Phạt HS súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng: Thà đòn roi còn đỡ đau đớn hơn

(Dân trí) - “Có thể khẳng định hành động trên của cô Hương đã phạm vào tội hành hạ trẻ em, đấy là chưa nói tới việc, cô không lường hết được những độc hại của nước giẻ lau bảng”, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) chia sẻ.

Sau khi thông tin cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, Trường tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng bắt phạt học sinh lớp 3 bằng cách bắt súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng được đăng tải, nhiều giáo viên đã rất bức xúc với hình phạt của cô giáo Hương.

Một chuyên gia giáo dục ở Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh đã bức xúc đăng tải thông tin trên trang cá nhân:

“Sao lại xem học trò như kẻ thù như thế! Nghề giáo ngoài việc để kiếm sống thì còn là một công việc cao quý với sứ mệnh phục vụ con người, chăm chút cho thế hệ tương lai, vun trồng những phôi thai tinh thần và thể chất của con trẻ.

Vậy nên bước vào nghề này, bạn trẻ cần soi mình xem mình thực sự được như thế không? Khi tuyển người, các khoa sư phạm cần tìm hiểu xem ứng sinh có đạt được “vocation” này không”, chuyên gia này viết.

Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (TP Hồ Chí Minh) đã thốt lên “trời ơi”, khi đọc được thông tin về hình phạt của cô Hương với học sinh. Anh cho rằng không hiểu sao cô giáo lại thiếu kĩ năng xử lý đến như vậy.

Bản kiểm điểm của giáo Nguyễn Thị Minh Hương sau khi xảy ra sự việc (ảnh: Anh Nhiên)
Bản kiểm điểm của giáo Nguyễn Thị Minh Hương sau khi xảy ra sự việc (ảnh: Anh Nhiên)

Chia sẻ với PV Dân trí, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) rất bức xúc sau câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương.

Ông cho biết, có thể khẳng định hành động trên của cô Hương đã phạm vào tội hành hạ trẻ em, đấy là chưa nói tới việc, cô không lường hết được những độc hại của nước giẻ lau bảng trong cơ thể trẻ.

Tuy nhiên, theo BS An, nguy cơ cao hơn là học sinh này sẽ rất tủi hổ, cảm thấy nhục nhã và bị ảnh hưởng tâm lý nặng không đong đếm được. Em sẽ bị dằn vặt sau khi về nhà, đấy mới là điều rất đáng lo ngại đối với sức khỏe tinh thần của em bé.

“Gần đây nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra trong giáo dục: Cô giáo im lặng suốt 4 tháng không giảng bài, cô giáo dùng chân đá ngã trẻ trong giờ ngủ và bây giờ là cô giáo bắt bé lớp 3 súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng… tôi cho rằng, cái chính là chất lượng giáo viên hiện nay còn khiếm khuyết.

Việc lựa chọn giáo viên đứng lớp ở các cơ sở giáo dục còn chưa chặt chẽ - nhất là cấp tiểu học còn bị xem nhẹ, dẫn đến nhiều vụ việc bạo hành đáng tiếc đã xảy ra”, BS An cho hay.

Cũng theo BS An, được biết Thủ tướng vừa phê chuẩn Dự án “1 nghìn ngày đầu đời”, ưu tiên tập trung chăm sóc cho trẻ em trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời. Như vậy, kĩ năng và chất lượng của giáo viên cực kì quan trọng, đặc biệt là việc hiểu biết về luật và quyền của trẻ em để không làm ảnh hưởng đến các em trong những năm tháng đầu đời đó.

Giai đoạn này cực kì quan trọng với các em cả 60-70 năm về sau. Do vậy, em bé bị hành hạ, bị bạo lực như trên đây cực kì nguy hiểm.

“Mặc dù cô giáo có thể chưa biết được tính chất độc hại khi bắt em bé đó uống nước giẻ lau nhưng có một thứ cô không thể lường hết được đó là em bé sẽ cực kì đau khổ và sang chấn về tâm lý nặng nề trước bạn bè và những người xung quanh”, BS An chia sẻ.

Ông cho biết thêm, nhiều người cho rằng, có thể cô đánh nhẹ vài roi còn đỡ đau đớn hơn việc hành hạ trên đây, quan điểm của BS Trọng An, câu đó rất đúng. Ông khẳng định: “Hiện nay người ta hay nhắc đến việc chống trừng phạt thân thể nhưng trong nghiệp vụ sư phạm, cũng có lúc cần phương pháp kỉ luật tích cực khi trẻ vi phạm trong lớp, các kĩ năng kiềm chế tức giận của giáo viên ra sao và các hỗ trợ của giáo viên đối với các em bé đặc biệt học hòa nhập… Đó mới là điều quan trọng mà giáo viên của chúng ta cần hướng tới”.

Như Dân trí đã đưa tin trước đó, học sinh Phương Anh (lớp 3A5), Trường tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng, do nói chuyện riêng trong lớp đã bị cô giáo phạt bằng cách cho uống nước giặt giẻ lau bảng. Vụ việc bị phụ huynh phát giác đến phản ánh với nhà trường.

Sau khi xác nhận thông tin phản ánh của gia đình em Phương Anh là đúng, Hiệu trưởng nhà trường đã yêu cầu Hương trực tiếp đến gặp gia đình cháu Phương Anh xin lỗi và mong được gia đình tha thứ.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm