Phạt tiền nếu vi phạm dạy thêm: Chế tài có thật sự cần thiết?
(Dân trí) - Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục đề cập đến việc “phạt nặng” đối với các vi phạm về dạy thêm nhằm nâng cao tính răn đe để chấn chỉnh. Tuy nhiên, xoay quanh điểm này đã có những ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, trước đây, mới chỉ có xử phạt việc tổ chức lớp độc lập chứ chưa từng đi vào khái niệm dạy thêm. Dự thảo lần này quy định các vi phạm liên quan đến dạy thêm sẽ chịu mức 3 - 30 triệu đồng. Mục đích đưa ra hình thức xử phạt hành chính ở mức cao là nhằm nhắc nhở giáo viên (GV) cần thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17)
Tuy nhiên, theo cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) cho rằng, Thông tư 17 về dạy thêm đã có những hình thức xử lý đối GV vi phạm. Theo đó, GV có thể bị cảnh cáo, nhắc nhở… thậm chí là đình chỉ đứng lớp. Chính vì thế, việc xử phạt bằng tiền có nên hay không? Nếu chúng ta xác định phạt nặng để răn đe nhằm chấn chỉnh dạy thêm thì cần phải xem xét lại. Ở đây cần nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khách quan hơn, dạy thêm học thêm là nhu cầu có thật và chúng ta đang xử lý việc dạy thêm mang tính chất ép buộc.
“Tôi nghĩ khi GV bị xử lý kỹ luật do vi phạm về dạy thêm đã là một hình phạt nghiêm khắc rồi. Do đó việc phạt tiền là không nên” - cô Yến nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Văn Hợi - phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, đơn vị tiên phong trong việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm phân tích: “Khi xử phạt hành chính bắt buộc phải quy rõ ràng lỗi vi phạm. Song trên thực tế, việc quy lỗi vi phạm không đơn giản như chúng ta nghĩ. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính cũng không phải là cái gốc để giải quyết vấn đề dạy thêm học thêm”.
Phân tích về tình huống hành vi vi phạm, ông Nguyễn Tiến Quang - Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang chia sẻ: “Thực tế trong Thông tư 17, Bộ GD-ĐT đưa quy định, các trường tiểu học không dạy thêm môn văn hóa, trừ bồi dưỡng về văn hóa văn nghê, thể dục thể thao và rèn kỹ năng sống. Hiện nay ở Bắc Giang có biểu hiện các trường tiểu học lách luật đề nghị làm tờ trình xin cấp phép dạy thể dục thể thao và rèn kỹ năng sống, nhưng cấp phép lại dạy thêm văn hóa, dạy thêm trá hình.
Bên cạnh đó, trong Thông tư 17 có quy định, đối với GV đang hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức dạy thêm, nhưng được tham gia dạy thêm. Vậy hành vi tổ chức dạy thêm ở nhà có bị xử phạt không?”.
Tại Hội thảo góp ý về Nghị định xử phạt hành chính giáo dục ngày 19/3, ông Đỗ Văn Thông - phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình thẳng thắn cho biết: “Kiểm tra dạy thêm học thêm trên địa bàn là rất khó. Do cơ chế hiện này là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thậm chí là còn phải xin phép nên việc tiếp cận “bắt tận tay” gần như là không có”. Cũng theo ông Thông: "Việc chúng ta cứ lôi nhau ra mà phạt rất khó khăn. Vì thế cần coi trọng tính tuyên truyền, trừ những chỗ khó khăn quá".
Giải đáp về những băn khoăn này, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh: “Đưa ra mức xử phạt không phải là ngành lúc nào cũng nhắm đến việc xử phạt mà có tính răn đe để mọi người biết đó là lỗi vi phạm, tránh bị xử phạt. Chúng ta nên nhớ, dự thảo Nghị định cũng nêu rất rõ hình thức xử lý vi phạm đó là nhắc nhở sau đó mới tiến đến phạt tiền. Chính vì thế, việc xử phạt chỉ được tiến hành khi mà nhắc nhở vẫn cố tình tái diễn vi phạm”.