Phát hiện thiết bị gian lận thi cử siêu nhỏ, kích thước bằng nửa hạt gạo
(Dân trí) - Đại diện Công an thành phố Hà Nội đã hướng dẫn các cán bộ coi thi kỳ thi lớp 10 công lập cách thức phát hiện hành vi gian lận thi cử tinh vi bằng công nghệ.
Tại hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội sáng 4/6, Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó trưởng phòng PA06, Công an thành phố Hà Nội - cho biết, gian lận thi cử ngày càng tinh vi và khó phát hiện khi sử dụng các thiết bị công nghệ thu phát siêu nhỏ.
Bà Hằng chỉ ra 9 loại phương tiện kỹ thuật điển hình được dùng để chuyển thông tin đề thi từ phòng thi ra bên ngoài và nhận lời giải từ bên ngoài vào phòng thi.
Đáng chú ý nhất là thiết bị tai nghe siêu nhỏ có kích thước chỉ bằng nửa hạt gạo được nhét vào ống tai của thí sinh. Muốn lấy tai nghe này ra, người dùng phải sử dụng nam châm. Tai nghe này sử dụng kết nối không dây để truyền tín hiệu phòng thi ra ngoài.
Một loại thiết bị thu phát tinh vi khác được gắn trong thẻ ATM. Khi thí sinh mở hộp bút, cán bộ coi thi chỉ thấy chiếc thẻ ATM bình thường nhưng cầm lên tay sẽ thấy nó dày hơn do gắn pin và thiết bị thu phát sóng.
Tương tự, nhiều vật dụng không thuộc nhóm cấm đem vào phòng thi đã được thí sinh lợi dụng để gắn các thiết bị gian lận công nghệ cao được ngụy trang tinh vi. Trong số này có đồng hồ đeo tay, vòng đeo tay, nhẫn, máy tính cầm tay, kính mắt, cúc áo, thắt lưng…
Việc nhận diện các thiết bị này rất khó khăn với lực lượng cán bộ coi thi.
Đại diện PA09 hướng dẫn các giáo viên làm công tác coi thi một số phương pháp nhận biết, phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị kỹ thuật gian lận thi cử thông quan quan sát vật dụng và quan sát biểu cảm, cử chỉ.
Cụ thể, cán bộ coi thi có thể tìm dấu hiệu bất thường điển hình trên vật dụng mà thí sinh đem vào phòng thi như khe hở, lỗ hở, màn hình, ống kính không tương ứng với công năng của vật dụng. Ví dụ 1 chiếc máy tính cầm tay sẽ không có lỗ trên bề mặt.
Đặc biệt, cán bộ coi thi có thể nhận biết những biểu hiện tâm lý khác thường của thí sinh như dáng vẻ mất tự nhiên, thời tiết nóng bức nhưng mặc áo dài tay, áo nhiều lớp, cổ áo túi áo dày cộm…
Sau khi nhận đề thi, thí sinh có thể phát sinh những biểu hiện như miệng lẩm nhẩm đọc đề hoặc đọc phát ra rõ tiếng.
Quá trình làm bài thi, thí sinh không tập trung, thể hiện chờ đợi thông tin qua thiết bị giấu trong người, ngồi không yên, thường quan sát cán bộ coi thi, hay để tay lên mặt, vị trí tai vì thiết bị trong tai gây ngứa, khó chịu.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, kỳ thi lớp 10 công lập của thành phố năm nay huy động xấp xỉ 20 ngàn người tham gia vào công tác tổ chức, coi thi, chấm thi nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và hiệu quả.
Toàn thành phố có 4532 phòng thi chính thức, 402 phòng thi dự phòng với 117.361 thí sinh đăng ký dự tuyển. Số phòng thi này gấp 4 lần Hải Phòng, 7 lần Quảng Ninh, 5,5 lần Vĩnh Phúc.
Bên cạnh công tác phòng chống gian lận thi cử, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương đặc biệt lưu ý các điểm trưởng điểm thi rà soát cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho thí sinh trong quá trình thi.
Ông Cương nêu một số vấn đề an toàn nổi cộm như kiểm tra tường rào, bàn ghế, cây xanh sâu, mục trong khuôn viên điểm thi, các phương án bảo vệ thí sinh trong bối cảnh thời tiết cực đoan…
Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 7-12/6. Theo đó, ngày 7/6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 8-9/6, thí sinh thi lớp 10 đại trà; ngày 10/6, thí sinh thi chuyên; ngày 11-12/6, thí sinh thi chương trình song bằng.