ lực của mình đã phần nào tạo nên một tác động tích cực cho chính con cái mình và nhiều thế hệ học sinh nữa", chị Dung chia sẻ.

Độc giả quan tâm đến các khóa học ngắn hạn của New Zealand có thể tham khảo và học miễn phí tại: https://www.futurelearn.com/courses/collections/study-new-zealand. Trong đó, có các khóa của trường The MindLab (được đề cập trong bài viết) với chủ đề nâng cao nghiệp vụ giảng dạy và phát triển bền vững.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm