Phát hiện và định hướng tài năng ở trẻ
Các ông bố bà mẹ hằng mong mỏi con cái mình giỏi giang, thông minh hơn người. Làm sao để phát hiện trẻ có năng khiếu đặc biệt? Định hướng cho trẻ như thế nào khi chúng thật sự có tài?
Giáo sư Howard Gardner thuộc trường Harvard Graduate School of Education đã làm một bảng tổng hợp bảy dạng thiên khiếu thường gặp nhất ở trẻ em.
1. Ngôn ngữ học. Những đứa trẻ được thiên phú cho khả năng ngôn ngữ sẽ tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách, viết lách, kể chuyện hoặc chơi trò ô chữ.
2. Lôgic toán học. Bạn sẽ thấy những đứa trẻ này thích tìm hiểu mối liên hệ giữa các sự kiện, chủng loại khác với nhau. Những bài toán hóc búa, các cuộc thí nghiệm hấp dẫn hay các trò chơi đòi hỏi nhiều tư duy là những người bạn thân thiết nhất của chúng.
3. Thẩm mỹ cơ thể. Những đứa trẻ này sẽ học hỏi và truyền tải điều muốn thể hiện thông qua các chuyển động của cơ thể và sự cảm thụ bằng xúc giác. Chúng thường có thần tượng là các vũ công điêu luyện hay những thợ thủ công giỏi nghề.
4. Không gian. Những đứa trẻ này thường bị mê hoặc bởi trò chơi ghép hình hay các mê cung bí ẩn. Vẽ hay xây dựng những ngôi nhà nhiều tầng là thú vui mà chúng tìm đến mỗi khi rảnh rỗi.
5. Âm nhạc. Nhiều bậc phụ huynh thường tin rằng con mình được trời phú cho khả năng âm nhạc xuất chúng chỉ vì trẻ thích hát hò và nhảy nhót khi còn thơ ấu. Song những đứa trẻ có tài năng thật sự về âm nhạc lại chỉ để ý đến những âm thanh mà người thường sẽ cho qua. Đôi tai của chúng rất khó tính trong việc gạn lọc, phân tích các thể loại âm nhạc và độ trầm bổng khác nhau của âm thanh. Và chúng sẽ thường dành thời gian ngâm nga hay tạo bằng được các giai điệu cho chính mình.
6. Hướng ngoại. Đây là những nhà ngoại giao có cỡ. Chúng rất biết tạo ra và làm chủ mối quan hệ của mình với những bạn đồng lứa khác. Ngoài ra, chúng còn có khả năng cảm nhận được cảm xúc của người khác cũng như rất biết cách khuyến khích và động viên.
7. Hướng nội. Những đứa trẻ này sẽ thường phân tích cảm xúc của bản thân hơn là người khác, chúng rất nhạy cảm với những gì liên quan đến mình, và khá rụt rè. Nhìn chung, những đứa trẻ này có khả năng chìm đắm nhiều trong thế giới triết học.
CÁC DẤU HIÊU NHẬN BIẾT TRẺ CÓ NĂNG KHIẾU ĐẶC BIÊT:
- Rất tò mò. Bố mẹ sẽ thường xuyên bị chúng truy vấn. Hãy chuẩn bị tư thế thật tốt để trả lời nhé!
- Biết đi hoặc biết nói khá sớm.
- Biết cách sử dụng đôi tay, và trong vài tình huống sẽ là đôi chân, để thực hiện các hoạt động khó như khả năng gắp một món đồ nhỏ bằng các ngón chân.
- Thích thú khá sớm với bảng chữ cái.
- Có sự hiểu biết về số học và các khái niệm thời gian.
- Có khả năng làm các bài toán đố, vượt qua các kỳ thi dành cho lứa tuổi lớn hơn.
- Biểu lộ một sức cảm thụ nhạy bén và hưởng ứng mạnh mẽ với âm nhạc. Tiếp thu nhanh chóng các giai điệu, bài hát và thể hiện lại hết sức chính xác.
- Có khả năng xoay sở và biết cách lợi dụng các hoàn cảnh bất lợi để vươn lên.
- Lộ vẻ thiếu kiên nhẫn trước những giới hạn (thường có những khao khát mà cơ thể chưa đủ phát triển hoặc không thể đáp ứng được).
- Liên tục lựa chọn, sắp xếp, tổ chức và phân loại mọi vật và sau đó tự đặt những cái tên theo suy nghĩ riêng của trẻ.
- Hiểu được khái niệm nguyên nhân và kết quả, đáp ứng tốt, nhanh chóng với các hướng dẫn và thực hiện nhiều nhiệm vụ được giao hơn so với những trẻ khác.
- Sở hữu vốn từ vựng phong phú, có thể nói chuyện một cách mạch lạc khi còn nhỏ tuổi và biết cách diễn đạt bản thân bằng cách dùng các từ khó và các mẫu câu phức hợp.
- Có khả năng tập trung vào việc gì đó một thời gian dài.
- Có khả năng thuật lại một câu chuyện hay một sự kiện mạch lạc, rõ ràng và thậm chí sáng tạo phần kết ly kỳ nhưng vẫn hợp lý.
- Ghi nhớ chi tiết những sự kiện phức tạp để rồi có thể mô tả lại một cách sinh động sau đó một thời gian dài.
ĐỂ PHÁT HUY HƠN KHẢ NĂNG THIÊN PHÚ CỦA TRẺ
- Càng cải thiện môi trường sống và học tập của trẻ càng giúp vun trồng ưu thế hơn người của chúng.
- Hướng trẻ đến thế giới kỳ thú bên ngoài thông qua các món đồ chơi hay các trò chơi và hướng dẫn cho trẻ cách xứ trí trong từng tình huống. Hướng dẫn thôi, đừng áp đặt cách hành xử của chính bạn. Chọn các món đồ chơi giúp phát triển những kỹ năng nhận thức và hoạt động ở trẻ, chẳng hạn như trò chơi xếp hình, xây nhà hay lắp ráp xe cộ...
- Đọc sách cho trẻ nghe và cho chúng làm quen với các quyển sách nhiều hình ảnh. Khi trẻ đã lớn hơn thì cần giới thiệu cho chúng nhiều thể loại sách khác nhau để kích thích bộ não trẻ làm quen với những kiến thức nền cần thiết.
- Chơi nhạc cho trẻ nghe ngay khi còn bé và sau đó tập cho trẻ quen với các tiết tấu nhanh chậm hay mạnh nhẹ khác nhau của các thể loại nhạc khác nhau.
- Cho phép trẻ thử nghiệm và khám phá theo cách của chúng. Luôn sẵn sàng cung cấp bút và giấy để trẻ mặc sức sáng tạo theo các cảm nhận riêng của chúng. Cho phép trẻ có những giây phút bay bổng một mình. Lắng nghe trẻ trình bày các ý kiến của mình, khuyến khích trẻ phát biểu và giúp xây dựng sự tự tin vào bản thân ở trẻ.
- Khuyến khích trẻ tham gia các lớp học hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa có những môn mà trẻ thích thú.
- Đừng phiền hà gì về các lỗi lầm của trẻ. Thử và sai là một trong những cách rất tốt để học và phát triển bản thân. Đừng quá gay gắt nếu trẻ không thỏa mãn được đòi hỏi hay kỳ vọng nào quá từ bạn.
- Lưu tâm đến những gì trẻ thể hiện để vạch hướng phát triển đúng đắn. Đây là điều hết sức cần yếu vì sẽ tránh được các ngộ nhận hoang tưởng khiến con cái thì quá tải còn cha mẹ lại mệt mỏi và thất vọng.
Theo Quý Anh
Tuổi Trẻ